Đồng rúp mất giá: Không quá lo ngại!
Ông Phạm Quang Niệm, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga, nhận định như trên và cho biết đây chỉ là bất ổn ngắn hạn, sức ảnh hưởng không quá lớn.
Phóng viên: Ông có thể đánh giá quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nga thời gian gần đây?
- Ông Phạm Quang Niệm: Hợp tác thương mại giữa Việt Nam với Nga trong những năm gần đây phát triển khá tích cực. Xu hướng Việt Nam xuất siêu ngày càng tăng. Nếu như năm 2011, Việt Nam xuất siêu 383,6 triệu USD thì năm 2012 là 883,4 triệu USD. Chín tháng đầu năm 2014, xuất siêu của Việt Nam đạt 930,6 triệu USD. Một đặc điểm và cũng là lợi thế của thương mại Việt - Nga là cơ cấu hàng xuất nhập khẩu 2 nước không bị trùng lặp mà bổ sung cho nhau. Việt Nam xuất đi các mặt hàng thủy sản, nông sản (gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cao su), hàng công nghiệp nhẹ (dệt may, giày dép), đồ điện tử, điện thoại, máy vi tính và linh kiện. Còn Nga xuất sang Việt Nam xăng dầu, sắt thép, phân bón, hóa chất, máy móc, thiết bị.
Ông Phạm Quang Niệm, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga |
Trước tình hình đồng rúp xuống giá “không phanh”, xuất khẩu của Việt Nam sẽ vấp phải khó khăn gì, thưa ông?
- Trong bối cảnh Nga đang thả nổi đồng rúp thì lượng hàng họ nhập khẩu sẽ bị hạn chế ở một mức độ nhất định. Các nhà nhập khẩu Nga phải cân nhắc nhiều hơn đến yếu tố khối lượng, giá cả, hạn ngạch. Tuy nhiên, đây là ảnh hưởng khó khăn mang tính ngắn hạn và có thể có giải pháp tình thế để khắc phục.
Nói vậy có nghĩa là đồng rúp có thể nhanh chóng trở lại ổn định và bức tranh giao thương vẫn sáng sủa?
- Chưa thể đưa ra dự báo đồng rúp có thể trở về giá trị ổn định như trước kia ngay được hay không. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà kinh tế Nga, sẽ mất không dưới 3 tháng để đồng tiền này có thể đi vào ổn định, tất nhiên, với mức giá có thể cao hơn trước đây.
Trên bình diện chung, Nga vẫn là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng nhiệt đới mà họ không thể tự sản xuất được. Chưa kể, Nga đã hạn chế nhập rau, củ, quả, thủy sản từ các nước Liên hiệp châu Âu (EU), Mỹ... và định hướng thị trường sang Việt Nam, các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ Latin. Do đó, chúng ta có cơ hội xuất sang Nga những mặt hàng thế mạnh mà họ không thể không nhập vì sản xuất có hạn. Chúng tôi đánh giá năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nga vẫn là một bức tranh màu sáng.
Gạo là mặt hàng Việt Nam xuất sang Nga Ảnh: NGỌC TRINH
Đó là nói về nhu cầu, còn năng lực của các nhà nhập khẩu Nga có đủ để tiếp tục mua hàng khi phải thanh toán bằng USD không, thưa ông?
- Nga đang giao thương với Việt Nam bằng đồng USD nhưng về lâu dài, hai bên đã có ý tưởng dùng đồng nội tệ để thanh toán. Đồng rúp thả nổi và bị mất giá hiện nay chỉ là tạm thời, không làm cho xuất khẩu của chúng ta vào Nga bị gián đoạn hay giảm một cách đáng lo như nhiều người nghĩ.
Thực tế, diễn biến đồng rúp là một cách Nga thả nổi đồng tiền trong một mức độ nhất định để tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu. Dân Nga vẫn lạc quan bởi họ không lấy đồng USD làm thước đo giá trị nền kinh tế mà lấy đồng rúp làm thước đo. Bởi thế, đến thời điểm này, giá hàng hóa tại Nga chỉ nhích lên không đáng kể, thậm chí mặt hàng bánh mì còn rẻ hơn một chút.
Ông có lời khuyên gì giúp các doanh nghiệp ứng phó trong bối cảnh xuất khẩu sang Nga có thể gặp khó khăn tạm thời?
- Như đã nói, Nga vẫn là thị trường tiêu thụ tiềm năng đối với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Có 2 khuyến nghị với doanh nghiệp không chỉ trong bối cảnh này mà cần áp dụng về lâu dài: Thứ nhất, cần đẩy mạnh hơn công tác xúc tiến thương mại như tham gia hội chợ triển lãm, bày bán hàng trực tiếp, khảo sát thị trường... bởi người Nga không quen tìm hiểu trên hệ thống công nghệ thông tin mà muốn xem trực tiếp. Thứ hai, doanh nghiệp cần bỏ lối tư duy cho rằng người Nga “dễ dãi” hơn nơi khác. Ngược lại, họ rất quan tâm đến chất lượng, có những điểm còn đòi hỏi cao hơn EU nên doanh nghiệp phải tập trung vào chất lượng hàng hóa, nhất là nông sản và thủy sản.
Năm 2014, kim ngạch thương mại Việt - Nga đạt 3,85 tỉ USD Theo số liệu của hải quan Nga, 9 tháng năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 nước đạt 2,532 tỉ USD. Trong đó, Nga xuất sang Việt Nam đạt 800,7 triệu USD; giảm 0,3%. Việt Nam xuất sang Nga đạt 1,731 tỉ USD; giảm 12,7%. Dự kiến năm 2014, trị giá xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 3,85 tỉ USD. Nguyên nhân xuất khẩu của Việt Nam sang Nga bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước là do trị giá nhóm hàng điện tử, vi tính, điện thoại cầm tay cùng linh kiện đi kèm bị giảm. TS Lê Đăng Doanh: Tránh phụ thuộc vào một thị trường Việc đồng rúp có hiện tượng lao dốc là một diễn biến xấu đối với nền kinh tế Nga và cũng không tốt lành gì đối với nền kinh tế Việt Nam - vốn có mối quan hệ thương mại, hợp tác với Nga. Việc xuất khẩu của Việt Nam sang Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tôi lo lắng không biết các đối tác Nga nhập hàng hóa của Việt Nam có khả năng thanh toán và chịu được giá mức tăng cao đến gấp đôi không bởi hàng hóa bán trên thị trường Nga sẽ thu về đồng rúp còn thanh toán nhập khẩu lại bằng đồng USD. Vì vậy, đây là khó khăn rất lớn và trong tình hình hiện nay, việc xuất khẩu sang Nga cần phải được xem xét rất thận trọng. Các doanh nghiệp cần tìm đối tác có đủ khả năng thanh toán trước khi quyết định giao dịch thương mại, đồng thời quy định rõ ràng trong hợp đồng loại tiền thanh toán là đồng rúp hay USD để tránh thiệt hại về sau. Đây tiếp tục là bài học đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc lệ thuộc vào một thị trường, khi có bất ổn sẽ rất bị động. Do đó, các doanh nghiệp cần thiết phải chủ động đa dạng hóa thị trường trong mọi bối cảnh. Ông Nguyễn Thanh Nhị, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển Công nghệ An Đình (Hưng Yên): Dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2015 giảm 15% Chúng tôi sản xuất, chế biến và xuất khẩu giống gạo Japonica (gạo Nhật Bản) sang Nga với kim ngạch khoảng gần 1 triệu USD/năm, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu đi các nước của công ty. So với một số thị trường khác mà chúng tôi xuất hàng đi như Malaysia, Ukraine, Nam Phi, Israel, Canada, Đài Loan và các đảo thuộc Nam Thái Bình Dương... thì Nga chiếm kim ngạch lớn nhất. Trước sự xuống giá mạnh của đồng rúp, đối tác Nga đã dừng ký hợp đồng mới cho năm 2015 do giá nhập khẩu tính theo USD sẽ quá cao, bán trong nội địa ít người mua. Như vậy, 2015 sẽ là một năm rất khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Hiện tại, chúng tôi đang xúc tiến tăng xuất khẩu vào các thị trường mới như Singapore, Hồng Kông, Mông Cổ; đồng thời, nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm đáp ứng đủ điều kiện vào thị trường Mỹ, EU... Dự kiến năm 2015, trong tổng số 20% kim ngạch xuất khẩu bị hao hụt từ thị trường Nga, chúng tôi chỉ có thể đưa sang thị trường khác khoảng 5%, vẫn còn thiệt hại khoảng 15% so với các năm. Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK thủy sản An Giang (AGF): Ảnh hưởng không nhiều Trong năm qua, xuất khẩu thủy sản, chủ yếu là mặt hàng cá tra, sang Đông Âu và cả Nga của AGF chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 3,8%, không lớn lắm so các khu vực khác. Vì vậy, việc đồng rúp mất giá không ảnh hưởng quá lớn đến AGF. Thế nhưng, nếu thị trường Nga vẫn có nhu cầu thì chúng tôi vẫn phải xuất khẩu. Thực tế, khi đồng tiền Nga mất giá, người tiêu dùng nước này chịu ảnh hưởng nhiều nhất nên có thể chi tiêu của họ bị hạn chế, ảnh hưởng đến sức cầu của thị trường. Tuy nhiên, hiện giá của sản phẩm thủy sản Việt Nam thường là rẻ nhất so sản phẩm thủy sản nhiều nước khác nên người dân lao động Nga rất cần. P.Nhung - S.Nhung ghi |