Doanh nhân TQ lộ tẩy mua ngân hàng ma

Việc Trung Quốc là cường quốc làm hàng giả, hàng nhái thương hiệu các sản phẩm nổi tiếng thế giới, như điện thoại di động thông minh iPhone, áo Lacoste, túi xách Louis Vuitton… đã trở nên quá thường tình, ai ai đều biết.

Song hiện tượng Lin Chunping, 41 tuổi, doanh nhân chuyên buôn bán gạo ở TP. Wenzhou, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) mới đây đã “đánh bóng” mình bằng việc công bố đã thành công trong vụ mua bán và sáp nhập (M&A) một ngân hàng thương mại Mỹ không hề tồn tại là vô tiền khoáng hậu. Đây là vụ M&A rởm 100%, thế mà người dân lẫn chính quyền địa phương không một chút hồ nghi. Bằng chứng là ngay sau đó, Lin Chunping được bầu vào bộ máy cơ quan lập pháp địa phương. Chỉ đến khi vụ việc bị phanh phui, thì Lin Chunping mới lộ tẩy là doanh nhân lừa đảo, bán trời không văn tự và nay đã bị bắt, tạm giam chờ ngày xét xử.

Đầu tuần này, Hãng thông tấn AP đã có bài bình luận về vụ việc trên, với cái tít khá ấn tượng, nguyên văn tiếng Anh là “With fabricated bank, Chinese entrepreneur sets new standard for fakery” (tạm dịch: với một ngân hàng ma, doanh nhân Trung Quốc đã thiết lập một chuẩn mực mới về giả mạo).

Xin tóm tắt lại toàn bộ sự việc.

Tháng 1 năm nay, Lin Chunping, một doanh nhân vào loại vô danh tiểu tốt, chủ 5 công ty nhỏ ở TP. Wenzhou, tỉnh Chiết Giang đã gây chấn động Trung Quốc sau khi tuyên bố hoàn tất việc mua lại Ngân hàng Atlantic Bank ở bang Delaware (Mỹ), với giá 60 triệu USD. Đây được xem là một kỳ tích, bởi từ trước đến nay, nhiều ngân hàng Trung Quốc luôn tìm cách tiếp cận thị trường Mỹ, nhưng đều bị từ chối.

Doanh nhân TQ lộ tẩy mua ngân hàng ma - 1

Lin Chunping

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), Lin Chunping đã được bổ nhiệm làm cán bộ tư vấn của cơ quan lập pháp TP. Wenzhou như một phần thưởng của chiến công trên.

Lin Chunping đã tổ chức họp báo, trả lời phỏng vấn của các phóng viên báo chí và kể tường tận rằng, ông ta đã theo đuổi và đàm phán việc mua lại Atlantic Bank suốt từ cuối năm 2008, khi ngân hàng này bị phá sản do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Để cho câu chuyện có phần mùi mẫn, Lin Chunping còn đưa ra chi tiết là Atlantic Bank được những người Do Thái thành lập cách đây 85 năm. Ở Trung Quốc, nhiều người có tâm lý ngưỡng mộ và luôn coi người Do Thái là rất thông minh và giỏi kinh doanh. Lin Chunping còn đi xa hơn khi “nổ” rằng, sau khi tiếp quản, Atlantic Bank được đổi tên thành USA New HSBC Federation Consortium Inc. Bước đầu, ngân hàng này đã huy động được 40 triệu USD tiền gửi và dự kiến có lợi nhuận từ 5 đến 6 triệu USD ngay năm đầu tiên chuyển giao. Cái tên ngân hàng ma này có dính đến tên Ngân hàng HSBC vốn đã có tiếng trên thế giới và Trung Quốc.

Điều đáng ngạc nhiên là, không chỉ người dân mà cả các cơ quan chức năng Trung Quốc đều tin ngay lập tức, chẳng cần xác minh hay kiểm chứng gì cả. Chẳng biết bằng cách nào mà ngay trên website chính thống của Nhân dân nhật báo, đã có hẳn trích ngang của Lin Chunping. Theo đó, Lin Chunping có tài kinh doanh bẩm sinh, khi từ nhỏ đã đi bán cúc áo để giúp đỡ bố mẹ, lớn lên đầu tư mua cổ phần ở mỏ đồng tại Ghana (châu Phi), rồi phất lên nhờ buôn gạo...

Theo một số nhà phân tích, Lin Chunping đã rất quái ở chỗ chọn số tiền 60 triệu USD, không quá lớn, cũng không quá nhỏ để loè thiên hạ. Các đại gia ngân hàng Trung Quốc, như ICBC, ABC... có đầu tư vào Mỹ thì cỡ tiền tỷ USD trở lên, chứ 60 triệu USD là “mắt muỗi”, không đáng để ý. 60 triệu USD lại là số tiền khá lớn, phù hợp với nhà buôn tỉnh lẻ có tài. Điều mà mọi người ở Trung Quốc phục Lin Chunping là nhà buôn cò con, song đã cả gan vươn sang tận nước Mỹ, mua lại hẳn một ngân hàng Mỹ, dẫu là quy mô nhỏ. Đến tháng 3/2012, nhiều nhà báo Trung Quốc bắt đầu tò mò tìm hiểu sâu hơn về “hiện tượng Lin Chunping” để khai thác viết bài, thì mới ngã ngửa người ra khi phát hiện ở bang Delaware không hề tồn tại Ngân hàng Atlantic Bank hay USA New HSBC Federation Consortium Inc.

Ông Zhu Xiaochuan, cán bộ nghiên cứu của Học viện Tài chính quốc tế CEIBS Lujiazui ở Thượng Hải nhận xét: “Tôi đã nghi ngờ vụ việc ngay từ đầu. Lin Chunping không hề có nghiệp vụ ngân hàng. Vậy mà đùng một cái, tung tin mua gọn một ngân hàng Mỹ. Quả là khó tin”.

Sau khi phóng viên Tân Hoa Xã phát hiện sự việc, cơ quan công an và thuế Chiết Giang đã điều tra và phát hiện Lin Chunping cùng 5 đồng phạm làm giả rất nhiều chứng từ thuế, có hành vi trốn thuế, với tổng số tiền 800 triệu nhân dân tệ (126 triệu USD) ở 22 tỉnh, thành của Trung Quốc. Lin Chunping đã bỏ trốn khỏi Wenzhou. Sau 17 ngày lẩn trốn, ngày 9/6, y đã bị bắt tại Chu Hải (tỉnh Quảng Đông).

Cách đây vài tháng, người dân Wenzhou còn ca tụng Lin Chunping lên mây xanh, coi đây là “hình mẫu doanh nhân thành công ở mức không thể tưởng tượng nổi”. Còn nay, Lin Chunping đã lộ tẩy là doanh nhân lừa đảo có hạng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Hiếu (Đầu tư chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN