Độc quyền: Vàng miếng sẽ hết hấp dẫn?

Việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, quy định giá cả và thu hẹp đối tượng phân phối…, theo nhiều chuyên gia, sẽ khiến loại vàng này không còn sức hấp dẫn.

Gần 1 tháng sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, dù có 6 tháng để các công ty, tiệm vàng… chuyển đổi kinh doanh, nhưng thị trường vàng vật chất vẫn ế ẩm chưa từng có. Ngay cả tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), đơn vị chiếm đến 90% thị phần vàng miếng và nhiều khả năng được lựa chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, thì việc buôn bán cũng không còn nhộn nhịp như trước.

Doanh nghiệp đôn đáo chuyển hướng

Theo SJC, từ tháng 4 đến nay, tình hình mua bán vàng miếng tại công ty này hết sức ảm đạm, sức mua đã giảm khoảng 50% so với trước. SJC đã dọn đường sẵn cho việc chuyển hướng sang kinh doanh nữ trang, coi đây là khâu kinh doanh then chốt, nhưng theo SJC, thị trường mới không phải dễ dàng chinh phục. “Mấy tháng nay việc buôn bán nữ trang cũng chậm, nếu không muốn nói là yếu, mãi lực không bằng mọi năm”, một lãnh đạo của SJC cho biết.

Mãi lực kém, cạnh tranh không dễ nhưng SJC cho biết vẫn mở rộng quy mô sản xuất, tìm thị trường, tăng các sản phẩm mới cho nữ trang… vì đây là “lối thoát” duy nhất cho công ty này sau “thời vàng son” của vàng miếng. Ngoài mở rộng thị phần nữ trang trong nước, SJC cũng đang tìm hướng xuất ngoại cho các sản phẩm của mình như tại Thái Lan, Camphuchia và một số nước trong khu vực. Các “tướng” của SJC thời gian gần đây thường xuyên “vi hành” đến nhiều nước để tìm hướng kinh doanh mới cho công ty.

Tình hình diễn ra tương tự tại nhiều công ty chuyên kinh doanh vàng miếng trước đây. Công ty vàng bạc Kim Phát (Q.6), một công ty lâu năm trong lĩnh vực này cũng đang chuyển sang lĩnh vực nữ trang. “Bao nhiêu năm kinh doanh vàng miếng, giờ chuyển sang nữ trang không đơn giản, nhưng không còn con đường nào khác”, anh Thành, phòng kinh doanh của công ty này cho biết. Công ty đang mời cả những thợ giỏi của ngành kim hoàn nước ngoài về để “chỉ dẫn” khi chuyển hướng sang kinh doanh nữ trang. Trong khi đó, các tiệm vàng nhỏ lẻ, trước vẫn bán vàng miếng cùng nữ trang thì nay chỉ còn bán nữ trang. Chị Trang, tiệm vàng Kim Linh (đường Nguyễn Hồng Đào, Q.Tân Bình), cho biết: “Trước đây bán cả vàng miếng, vàng nữ trang, hai cái bù qua sớt lại cho nhau, nhưng mấy tháng nay vàng miếng ế quá, giờ phải chú trọng vào nữ trang để tìm lối thoát…”.

Độc quyền: Vàng miếng sẽ hết hấp dẫn? - 1

Liệu vàng miếng có bị rơi vào quên lãng khi nghị định quản lý kinh doanh vàng được thực hiện một cách nghiêm túc?

Người dân quên vàng!

Cuối tuần qua, giá vàng miếng SJC vẫn từ 41,68 - 41,83 triệu đồng/lượng. Theo quy đổi với giá USD ngân hàng (20.940 đồng/USD), vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới hơn 2 triệu đồng/lượng. Nếu như trước đây, việc chênh lệch giá vàng với thế giới ở ngưỡng nói trên sẽ khiến cho thị trường vàng vật chất nóng ran, thì nay việc này không thúc đẩy giới đầu tư quay lại với vàng miếng. Mua, bán trên thị trường vẫn hết sức èo uột. Không thể kiếm lời từ thị trường vàng miếng, nhiều ngân hàng cũng nhanh tay hạ lãi suất huy động vàng, rút bớt cơ cấu kỳ hạn, dù còn 5 tháng nữa mới phải chấm dứt nghiệp vụ này.

Đánh giá về thị trường vàng miếng, một chuyên gia vàng bạc tại SJC cũng thừa nhận “đã hết thời”. Vị này lý giải, sau khi NHNN lấy thương hiệu vàng miếng SJC, người mua vẫn có quyền mua nhưng giá sẽ do NHNN quy định và công bố mỗi ngày. Còn muốn bán, không phải đi đâu cũng bán được vàng miếng. “Rồi người ta sẽ chán với việc mua thì được, nhưng để đổi được vàng ra tiền thì rất khó. Khi không còn thông dụng nữa thì… thị trường sẽ hết ham”, vị này nói.

Ông Nguyễn Trung Anh, Phó tổng giám đốc Công ty vàng Vina, nhận định: “Vàng miếng thương hiệu quốc gia do NHNN sản xuất sẽ… được quản lý chặt như việc in tiền và việc lưu thông vàng trên thị trường sẽ coi như lưu thông ngoại tệ. Thế nên, cất trữ thì được nhưng không phải ai cũng được mua, được bán. Tôi cho rằng, sau một thời gian, bước tiếp theo NHNN sẽ cho ra “chứng chỉ vàng”. Lúc đó, người dân khi mua vàng miếng sẽ không được cầm vàng thật như hiện nay mà sẽ cầm vàng chứng chỉ (một cái giấy chứng nhận sở hữu vàng). Với thói quen thích sở hữu vàng thật, cầm vàng thật, người dân sẽ không còn thích vàng miếng nữa. Và các thương hiệu vàng miếng sẽ rơi vào quên lãng”.

Giá vàng SJC chỉ trong 1 tuần qua đã giảm 450.000 đồng/lượng, (tương đương giảm 1%). Đây là mức giảm theo tuần mạnh nhất của vàng SJC trong 1 tháng qua. Giá vàng trong nước tuần qua cũng diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tuần qua giảm 54,4 USD/oz (giảm 3,4%), chốt tuần ở 1.566,9 USD/oz. Cuối tuần qua, NHNN đã xin ý kiến UBND TPHCM về việc ban hành quy trình sản xuất vàng miếng, kể cả việc chuyển đổi vàng phi SJC, vàng SJC móp méo, cong vênh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN