Độc quyền vàng miếng: lợi hay bất lợi?

Các doanh nghiệp cho rằng việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ làm mất tính cạnh tranh của thị trường. Song giới chuyên gia khẳng định, sự tồn tại của càng nhiều thương hiệu vàng miếng khác nhau càng tạo nên nhiều doanh nghiệp độc quyền, gây rối loạn giá chứ không mang lại sự cạnh tranh.

Một nguồn tin cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn tất dự thảo quy trình sản xuất phù hợp với cơ chế mới về quản lý kinh doanh vàng miếng. Theo đó, sản xuất vàng miếng sẽ thuộc độc quyền Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức và thuê một đơn vị gia công với sự giám sát chặt chẽ.

Hiện nay, vàng miếng SJC có tính thanh khoản cao nhất, chiếm hơn 90% thị phần. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng thương hiệu này cho sản phẩm vàng miếng dập đúc theo quy định mới. Được chỉ định gia công vàng miếng trong thời gian tới có thể là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP HCM. Theo quy trình mới, SJC vẫn được phép triển khai các nghiệp vụ kinh doanh bình thường theo giấy phép, nhưng riêng hoạt động dập đúc chỉ được phép gia công theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Bàn về thông tin này, có nhiều ý kiến trái chiều cả từ phía doanh nghiệp, chuyên gia và khách hàng. Ông Nguyễn Minh Châu, Tổng giám đốc Bảo Tín Minh Châu, cho rằng, quy định trên có nhiều điểm bất cập và một mặt nào đó không có lợi cho người tiêu dùng. Ông Châu dẫn chứng một con số: cách đây khoảng hơn 10 năm về trước với một doanh nghiệp làm việc kinh doanh vàng miếng duy nhất (khi đó giá vàng chỉ xoay quanhh mốc 5 triệu đồng/lượng) thì mức giá chênh lệch giữa mua vào và bán ra vào khoảng từ 1 đến 3%. Tuy nhiên, đến nay khi Nhà nước đã cho 9 doanh nghiệp cùng tham gia vào thị trường vàng miếng thì mức phí chênh lệch này chỉ còn vào khoảng 0,3 – 0,4%/lượng.

Điều đó nói lên rằng, sự tham gia của nhiều doanh nghiệp vào một lĩnh vực đã tạo ra sự cạnh tranh theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Thế nhưng, nay Ngân hàng Nhà nước lại độc quyền sản xuất vàng miếng thì thị trường sẽ mất đi tính cạnh tranh. Đấy là chưa kể, nếu chỉ tập trung ở một đầu mối thì liệu có đáp ứng được nhu cầu của người dân hay không? Bởi thực tế đã có thời điểm không còn vàng miếng SJC để người dân mua. Nhập vàng về là một chuyện và việc sản xuất có đáp ứng kịp nhu cầu tiêu dùng hay không lại là chuyện khác. Thông thường một năm thị trường vàng Việt Nam vài thời điểm nóng, với 9 doanh nghiệp như hiện nay nhiều khi còn rơi vào tình trạng quá tải, nếu chỉ 1 doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất vàng miếng thì chắc chắn sẽ là vấn đề không hề dễ dàng.

Ông Lưu Quang Điền, Phó tổng giám đốc Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Hà Nội, cho rằng, quy định mới sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc hiện nay trong việc thu đổi vàng miếng cong vênh, vì hoạt động gia công, dập đúc vàng miếng sẽ được đặt dưới sự kiểm soát ngặt nghèo của Ngân hàng Nhà nước. Kể từ khi nghị định kinh doanh vàng có hiệu lực, cả tháng qua người dân gặp nhiều khó khăn khi muốn bán lại những miếng vàng bị cong vênh, móp méo. Các cửa hàng đưa ra lý do SJC ngừng nhận gia công vì vậy đều rất dè dặt mua vào, nếu có thì theo hướng rất khó khăn, có nơi mua với giá vàng nguyên liệu (thấp hơn cả triệu đồng so với giá vàng miếng niêm yết), có nơi mua nguyên giá như thu phí gia công 500.000 đồng/lượng. Sau đó, do sức ép dư luận, các công ty đã điều chỉnh lại, SJC cũng niêm yết giá gia công 50.000 đồng/lượng, nhưng không cam kết quyết định này sẽ kéo dài tới bao giờ.

Độc quyền vàng miếng: lợi hay bất lợi? - 1

Hiện nay, vàng miếng SJC có tính thanh khoản cao nhất, chiếm hơn 90% thị phần. (Ảnh minh họa)

Theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM, cho rằng, nói việc sản xuất vàng miếng sẽ thuộc độc quyền của Nhà nước là không mang lại tính cạnh tranh cho thị trường không hẳn đúng. Bởi vàng miếng là hàng hóa có tính đồng nhất, có quy cách, chất lượng hoàn toàn tương đồng giữa các thương hiệu. Mục đích sử dụng vàng miếng chỉ để cất trữ cho nhu cầu tiết kiệm hoặc đầu tư. Do vậy, về mặt lý thuyết, các thương hiệu vàng miếng chỉ có thể cạnh tranh với nhau thông qua giá cả. Điều này là phi lý bởi vì về cơ bản, với chất lượng tương đồng thì giá cả các thương hiệu vàng miếng phải bằng nhau. Sự tồn tại của càng nhiều thương hiệu vàng miếng khác nhau càng tạo nên nhiều doanh nghiệp độc quyền và sự rối loạn về giá trên thị trường vàng chứ không mang lại thị trường vàng cạnh tranh như nhiều người kỳ vọng. Vì sao lại gọi là nhiều doanh nghiệp độc quyền? Vì đặc điểm sản xuất, gia công và kinh doanh vàng miếng ở Việt Nam cho thấy rằng mỗi doanh nghiệp sản xuất, gia công vàng miếng đều nắm giữ vị thế độc quyền trong hoạt động sản xuất, gia công và kinh doanh vàng miếng của mình. Điều này thể hiện ở chỗ các doanh nghiệp quyết định giá mua, giá bán và do đó quyết định mức chênh lệch giá mua, bán đối với thương hiệu vàng miếng của mình. Tình trạng này đã tạo nên một sự hỗn loạn về giá trên thị trường vàng Việt Nam trong thời gian dài qua mà người hưởng lợi ở đây chính là các doanh nghiệp sản xuất, gia công và kinh doanh vàng miếng còn người chịu thiệt không ai khác là nhà đầu tư. Thực tế này chứng tỏ rằng, lợi ích lớn nhất của các doanh nghiệp không nằm ở khâu sản xuất, gia công mà nằm ở khâu kinh doanh độc quyền ở các thương hiệu vàng miếng mà họ sản xuất, gia công.

Về ý kiến này, nhiều khách hàng cũng đồng tình. Anh Cường, từng là nhà đầu tư vàng lớn của Bảo Tín Minh Châu cho hay: “Tin Công ty vàng bạc SJC sẽ được Nhà nước cho phép độc quyền sản xuất vàng miếng và việc mua bán vàng miếng sẽ không được khuyến khích thời gian tới không phải là tin vui đối với tôi. Tuy nhiên, việc nhiều doanh nghiệp vừa sản xuất, gia công, vừa kinh doanh vàng miếng mà không chịu sự giám sát của cơ quan nào như trước đây cũng không hẳn tốt cho khách hàng. Chẳng hạn, có nhiều lần doanh nghiệp tự ý nâng chênh lệch giá mua – bán lên tới 2 – 3 triệu đồng/lượng. Có thời điểm cách đây hơn 2 năm, giá vàng lên mức đỉnh 29,3 triệu đồng/lượng, tôi ôm vào khá nhiều vàng của Bảo Tín Minh Châu, sau đó thấy tín hiệu giá thế giới đột ngột giảm, tôi bán vàng luôn đúng lúc giá trong nước vừa giảm theo, thì Bảo Tín Minh Châu tự ý không mua vào. Khi giá xuống 26 – 27 triệu đồng/lượng, cửa hàng mới mua lại. Thời điểm đó khách hàng thiệt khá nhiều, vì khách hàng nằm đằng lưỡi, doanh nghiệp nắm đằng chuôi, thích làm gì thì làm”.

“Tôi chỉ mong thị trường vàng được minh bạch, quản lý chặt chẽ song vẫn tạo điều kiện để người dân được mua bán, tích trữ vàng, chứ không hạn chế. Bởi đất đai, nhà cửa rồi cũng có lúc thu hồi, giải tỏa, tiền đồng thì mất giá, người dân chỉ còn biết nắm giữ vàng như một kênh giữ tài sản an toàn”, anh Cường nói.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương lưu ý thêm rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho Công ty SJC được độc quyền sản xuất, gia công vàng miếng nhưng lại vẫn được phép triển khai các nghiệp vụ kinh doanh như bình thường thì e là không hợp lý.

“Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước cần thiết phải tách hoạt động sản xuất, gia công vàng miếng ra khỏi hoạt động kinh doanh vàng miếng của doanh nghiệp độc quyền, mà cụ thể ở đây là SJC. Bởi như vậy có khả năng dẫn đến tình trạng SJC dễ dàng kiểm soát nguồn cung vàng ra thị trường cho dù Ngân hàng Nhà nước có sử dụng biện pháp hạn ngạch sản xuất, gia công hay không. Từ việc kiểm soát nguồn cung, doanh nghiệp này sẽ dễ dàng kiểm soát giá mua, giá bán để thu được lợi nhuận độc quyền như các doanh nghiệp sở hữu thương hiệu vàng miếng hiện nay vẫn đang làm. Khi hoạt động sản xuất, gia công vàng miếng được tách ra khỏi các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng miếng thì thương hiệu vàng miếng SJC sẽ không còn là thương hiệu của nhà sản xuất, mà trở thành thương hiệu của tất cả thành viên thị trường kinh doanh vàng miếng. Lúc này, giá mua và giá bán vàng miếng sẽ không do SJC quyết định mà do người mua – người bán trên thị trường kinh doanh quyết định. Và như vậy, việc giải quyết tình trạng đầu cơ, làm giá trên thị trường vàng sẽ trở nên đơn giản hơn”, ông Dương phân tích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đông Nhiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN