Doanh nhân: Những cách khởi nghiệp khác người
Lập tài khoản giả, cho không tiền đến viết thư cho 7.000 khách hàng... những điều các nhà sáng lập dưới đây không ngại thực hiện để có được thành công.
1. AirBnB - Gây vốn khởi nghiệp bằng cách bán ngũ cốc
AirBnB, dịch vụ hỗ trợ chủ nhà trọ trong việc cho du khách thuê nhà, hiện được định giá 1,3 tỷ USD. Những ngày đầu, khi không mấy nhà đầu tư dám rót vốn vào công ty này, các nhà đồng sáng lập đã nghĩ ra một chiêu độc đáo để gây vốn. Họ mua về ngũ cốc với số lượng lớn, đóng hộp carton và ghi trên bao bì là “số lượng có hạn”. Vỏ hộp ngũ cốc được thiết kế theo đề tài chính trị với những cái tên như Obama O’s, Cap’n McCain với khẩu hiệu: Bữa sáng cho sự đổi mới. Bằng cách ấy, chỉ trong 2 tháng họ đã bán được 800 hộp ngũ cốc với giá 40 USD/ hộp, và thu về hơn 30.000 USD.
2. Reddit - Tạo ra hàng loạt những tài khoản giả
Reddit, trang mạng hoạt động dựa trên những liên kết tin tức do người dùng tạo ra, tính đến năm 2013 đã có 731 triệu người đăng ký. Nhưng khi ra đời vào năm 2005, Reddit có quá ít người truy cập, đến mức các nhà sáng lập phải tạo ra những tài khoản giả và tự chuyện trò qua lại như thật. Chiến thuật “Fake it ‘til you make it” (tạm dịch: Hãy cứ giả mạo cho đến khi bạn làm được) này đã thành công. Khi số lượng người dùng không ngừng tăng lên, họ có thể xóa bỏ những tài khoản làm giả trước đó.
3. Warby Parker - Mua lại một chiếc xe bus màu vàng sặc sỡ và đi xuyên quốc gia
Warby Parker là thương hiệu kính mắt giá rẻ, ra đời khi một trong những nhà sáng lập Dave Gilboa đánh mất chiếc kính trị giá 700 USD lúc đi du lịch bụi và không có tiền mua cái khác. Để thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông, đội ngũ sáng lập đã mua lại một chiếc xe bus chuyên chở học sinh màu vàng sặc sỡ, rồi đi đến khắp mọi miền của đất Mỹ. Bằng cách này, họ đã tạo ra một cửa hàng di động với cái tên “Chuyến đi của lớp thầy Warby Parker”. Kể từ khi thành lập năm 2010, thương hiệu này đã bán được 1 triệu cặp kính mắt các loại.
4. PayPal - Cho tiền khách hàng
Đến nay, mỗi ngày dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal thực hiện giao dịch với tổng số tiền lên đến 315,3 triệu USD. Thế nhưng ít người biết rằng, khi mới thành lập, công ty này đã phải áp dụng chính sách tặng cho khách hàng 10 USD trong lần sử dụng đầu tiên, và thậm chí số tiền thưởng còn nhiều hơn thế nếu họ giới thiệu thành công dịch vụ này cho bạn bè và người thân. Công ty chấp nhận tổn thất khá lớn để được khách hàng biết đến. Nhưng họ đã được đền đáp khi số lượng người tin dùng dịch vụ PayPal tăng lên con số 1 triệu chỉ sau một năm.
5. The Muse - Bị cấm sử dụng Gmail vì spam
The Muse, trang chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn và cơ hội nghề nghiệp, hiện liên kết chặt chẽ với mạng xã hội Facebook và công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Co. Trong những ngày đầu khởi nghiệp, khi chẳng ai biết đến công ty này, nhà sáng lập Kathryn Minshew đã nghĩ ra kế sách “truyền miệng”. Cô chia sẻ, “chúng tôi đến một xu để hoạt động công ty cũng không có, nên đành gửi email đến tất cả những khách hàng tiềm năng”. Minshew lập một danh sách tất cả những người cô từng liên lạc qua email và bắt đầu gửi tin nhắn đến họ, cho đến tận khi bị báo cáo là spam quá nhiều và Google khóa tài khoản Gmail của cô. Nhưng đây không phải là chiêu trò duy nhất mà Minshew thực hiện. Để giúp The Muse ổn định về mặt tài chính trong những ngày còn non nớt, cô tổ chức bữa tiệc khai trương cho 150 người với chi phí dưới 10 USD, bao gồm phí taxi phụ trách vận chuyển 3 thùng rượu được tài trợ. Minshew cũng mạnh bạo dùng tài khoản ngân hàng của mình để đảm bảo việc thanh toán lương cho nhân viên.
6. Instacart - Dùng một lốc 6 lon bia để thu hút sự chú ý của đối tác tiềm năng
Instacart là dịch vụ phân phối rau củ quả, hiện mở rộng quy mô ra 12 thành phố tại Mỹ. Mặc dù nổi tiếng là dịch vụ giao hàng cực kỳ tốc độ (nhanh nhất là dưới 12 phút), nhưng CEO Apoorva Mehta lại không mấy để ý đến các thời hạn. Khi Mehta đăng ký với Y Combinator, hãng chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ những công ty còn non trẻ, đã bị muộn tới 2 tháng. Để thu hút sự chú ý từ Garry Tan, một trong những nhà sáng lập Y Combinator, Mehta quyết định chuyển đến cho Tan một lốc 6 lon bia bằng chính dịch vụ giao hàng Instacart của mình. Chỉ nửa giờ sau đó, Mehta nhận được cuộc gọi từ Tan, mời anh đến trụ sở của YC để gặp mặt. Vì Instacart, Mehta chẳng ngại làm những việc điền rồ. Có lần, anh cùng nhân viên của mình đi mua đủ loại rau củ quả từ cửa hàng của thương nhân có tên Joe, để chụp ảnh và đưa vào hệ thống giao hàng của Instacart.
7. Pinterest - Đích thân viết thư cho hàng nghìn khách hàng
Trang truyền thông xã hội Pinterest hiện khá phổ biến với 70 triệu người dùng trên toàn thế giới. Ban đầu, khi cộng đồng Pinterest còn khá nhỏ, nhà đồng sáng lập Ben Silberman đã đích thân viết thư cho 7.000 người dùng tại thời điểm đó để tìm hiểu xem họ nghĩ sao về Pinterst. Đến giờ phút này, Ben phải công nhận thành công mà Pinterst có được là nhờ việc thu thập và lắng nghe phản hồi từ người dùng.
8. Salesforce - Hết mình với các chiến dịch marketing
Hãng điện toán đám mây Salesforce được Forbes đánh giá là công ty dẫn đầu trong đổi mới ở Mỹ. Về cơ bản, Salesforce được công nhận là nhờ có chiến lược kinh doanh thích hợp. Nhà đồng sáng lập Marc Benioff nổi tiếng với những kỹ thuật marketing “điên rồ”. Có lần, ông thuê vài người đi biểu tình nhằm phá hỏng buổi hội thảo của đối thủ đáng gờm nhất. Một lần khác, ông bỏ qua bài phát biểu của mình trong một cuộc họp để kéo sự chú ý của đám đông sang một bài phát biểu khác của chính ông tại nhà hàng kế bên. Ngoài ra, Benioff còn tổ chức những bữa tiệc tiếp đãi 90.000 vị khách, mời đến cả các nhạc sỹ như Metallica, MC Hammer, và doanh nhân như Richard Branson và Tony Robbins.
9. Watsi - Nhờ bảo vệ quán quán bar vận động người trong bar bình chọn
Watsi, tổ chức chuyên gây quỹ trên thế giới để thanh toán chi phí điều trị tại bệnh viện cho các bệnh nhân, đã gom được 3 triệu USD từ 20 quốc gia chỉ sau 18 tháng hoạt động. Để kiếm được số tiền này không phải dễ dàng gì. Trong suốt hơn một năm, Grace Garey và nhóm của mình làm việc cho Watsi với tư cách tình nguyện viên và họ không thể tiếp tục nếu không có nguồn quỹ bổ sung. Grace từng tham gia một thử thách tại một quán bar để kiếm về giải thưởng 10.000 USD.
Cô cho biết, “chúng tôi thực sự rất cần số tiền này tiền để phát triển tổ chức của mình và chăm sóc sức khỏe cho mọi người”. Trong giờ thi đấu cuối cùng, Watsi gần như đang ngang hàng với đối thủ. “Nếu để cơ hội nhận giải thưởng 10.000 USD này tuột mất, chắc tôi lên cơn đau tim”, Grace nói. Cô đã phải năn nỉ những người có mặt trong quán bar rút điện thoại ra và bình chọn cho Watsi, thậm chí nhờ cả bảo vệ quán bar đi thuyết phục từng người một. Kết quả là họ giành chiến thắng ở số điểm chỉ cao hơn đối thủ một chút.