Doanh nghiệp sẽ bớt “teo tóp”?
42% doanh nghiệp cho biết có thể mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong năm 2014; 50,7% dự định giữ nguyên quy mô và chỉ 6,7% dự định thu hẹp sản xuất.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, năm 2013, cả nước có 60.737 doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động, tăng 12% so với năm 2012. Đáng lo ngại, đây là năm thứ 3 liên tiếp, quy mô của DN giảm đi do kinh tế quá khó khăn.
Vốn trung bình chỉ hơn 5 tỉ đồng
Nếu như năm 2012, quy mô vốn bình quân của một DN Việt Nam đạt 6,68 tỉ đồng thì năm nay chỉ còn 5,18 tỉ đồng, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ còn 4,18 tỉ đồng. Nếu so sánh trở về trước, một khảo sát của Viện Quản lý Kinh tế trung ương tại 1.999 DN cho thấy trong 2 năm 2009-2011, chỉ có 31 DN nhỏ và siêu nhỏ phát triển thành quy mô vừa, trong khi có 133 DN quy mô vừa lại chuyển thành siêu nhỏ. Số liệu này cho thấy DN Việt Nam tiếp tục “teo” lại hoặc chủ động thu nhỏ để tồn tại, chờ thời.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, giúp mở rộng sản xuất kinh doanh Ảnh: Hồng Thúy
Đáng lưu ý là theo báo cáo “Động thái DN Việt Nam 2013” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm của DN trong năm 2013 đã giảm sâu. Giá bán bình quân cũng giảm dù trước đó, các DN kỳ vọng xu hướng giá cả sẽ tăng lên trong năm 2013.
“Báo cáo này cũng cho thấy DN chưa bứt phá khỏi vùng đáy, có đến 7,6% trong tổng số 700 DN được khảo sát phải tạm dừng hoạt động với thời gian trung bình là 2,5 tháng” - bà Đoàn Thị Quyên, Viện Phát triển DN thuộc VCCI, cho biết. Bà lý giải nguyên nhân là do DN chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm và khó tiếp cận vốn vay.
Vay vốn: Nhiều năm mừng hụt
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định một trong những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ năm nay là giảm được mặt bằng lãi suất thêm 2%-3%, phù hợp với diễn biến của lạm phát, giúp DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, báo cáo của VCCI lại chỉ rõ vốn vay vẫn thực sự đánh đố DN.
Cụ thể, kết quả điều tra cho thấy trong 35% DN không có nhu cầu vay vốn ngân hàng, 40% cho biết lý do vì lãi suất cao, kinh doanh không đủ lợi nhuận để trả lãi. Tại thời điểm thực hiện khảo sát này - cuối năm 2012 - DN dự tính mức lãi suất sẽ thấp hơn sau hàng loạt động thái giảm lãi suất của NHNN và tiếp cận vốn sẽ dễ dàng hơn nhưng diễn biến thực tế không được như kỳ vọng. 63% DN cho rằng mức lãi suất 12%/năm trong dài hạn là vượt quá sức chịu đựng. Các DN muốn vay vốn vẫn vấp phải rào cản chứng minh tài sản thế chấp.
Ông Hà Mạnh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà quản trị Việt Nam, cho rằng đây là thông điệp quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách. “Nếu lãi suất không tiếp tục giảm xuống trong 1-2 năm tới, DN còn chết nhiều” - ông Tiến nhận xét.
Theo nhà quản trị này, việc DN không dễ vay vốn hơn mình tưởng đã diễn ra vài năm liên tục. Ông Tiến cảnh báo: “Khi kỳ vọng không được đáp ứng liên tục nhiều năm, hậu quả không chỉ là ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN mà còn ảnh hưởng đến lòng tin. Khi đó, DN không còn muốn đầu tư nữa”.
Trông chờ giải pháp từ Chính phủ
Dù vậy, cộng đồng DN Việt Nam tiếp tục dự cảm năm 2014, tình hình sẽ được cải thiện hơn, thể hiện ở con số 42% DN cho biết có thể mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, trong khi 50,7% dự định giữ nguyên quy mô và chỉ 6,7% dự định thu hẹp sản xuất, 0,1% lo ngại phải đóng cửa.
TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, nhận định tuy còn nhiều khó khăn nhưng DN cảm nhận cuối năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi do diễn biến ấm hơn của nền kinh tế và sức cầu tăng dần trong dịp Tết Nguyên đán. Quy mô DN nhỏ đi là xu hướng đáng lo ngại vì đóng góp của họ vào nền kinh tế và khả năng giải quyết việc làm cũng giảm đi.
Tuy nhiên, hướng ra trong năm 2014 sẽ rõ hơn vì nghị quyết của Chính phủ về điều hành kinh tế - xã hội đưa ra 9 giải pháp quyết liệt, trong đó nhấn mạnh chủ trương tháo gỡ khó khăn về vốn và đầu ra cho DN để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tận dụng lợi thế riêng Từ kết quả khảo sát, VCCI khuyến nghị DN cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro và quản trị sự bất định để phân tán rủi ro, biến cái bất định thành cái xác định. Ngoài ra, DN cần thường xuyên cập nhật các chính sách của Chính phủ để tận dụng sự hỗ trợ từ chính sách. Có chiến lược kinh doanh và có chương trình hành động rõ ràng theo lợi thế riêng, không đầu tư theo tâm lý đám đông. Tập trung năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường, bao gồm cả thị trường đầu ra lẫn thị trường đầu vào… |