Dòng tiền cứu chứng khoán

Dòng tiền đổ vào chứng khoán giúp VN-Index thoát được một phiên giảm điểm.

Sàn Thành phố Hồ Chí Minh

Tiếp đà giảm điểm hôm qua, mở đầu phiên sáng nay, thị trường chứng khoán giao dịch giằng co. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến Vn-Index giảm nhẹ. Các cổ phiếu trụ cột đồng loạt đi xuống. Chứng kiến diễn biến nhà vậy, nhà đầu tư càng e ngại giải ngân.

Dù có nhiều thời điểm lung lay nhưng lòng tin vào chứng khoán vẫn rất lớn nên khi nhiều mã đi xuống, nhà đầu tư lại tranh thủ mua vào. Dòng tiền tăng vọt giúp VN-Index đi lên. Đợt 2, VN-Index còn tăng tới 6,57 điểm.

Tuy nhiên, do tăng quá mạnh trong suốt thời gian vừa qua nên VN-Index cũng cần “nghỉ ngơi”. Chính vì vậy, càng về cuối phiên, chỉ số này càng đuối dần dù vẫn giữ được sắc xanh. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index tăng 1,69 điểm, tương ứng 0,29% và dừng ở mức 586,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 119.408.907cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 2.241,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với hôm qua nhưng vẫn đứng ở mức cao. Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận là 3.072.887 cổ phiếu, tương ứng 188,32 tỷ đồng.

Dòng tiền cứu chứng khoán - 1

Mở đầu phiên sáng nay, thị trường chứng khoán giao dịch giằng co.

Toàn sàn ghi nhận có  137 mã tăng giá, 69 mã đứng giá và 88 mã giảm giá. 

VN30-Index có tốc độ tăng nhẹ hơn VN-Index. Chốt phiên giao dịch ngày 28/2, VN30-Index tăng 1,07 điểm, tương ứng 0,16% và chốt phiên ở mức 663,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47.856.567 cổ phiếu, tương ứng 1.321,24 tỷ đồng. Trong nhóm có 13 mã tăng giá, 1 mã đứng giá và 16 mã giảm giá.

Hôm nay, hoạt động chốt lời diễn ra ở những mã đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Blue-chip bị chốt lời mạnh hơn nên chỉ số VN30-Index có tốc độ tăng khiêm tốn so với thị trường. Tuần này, HAG là mã có đà tăng ấn tượng nên bị nhà đầu tư mạnh tay bán ra. Kết quả là HAG giảm 300 đồng/CP xuống 27.200 đồng/CP.

Một số blue-chip rơi vào hoàn cảnh tương tự HAG có thể kể đến như DPM giảm 400 đồng/CP xuống 45.200 đồng/CP, HPG giảm 1.100 đồng/CP xuống 48.400 đồng/CP, PET giảm 300 đồng/CP xuống 22.000 đồng/CP, REE giảm 100 đồng/CP xuống 32.100 đồng/CP, SSI giảm 200 đồng/CP xuống 25.800 đồng/CP, STB giảm 400 đồng/CP xuống 21.300 đồng/CP,….

Ở chiều ngược lại, vẫn còn tới 13 blue-chip nâng đỡ thị trường. Các mã tiêu biểu là BVH tăng 300 đồng/CP lên 46.900 đồng/CP, CTG tăng 300 đồng/CP lên 17.600 đồng/CP, FPT tăng 1.000 đồng/CP lên 64.000 đồng/CP, MNS tăng 4.000 đồng/CP lên 102.000 đồng/C, OGC tăng 300 đồng/CP lên 12.900 đồng/CP,…

Cổ phiếu ngành ngân hàng sau phiên “vượt bão” hôm qua đã có sự phân hóa rõ nét. Chỉ CTG, BID và VCB duy trì được đà tăng. CTG tăng 300 đồng/CP lên 17.600 đồng/CP. VCB tăng 100 đồng/CP lên 30.60 đồng/CP. BID tăng 100 đồng/CP lên 17.000 đồng/CP. Trong khi đó, EIB giảm 100 đồng/CP xuống 13.900 đồng/CP, MBB giảm 100 đồng/CP xuống 15.500 đồng/CP, STB giảm 400 đồng/CP xuống 21.300 đồng/CP.

Sàn Hà Nội

Sàn Hà Nội cũng có phiên đảo chiều thành công. Kết thúc phiên giao dịch 28/2, HNX-Index tăng 0,49 điểm, tương ứng 0,59% và đóng cửa ở mức 83,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 77.346.237 cổ phiếu, tương ứng 731,59 tỷ đồng, giảm mạnh so với hôm qua. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 3.804.000 cổ phiếu, tương ứng 39,03 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận 141 mã tăng giá, 88 mã đứng giá và 80 mã giảm giá.

Chốt phiên ngày 28/2, HNX30-Index tăng 1,24 điểm, tương ứng 0,75% và đóng cửa ở mức 166,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 40.601.700 cổ phiếu, tương ứng  484,25 tỷ đồng, giảm mạnh so với hôm qua. Trong nhóm có 11 mã tăng giá, 9 mã đứng giá và 10 mã giảm giá.

Hôm nay cổ phiếu bất động sản, đặc biệt cổ phiếu họ Sông Đà có đà tăng đáng kể trên sàn Hà Nội. 3 mã trong nhóm HN30-Index là SD6, SD9 và SDT góp phần không nhỏ giúp HNX-Index đi lên. Bên cạnh đó, nhiều penny trong họ Sông Đà thậm chí còn tăng mạnh hơn. SDC, SDD, SDH tăng trần lên các mức giá lần lượt là 9.200 đồng/CP, 4.400 đồng/CP và 6.000 đồng/CP.

PVX tiếp tục là mã được nhà đầu tư quan tâm nhất trên sàn Hà Nội khi tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt hơn 12 triệu đơn vị. Sự quan tâm này giúp PVX tăng trần, tăng 400 đồng/CP lên 4.600 đồng/CP. Trong phiên, có lúc PVX chỉ đứng giá tham chiếu.

Không nóng như PVX nhưng SHB vẫn chứng tỏ được vị thế của mình. Khối ngoại tiếp tục mua vào SHB. Bên cạnh đó, nhà đầu tư trong nước cũng đặt niềm tin vào cổ phiếu này nên hôm nay, SHB tăng 300 đồng/CP lên 9.300 đồng/CP.

Cùng đóng vai trò cổ phiếu dẫn dắt thị trường trên sàn Hà Nội nhưng ACB lại có xu hướng ngược chiều với SHB. Hôm nay, ACB giảm 200 đồng/CP xuống 17.100 đồng/CP.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN