Đời nữ sales bất động sản
Đó là những cô gái xinh đẹp, nụ cười tươi như hoa, khuôn mặt khả ái, dáng người cao ráo, trắng trẻo, có mặt cạnh các dự án đang xây dựng đầy khói bụi, tiếng ồn cho tới xuất hiện trong các khán phòng sang trọng để tiếp thị căn hộ, biệt thự. Thậm chí có cả những cô gái làm “cò mồ côi” khi tự lấy thông tin khách hàng, tự tìm khách bán để lấy hoa hồng.
Tại TP HCM, đội quân “cò” nữ đang phát triển nhanh chóng. Theo Luật kinh doanh Bất động sản thì họ phải có chứng chỉ nghề nghiệp. Nhưng đời nữ sales còn đó nhiều điều chưa biết.
Câu chuyện “cò… mồ côi”
Chính vì sự khởi sắc của “phố Đông” như cách người ta thường gọi về các dự án tại Q.9 mà hiện một lượng lớn “cò” đất và nhà đang dạt về làm ăn, sau một thời gian dài “bám trụ” tại Q.2. Đi dọc nhiều con đường của Q.9, bên cạnh nhiều đoạn đường còn sình lầy là bóng dáng giới địa ốc lẫn nữ môi giới đông đảo.
“Cò” môi giới ở đây thường không học trường lớp nào cả, tự nhảy sang nghề này để “kiếm cơm”, ăn mặc chải chuốt, nói chuyện ngọt như mía lùi, đon đả mời chào khách lạ đi qua bằng cách phát tờ rơi, đưa khách đi xem nhà mẫu miễn phí cùng đủ chiêu để gạ bán “hàng”, giúp khách vay vốn ngân hàng để mua với thủ tục ưu đãi, thời gian linh hoạt.
Vũ Tú Thanh, năm nay 24 tuổi, thổ lộ: “Em vào làm nhân viên môi giới chỉ có vài triệu đồng một tháng. Thế nhưng, nếu kiếm được khách mua chung cư hay đất xây nhà phố thì được chia hoa hồng. Có tháng kiếm được vài phi vụ nhưng có tháng cũng trắng tay vì nhân viên môi giới địa ốc giờ nhiều quá! Do làm “lụi”, không có chứng chỉ nên tụi em làm nhỏ lẻ, dân trong nghề gọi là “cò... mồ côi”.
Nữ sales đang giới thiệu dự án cho khách.
Theo lời Thanh thì nhân viên như cô phải làm đủ cách để “chiêu dụ” khách đến với dự án. Đầu tiên là đối tượng khách vãng lai cho đến việc quấy rầy khách bằng cả trăm tin nhắn một ngày mà chỉ cần có một người hỏi han đã là thành công lớn. Điều đó lí giải tại sao, người dân thành phố hiện nhận cả chục tin nhắn mua bán chung cư, đất nền mỗi ngày.
Nhiều thông tin các nhân viên môi giới còn mua qua mạng để nhắn vào những đối tượng được cho là có tiền. Chỉ cần chạy xe máy vào các dự án tại Q.9, chúng tôi đã bị nữ môi giới như Thanh “tấn công”, áp sát để chào mời vào xem nhà mẫu. Các căn hộ mới xây đều có giá trên một tỷ đồng, giá một miếng đất được quy hoạch trước đây dao động 2-3 tỷ đồng, còn dự án mới thì lên tới 5-7 tỷ đồng.
Nguyễn Thị Lê Thu, 30 tuổi, “cò” đất tại đường Dương Đình Hội, Q.9 tiết lộ, nhiều đại gia ở các quận trung tâm đang đổ tiền ra đây để mua đất “lướt sóng”. Vì có nguồn tiền mạnh mà nhiều người kiếm vài trăm triệu chênh lệch cho một miếng đất khi mua vào chỉ 25 triệu một mét vuông nhưng bán ra tới 35 triệu đồng một mét vuông. Sau đó, họ quay vòng tiền để mua miếng đất khác đầu tư.
Và tất nhiên, Thu lại được chia 10% giá trị miếng đất khi tìm người bán, kết nối người mua, đóng thuế, sang tên chủ mới. Dân trong nghề gọi việc này là “đá lượt đi và lượt về”, bởi lẽ chỉ với một vị khách mà nữ “cò” đã ăn được tiền lại quả hai lần. Thế nhưng, muốn có những vị khách này phải có duyên trong làm ăn và sự tin tưởng vào “cò”.
Theo Thu, ngoài các miếng đất giá trị cao thì các căn hộ có giá 700-900 triệu được xây dựng cách đây vài năm tại Q.9 cũng được giao dịch rất mạnh. Người mua đa số là ở tỉnh về TP HCM làm việc còn người bán thì muốn đổi chung cư khác để... đẳng cấp hơn. Thế nhưng, “cò mồ côi” như Thu luôn gặp những chuyện trớ trêu.
Thông qua hình thức đọc các trang quảng cáo nhà đất, Thu và đồng nghiệp sẽ liên hệ với người bán, sau đó họ kí với nhau một hợp đồng dân sự để ăn tiền “cò”. Nghĩa là, nếu tìm được khách mua thì nữ “cò” sẽ đưa khách tới để làm việc với chủ nhà. Công của họ cao nhất là 10% trên tổng giá trị căn nhà, miếng đất hay chung cư tùy theo. Khi có hợp đồng trong tay, nữ “cò” sẽ đăng lại trên các công cụ của họ, như là báo giấy, báo điện tử, cho đến Facebook, Zalo.
Tất nhiên, thông tin họ đưa lên “là không có lô đất, căn nhà nào tại phố Đông mà rẻ hơn được nữa”, kèm theo là số điện thoại của nữ “cò”. Khi khách gọi xem “hàng”, họ sẽ dẫn khách đi và tỉ tê tâm sự với đủ lời bóng gió để khách mua. Khi khách đăng trên báo, trên mạng không hiệu quả thì họ sẽ gọi cho khách quen, nhà đầu tư có tiền thông qua mạng lưới thông tin khách vip bán trái phép trên mạng.
Có lần, Thu giới thiệu cho một vị khách trung niên ở Q1 mua một miếng đất diện tích 200 mét, giá 5 tỷ đồng. Nhờ “hót” hay, vị khách không ngần ngại đặt cọc ngay 500 triệu đồng (1/10 giá trị miếng đất). Không biết trời xui đất khiến thế nào, gần tới ngày công chứng, vị khách phát hiện miếng đất nằm trong vùng quy hoạch, chỉ được xây dựng một nửa diện tích nêu trên nên không mua nữa, muốn xin lại tiền cọc. Tuy nhiên, người bán nhất quyết không trả lại vì nữ “cò” và người mua không tìm hiểu kĩ.
Lúc này, Thu bị khách chửi như “té nước”, thậm chí vợ chồng người mua lục đục vì họ cho rằng Thu... lừa đảo. Phần Thu vì muốn chia tiền hoa hồng nên hối thúc khách đặt cọc ngay nếu không muốn miếng đất lọt vào tay người khác. Nhiều đêm liền cô mất ngủ, gọi người bán nhưng bên đó không nghe máy. May nhờ người quen tác động, người bán đồng ý trả lại tiền. Nếu không thì tai tiếng sẽ theo đuổi Thu, mất uy tín và thậm chí phải “đáo tụng đình” để đòi lại tiền cọc.
Lần đó là bài học nhớ đời cho Thu trong tìm hiểu thông tin để cho khách một miếng đất hay căn nhà đàng hoàng, không mua phải thứ đang tranh chấp hoặc chỉ được xây dựng một phần mà thôi.
Lý Thị Hiền Đức (bên trái) tiếp thị khách nữ.
Tương tự, Trần Thu Thảo, một nữ “cò” chỉ mới 22 tuổi, cũng làm ở phân khúc vài tỷ đồng này. Đẹp người, đẹp nết, có lập trường nhưng trước cám dỗ của đồng tiền, Thảo đã mờ mắt. Lần làm “cò” cho một căn nhà phố, vị đại gia ở Q.1 xuống Q.9 mua ngay với giá 10 tỷ đồng. Trong phi vụ này, nhờ “kê” giá mà Thảo kiếm được 1,9 tỷ đồng. Chủ nhà cần bán gấp và thu về 9 tỷ đồng, cho phép “cò” bán bao nhiêu thì bán.
Vì nhà đẹp, vị trí tốt, dễ “ra hàng”, Thu “kê” thêm 1 tỷ để bỏ túi riêng, cộng thêm phí dịch vụ là 900 triệu đồng. Thấy vị khách quá chỉn chu, người đẹp này mau chóng sa ngã, trở thành ái tình của ông khách già nhưng chơi sộp. Thế rồi, trong một đêm mưa tầm tã, vừa bước ra từ khách sạn, Thảo phải đón nhận cơn cuồng ghen khi người vợ lớn và các con của vị khách nọ tìm tới đánh ghen.
Những giọt nước mắt đắng cay lăn dài trên gò má của nữ “cò”. Cô đơn, tủi hổ, Thảo chỉ biết xóa số vị khách “giàu tiềm năng”. Nhưng đâu ngờ, vị khách bệnh hoạn nọ không dễ dàng buông tha cho cô gái trẻ...
Ngoại hình hỗ trợ chuyên môn
So với “cò mồ côi” thì tại TP HCM có rất nhiều công ty, sàn giao dịch chuyên nghiệp, các nữ nhân viên đều có chứng chỉ hẳn hoi. Lý Thị Hiền Đức, sinh năm 1989, nhân viên kinh doanh sàn Phạm Viết Chánh (Q.1) của một công ty xây dựng đã gắn bó với đời nữ sales từ năm 2014. Tốt nghiệp Đại học Công nghệ Sài Gòn, từng làm nhân viên thị trường trước khi về bán hàng căn hộ.
Sales có nhiều kênh khai thác khách hàng khác nhau: đăng tin trên báo, gọi điện thoại, trực dự án, trực booth (trực trong siêu thị, quán cà phê...). “Tùy theo năng lực mà mỗi nhân viên sẽ có nhiều kênh khai thác khác nhau. Em thì đăng tin, cell phone (bán hàng qua điện thoại)” - Hiền Đức chia sẻ. Nhiệm vụ của cô gái trẻ này là đưa khách đi xem dự án, mời khách hàng về sàn làm việc. Đa số khách đều vay nên phải giải quyết bài toán tài chính gọi là hỗ trợ ngân hàng...
Nhiều khách trẻ cần nhờ gia đình hai bên hỗ trợ nên sales phải đưa nhiều người trong gia đình của khách đi xem cùng. Khi đó, nhân viên sẽ làm việc và dễ đi đến quyết định thuyết phục hơn. Hai bên tới xem vị trí của dự án có thuận tiện, tài chính tự bàn, đặt cọc tại trụ sở công ty. Nếu khách không đủ tiền đóng, sales sẽ giúp bằng cách thực hiện các thủ tục chứng minh thu nhập, hoàn thiện hồ sơ...
Nữ sales thường làm việc trái giờ, Thứ bảy, Chủ nhật phải đi nhiều hơn vì khách mới có thời gian đi xem dự án trước khi quyết định mua. Nhiều khi đang ở Thủ Đức nhưng phải chạy vòng về Q.12 là chuyện bình thường. Tại sàn của Hiền Đức, nữ sales bán sản phẩm mạnh hơn nam vì nhờ duyên dáng dù quá trình di chuyển ảnh hưởng rất lớn đến giới chân yếu, tay mềm.
Tại một số dự án, nếu sàn nào trực thì công ty sẽ cử nhân viên xuống tận nơi. Nhiệm vụ của họ là dẫn khách đi xem công trình. Nam có lợi thế sức khỏe nên họ đón khách. Nữ sales thì hỗ trợ, tư vấn khách. Ngoài lương cơ bản gần 4 triệu đồng (vì phải đóng BHXH, BHYT), nữ nhân viên môi giới chủ yếu sống được nhờ hoa hồng tùy theo dự án.
Muốn có khách thì dễ nhưng để có khách mua thì thời gian “chăm sóc” có khi lên tới vài năm. Đúng “điểm rơi” là có nhiều khách mua cùng dự án hoặc cùng thời điểm. Có khi khách đòi nữ sales chiết khấu hoặc giảm giá nên nhân viên môi giới phải nói chuyện sao cho khéo léo, nhưng phải đúng sự thật là giá do công ty quyết định. Chuyện giá cả niêm yết là của chủ đầu tư nên không thể giảm được. Vì có gia đình nên Hiền Đức gặp các chị, các cô lớn tuổi do sự đồng cảm nên dễ “chốt”.
“Có gia đình nên không thể đi miết, nhiều khách tư vấn qua điện thoại nhưng do tin tưởng nhân viên và chủ đầu tư nên sau khi xem dự án, họ đi đến quyết định cuối cùng. Nhờ vào thương hiệu và uy tín của chủ đầu tư, định hướng phân khúc sản phẩm, nhân viên sẽ dễ dàng hơn khi bán sản phẩm”, nữ sales tâm sự.
Có lần Hiền Đức bán cho cả chú bảo vệ của sàn giao dịch. Chú bảo vệ đi xem thực địa mà không nhờ nhân viên. Sau khi kí kết hợp đồng, cô gái xinh đẹp này rất hãnh diện vì được tin tưởng. Muốn làm nhân viên chính thức, phải thử việc 2-3 tháng nhưng phải bán được vài căn hộ thì mới được kí hợp đồng. Nếu không bán được “hàng” thì nữ sales buộc phải nghỉ việc.
Một dự án đang xây dựng tại Q.9.
Bùi Thị Tường Uyên tuy sinh năm 1992 nhưng đã làm được 3 năm. Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm, chuyên ngành quản lý thị trường bất động sản, cô gái trẻ này học thêm chứng chỉ môi giới tại Đại học Kinh tế rồi gia nhập đội quân bán hàng. Do chưa có gia đình nên nữ môi giới thường gặp cám dỗ. Khi gặp khách nam, nữ sales phải nhẹ nhàng “giữ mình”, đó cũng là cách mà cha mẹ của em ở Bình Thuận dặn dò con gái khi cô quyết định lập nghiệp tại TP HCM.
Nhiều khi nhân viên nữ đi với khách nam lớn tuổi, được dụ dỗ là sẽ mua sản phẩm nhưng bù lại là họ bị gạ gẫm, “ra điều kiện”. Những lúc như vậy, nữ nhân viên phải tỉnh táo từ chối. Khi gặp khách kiểu này, nhân viên nữ phải tìm hiểu thông tin trước hoặc nhờ nam nhân viên đi cùng. Là nữ nhân viên khi gọi điện cho khách nam gặp phải người vợ dữ dằn thì thường chịu lấy sự phản ứng vì ông chồng “có thành tích” hảo ngọt bên ngoài.
Uyên chia sẻ, nếu bán được một căn hộ là cảm thấy chiến thắng được bản thân, vượt qua nhiều nữ đồng nghiệp khác, có “level” mới. Có khách gặp nhiều sales nhưng gặp được một nữ nhân viên ưng ý, họ tin tưởng ngay và đặt cọc.
Trong cuộc mưu sinh thường nhật, nhiều cô gái làm nghề sales luôn đối mặt với cạm bẫy. Thế nhưng, quan trọng nhất là nữ nhân viên môi giới phải có tâm, yêu nghề và đầy đủ bản lĩnh, vượt qua mọi dông bão vô hình. Họ cảm thấy ý nghĩa hơn khi giúp khách mua được căn nhà, xây được tổ ấm và cũng là tự giúp mình tồn tại giữa chốn đô thị phồn hoa bằng sức lao động của chính mình.