Doanh nghiệp Việt nặng gánh nợ đến đâu?

Trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 đến nay, nền kinh tế đã chứng kiến những doanh nghiệp đầu ngành hoặc những tập đoàn lớn có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ bỗng dưng lâm vào cảnh thua lỗ, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là được cho là do doanh nghiệp quá lạm dụng vốn vay ngân hàng, lạm dụng đòn bẩy tài chính và chạy theo lợi nhuận bằng cách đầu tư trái ngành tràn lan...

Những con số đáng lo ngại

Tại hội nghị “Căn bệnh thập kỷ của doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra sáng 23/8, tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết, hiện tại Việt Nam có khoảng 709 doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Qua thống kê báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này đến quý 2/2012, loại trừ trên 50 doanh nghiệp tài chính thuộc các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán... thì còn lại 647 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên cả hai sàn chứng khoán Hà Nội và Tp.HCM.

Tổng nợ phải trả (bao gồm cả vay ngân hàng, các khoản phải trả khác) trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này đang là 1,53 lần.

Theo số liệu phân tích từ các tổ chức tài chính quốc tế có đưa ra báo cáo tổng hợp của các doanh nghiệp niêm yết tại Mỹ và Trung Quốc vào cuối năm 2011 thì con số tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp tại Mỹ chỉ là 1,2 lần, còn của Trung Quốc là 1,06 lần.

Dựa trên 647 doanh nghiệp niêm yết thì nhóm doanh nghiệp xây dựng và bất động sản có tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao nhất (2,07 lần), doanh nghiệp niêm yết phi tài chính (1,53 lần), năng lượng (1,44 lần), nguyên vật liệu (1,39 lần)..., hàng tiêu dùng là nhóm có tỷ lệ thấp nhất khi chỉ đạt 0,8 lần.

Việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao trong những năm qua đã phần nào lý giải những khó khăn mà khối doanh nghiệp xây dựng và bất động sản đang gặp phải. Theo ông Thành, không có mối quan hệ rõ ràng nào giữa đòn bẩy tài chính và quy mô của doanh nghiệp. Trong khi phân theo ngành thì có sự khác biệt rất lớn về tỷ lệ vay nợ giữa các ngành.

Theo thông tin công bố của Bộ Tài chính trong đề án tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tỷ lệ là 1,71 lần, trong khi bình quân của các công ty niêm yết là 1,53 lần.

Đứng về quy mô tuyệt đối thì những tập đoàn như TKV, EVN có con số tuyệt đối về nợ là cao nhất, nhưng gánh nặng nợ lại thuộc về các tổng công ty như Sông Đà (8,85 lần), HUD (6,36 lần)...

Còn theo tính toán của ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc điều hành Vietnam Capital Partners, so với các nước trong khu vực (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines), hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp Việt Nam là 1,2 lần, so với mức trung bình 0,45 lần trong khu vực.

Các doanh nghiệp như: ITC, KBC, HAG, Vinaconex, QCGL, Phát Đạt... đều có tỷ lệ nợ cao và nằm trong ngưỡng có thể phá sản nếu thị trường diễn biến xấu.

Mối liên hệ nào với hệ thống ngân hàng?

Thời gian qua Việt Nam đã có sự bùng nổ trong khu vực hệ thống ngân hàng. Từ một nền kinh tế phát triển tài chính nông nghiệp, tín dụng chỉ tăng 20% trong thập niên 90, thì nay quy mô tín dụng đã 140%, cao hơn hẳn những nước Đông Nam Á khác và chỉ thua Trung Quốc.

Tín dụng ngân hàng đang tập trung vào khu vực doanh nghiệp, khi tính đến 30/4/2012, dư nợ tín dụng cho khu vực doanh nghiệp chiếm 77,2% (2.021 nghìn tỷ đồng, trong đó có trên 400 nghìn tỷ đồng là dư nợ cho vay khối doanh nghiệp nhà nước), nông nghiệp chiếm 8,8% (231 nghìn tỷ đồng), cá nhân và hộ gia đình chiếm 13,9% (365 nghìn tỷ đồng).

Để giảm tải gánh nặng nợ nần trên, các chuyên gia kinh tế tham dự hội nghị cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang xuất hiện xu hướng giảm nợ hay thoái nợ. Điều đó được thể hiện thông qua các diễn biến như: trên phương diện vĩ mô tỷ lệ tín dụng/GDP đang chững lại và thậm chí giảm xuống; từ phía các tổ chức tín dụng, thì nguồn vốn tăng lên nhưng cho vay không đổi.

Chính vì lẽ đó, ngân hàng đã và đang hướng đầu tư vào các tài sản chính an toàn (trái phiếu Chính phủ, giấy tờ có giá ngắn hạn), cùng với đó các ngân hàng cũng hướng vào hoạt động đảo nợ (gia tăng các hạng mục tài sản trong bảng cân đối kế toán); còn từ phía doanh nghiệp cũng đang có những diễn biến trái chiều khi các doanh nghiệp có dòng tiền tốt lại lựa chọn giảm vay nợ, còn những doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền muốn vay nợ mới nhưng hiện tại gánh nặng nợ đã quá lớn nên không vay được vốn từ các ngân hàng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong quá trình thoái nợ này, cần giảm nhanh tỷ lệ nợ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước thông qua việc bán tài sản, đẩy mạnh cổ phần hóa, bán một phần tài sản đối với doanh nghiệp đã cổ phần hóa, dùng nguồn tiền này trả nợ xấu.

Khi doanh nghiệp nhà nước dùng tiền bán/thanh lý tài sản trả nợ, xử lý nợ xấu, ngân hàng thu hồi được nợ, nguồn tín dụng được mới khai thông này có thể dùng cho doanh nghiệp khác, và các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được tiếp cận vốn.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngô Minh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN