Doanh nghiệp sẽ thoát khỏi 'nô lệ vốn' ngân hàng?
Với việc đẩy mạnh phát triển trái phiếu doanh nghiệp được xem là 'cửa sáng' để các doanh nghiệp chủ động về nguồn tài chính thay vì phải lệ thuộc nguồn vốn vay của ngân hàng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1191/QĐ-TTg phê duyệt “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trong đó đáng chú ý là Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 7% GDP vào năm 2020.
Trong lộ trình này, có một mục tiêu đáng chú ý là phấn đấu đưa dư nợ thị trường TPDN đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030 (hiện mới ở mức khoảng 1% GDP).
Trên thực tế, theo quan sát, các đợt phát hành TPDN thời gian qua chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp lớn, thuộc các ngành ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, hàng tiêu dùng, điển hình là các đợt phát hành của VIC, MSN, SHS, MBS, SCR...
Doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu là cách huy động vốn thay vì trông vào vay vốn ngân hàng. Ảnh minh họa
Sự lan tỏa của việc huy động vốn thông qua kênh trái phiếu sang nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các lĩnh vực khác còn nhiều khó khăn. Lãi suất các đợt phát hành nhìn chung còn cao, phổ biến ở mức trung bình lãi suất của 4 NHTM gốc quốc doanh cộng thêm biên độ khoảng 4-6% (tùy từng doanh nghiệp).
Nhận thức được những khó khăn của thị trường TPDN, Chính phủ đã đề ra kế hoạch: xây dựng cơ chế cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu chia thành nhiều đợt phát hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn phù hợp với tiến độ triển khai dự án đầu tư.
Song song với việc tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao tính minh bạch cũng là ưu tiên của Chính phủ khi yêu cầu rà soát lại điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo nguyên tắc gắn với công bố thông tin, bổ sung quy định chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp được phép đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; yêu cầu TPDN phát hành riêng lẻ phải thực hiện đăng ký, lưu ký tập trung.
Một điểm nổi bật khác là lộ trình cũng chú trọng khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư dài hạn vào thị trường trái phiếu thông qua cải thiện chế độ công bố thông tin; cải cách thủ tục hành chính; rà soát, điều chỉnh chính sách thuế và phí giao dịch trái phiếu đối với nhóm nhà đầu tư này. Những giải pháp trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường TPDN phát triển hơn nữa.
Tuy nhiên, theo đánh giá của công ty chứng khoán BVSC đánh giá mục tiêu đạt 7% GDP vào năm 2020 (tương đương khoảng 15-16 tỷ USD) vẫn là thách thức rất lớn cho Việt Nam.