Doanh nghiệp vẫn kêu ca thuế và hải quan
Ngày 30/11, tại TPHCM, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có buổi đối thoại với các doanh nghiệp về hải quan và thuế. Các doanh nghiệp cho rằng, hai lĩnh vực này còn nhiều vướng mắc, khiến họ mất thời gian cũng như thiệt hại tiền bạc.
Người dân, doanh nghiệp làm thủ tục thuế. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Cơ quan thuế nợ doanh nghiệp thì không thấy ai xử lý
Ông Đinh Công Khương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thép Khương Mai cho rằng, việc hoàn thuế tại Cục Thuế TPHCM thời gian qua gặp nhiều khó khăn, cơ quan thuế yêu cầu nhiều chứng từ trong khi đã liên thông với cơ quan hải quan, để được hoàn thuế nhưng thời gian lại kéo dài... Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Nam Bình - Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM nói việc quản lý, chi và xử lý hoàn thuế là công việc thường xuyên, liên tục với nguyên tắc nhanh gọn, chính xác. Tuy nhiên, đây là ngân sách nhà nước nên cơ quan thuế phải thận trọng và thực hiện đánh giá rủi ro. “Công ty Khương Mai thuộc đối tượng rủi ro cao về thuế”- ông nói thêm.
Liên quan đến việc hoàn thuế, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Sóc Trăng phản ánh: “Có trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” thì bị chuyển sang “kiểm trước hoàn sau và không hoàn luôn”. Người này nói doanh nghiệp nợ thuế thì bị phạt, trong khi đó cơ quan thuế nợ doanh nghiệp thì không thấy ai xử lý. Cũng theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Sóc Trăng, chính sách thuế khoán đối với hộ kinh doanh cá thể hiện nay cũng không công bằng. Dẫn chứng từ người này cho thấy, nhiều cơ sở kinh doanh có doanh thu lớn nhưng đóng thuế ít. Ngược lại, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê người làm báo cáo thuế vì không có bộ phận chuyên trách, cuối cùng bị phạt vì không đầy đủ…
Ông Cao Anh Tuấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết ngành thuế sẽ tiếp thu những ý kiến thẳng thắn này, đồng thời động viên các cơ sở kinh doanh thực hiện xuất hóa đơn cho người tiêu dùng. “Sắp tới sẽ rà soát để quản lý sát những trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh thu lớn nhưng nộp thuế ít, đồng thời đưa những cơ sở kinh doanh lớn lên doanh nghiệp”- ông Tuấn khẳng định.
Doanh nghiệp chủ động kiến nghị để… sửa đổi
Ở lĩnh vực hải quan, các doanh nghiệp phần lớn phản ánh tình trạng áp mã số hàng hóa không đồng nhất, kiểm tra sau thông quan chưa hợp lý… Điển hình là đại diện Công ty Kim Xuân ở Cần Thơ. Theo doanh nghiệp này, lâu nay họ được miễn thuế theo Luật Thuế xuất nhập khẩu khi nhập khẩu thép để sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp này cho rằng mặt hàng thép bị áp thuế tự vệ nên hai lô thép nhập để sản xuất hàng xuất khẩu vừa rồi bị đóng thêm thuế này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. “Chúng tôi kiến nghị lên Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi”- đại diện doanh nghiệp phản ánh.
Ông Vũ Ngọc Anh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết việc áp thuế tự vệ đối với mặt hàng thép là quyết định của Bộ Công Thương và mang tính quản lý vĩ mô. Cơ quan hải quan tạm thời tính thuế như vậy và sẽ cố gắng phối hợp với cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, có kết quả cuối cùng trả lời doanh nghiệp.
Còn theo ông Vương Nhật Bình - Tổng giám đốc Công ty Cơ điện lạnh Hòa Bình thì trong tháng 7-8 vừa qua, công ty này nhận được quyết định kiểm tra sau thông quan với mặt hàng cây nóng lạnh nhập khẩu trong 5 năm, thời gian thực hiện là 10 ngày. Do đó, theo ông Bình công ty phải chuẩn bị hàng tấn giấy tờ để đáp ứng.
“Chúng tôi bị truy thu thuế với số tiền 3,57 tỷ đồng do đã đóng thuế 10% trong khi hàng đó cần áp mã với thuế suất 15%”-ông Bình nói và cho biết phải đóng thêm 20% tiền phạt chậm nộp để tránh bị cưỡng chế thông quan hàng hóa khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng.
Trước phản ánh của ông Bình, ông Vũ Ngọc Anh cho rằng, Cục Kiểm tra sau thông quan đã làm đúng quy định về việc kiểm tra trong 5 năm. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra có thể có vấn đề… Tổng cục Hải quan sẽ có nghiên cứu, xem xét lại hồ sơ doanh nghiệp báo cáo. Ông Anh cũng thừa nhận mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và hải quan về áp mã hàng hóa luôn luôn có và cho rằng sẽ làm việc với các ban ngành cũng như Tổ chức Hải quan thế giới để thống nhất về mã số hàng hóa. “Nếu có vấn đề chưa rõ, doanh nghiệp chủ động kiến nghị để cơ quan quản lý sửa đổi, bổ sung”- ông Anh cầu thị.
Liên quan đến việc hoàn thuế, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Sóc Trăng phản ánh: “Có trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” thì bị chuyển sang “kiểm trước hoàn sau và không hoàn luôn”. |