Doanh nghiệp xi măng vì đâu mãi bết bát?

Mặc dù sức tiêu thụ xi măng đã ấm lên theo thị trường bất động sản, nhưng nhiều doanh nghiệp ngành xi măng vẫn kinh doanh bết bát, nợ nần cao, nguy cơ mất an toàn tài chính.

Thị trường khởi sắc, nhiều doanh nghiệp vẫn khó

Công ty Cổ phần (CTCP) xi măng Hà Tiên 1 (HT1), chiếm thị phần lớn khu vực phía Nam, vừa phải giải trình với với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về kết quả kinh doanh quý II năm nay do lợi nhuận tăng đột biến gần 50%. Thông tin từ HT1 cho biết, quý II, công ty mẹ có lợi nhuận tăng 124 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017 lên 242,1 tỷ đồng dẫn tới lợi nhuận hợp nhất tăng từ 126,8 tỷ đồng lên 242 tỷ đồng. HT1 lý giải, công ty đã tiết giảm chi phí tài chính do không bị tác động diễn biến tỷ giá, thay đổi lợi nhuận của cơ cấu sản phẩm và tăng sản lượng tiêu thụ nhờ thị trường bất động sản ấm lên và lượng xuất khẩu của ngành xi măng tăng mạnh.

Cùng hồ hởi với lượng tiêu thụ xi măng được cải thiện, một “người anh em” ngoài Bắc của HT1 là CTCP xi măng Bỉm Sơn (BCC) cho biết: Sau khi bị âm trong quý I, quý này, BCC lãi gần 22 tỷ đồng chủ yếu nhờ doanh thu bán xi măng và clinker. Lũy kế hai quý đầu năm nay, BCC ghi nhận lãi sau thuế 15,43 tỷ đồng, tăng đột biến so với số lỗ 24,95 tỷ đồng của nửa đầu năm ngoái. CTCP Khoáng sản và xi măng Cần Thơ (CCM) cũng báo lãi 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,26 % lên gần 36 tỷ đồng.

Doanh nghiệp xi măng vì đâu mãi bết bát? - 1

Mặc dù sản lượng tiêu thụ xi măng trong nước lẫn xuất khẩu thời gian qua tăng nhưng nhiều DN ngành xi măng vẫn làm ăn bết bát, nguy cơ mất an toàn tài chính 

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng kinh doanh thuận lợi theo thị trường, CTCP xi măng VICEM Hoàng Mai (HOM) là một ví dụ. 6 tháng qua, sản lượng tiêu thụ tăng 29%, doanh thu thuần và bán hàng và cung cấp dịch vụ của xi măng Hoàng Mai đạt 818 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ đạt hơn 531 triệu đồng (trên vốn chủ sở hữu tới 921 tỷ đồng), giảm 47% so với cùng kỳ 2017.

Thậm chí, CTCP Xi măng Phú Thọ (PTE) quý II lỗ 1,9 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng lỗ 8,1 tỷ đồng, tăng lỗ hơn 1,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái…

Nợ nần cao, nguy cơ mất cân đối tài chính

CTCP xi măng VICEM Hoàng Mai lý giải: Kết quả kinh doanh không được như ý là do giá than và giá điện tăng. Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam đã điều chỉnh tăng giá than hai lần tổng cộng 4,7% làm giảm lợi nhuận 10,1 tỷ đồng, đơn giá điện cũng tăng 6,08%, làm giảm lợi nhuận 3,2 tỷ đồng.

Tính chung 8 tháng đầu năm nay, sản lượng xi măng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ước đạt 63,85 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ và đạt khoảng 76% kế hoạch tiêu thụ cả năm. Trong đó, tiêu thụ nội địa ước đạt khoảng 43,76 triệu tấn và xuất khẩu đạt 20,09 triệu tấn. Giá bán xi măng tại ngày 14/8 theo thống kê của Cục Quản lý giá Bộ Tài chính chỉ tăng nhẹ so với trung tuần tháng 4, từ 1.150 nghìn đồng/tấn lên 1.180 nghìn đồng/tấn.

Chính vì “ngốn” quá nhiều nhiên liệu và năng lượng nêu nếu thời gian tới, khi giá điện và giá than tiếp tục tăng thì công ty sẽ gặp khó khăn hơn (giá điện 6 tháng đầu năm 2018 bán cho xi măng chỉ là 1.487 đồng/Kwh và giá than là 383 đồng/kcal).

Xi măng Hoàng Mai cũng là đơn vị có nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn (nợ ngắn hạn hơn 787,3 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn hơn 633 tỷ đồng).

CTCP xi măng Bỉm Sơn (BCC), dù báo lãi nhưng tính đến ngày 30/6 vừa qua, an toàn tài chính cũng bị đe dọa khi nợ ngắn hạn gần gấp 2,5 lần tài sản ngắn hạn (lần lượt là 2.888 tỷ đồng và 1.157 tỷ đồng). BCC cũng có nợ phải trả lên tới 2.926 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu 1.808 tỷ đồng. Tương tự, xi măng Hà Tiên 1 (HT1) cũng gặp vấn đề an toàn thanh khoản khi nợ ngắn hạn gần gấp đôi tài sản ngắn hạn và nợ phải trả ngang bằng vốn chủ sở hữu.

Nợ nần, có nguy cơ mất an toàn tài chính là tình cảnh chung của ngành xi măng. Báo cáo của Bộ Tài chính gửi Bộ Xây dựng hồi cuối năm 2017 về tình hình tài chính năm 2016 của Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) chỉ ra: VICEM Hoàng Mai cùng các công ty con khác của VICEM như: Bút Sơn, Bỉm Sơn... hệ số khả năng thanh toán nợ thấp, chỉ từ 0,4-0,6 lần...

Nhiều đơn vị khác rơi vào cảnh mất gần hết vốn chủ sở hữu và mất an toàn tài chính nghiêm trọng, sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho dài hạn, không bảo toàn được vốn như xi măng VICEM Tam Điệp, VICEM Hải Phòng hay âm vốn chủ sở hữu hàng nghìn tỷ đồng như VICEM Hạ Long. Được biết, VICEM Hạ Long được chuyển về VICEM để tái cơ cấu theo chỉ đạo nhưng tới nay vẫn còn lỗ lũy kế. xi măng Tam Điệp cũng được chuyển từ tỉnh Ninh Bình về VICEM từ năm 2005 trong tình trạng không có vốn chủ sở hữu, chỉ có khoảng 30 tỷ đồng trên tổng số 3.000 tỷ đồng. VICEM thậm chí còn phải trả nợ thay và đến nay công ty vẫn lỗ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN