Doanh nghiệp Nhà nước ôm 7 tỷ USD đi “đánh xứ người”, 1/4 báo lỗ

Sự kiện: Kinh Doanh

Tính đến 31/12/2016, doanh nghiệp Nhà nước đã đầu tư ra nước ngoài tổng cộng trên 7 tỷ USD. Tuy nhiên, có 29% dự án lỗ lũy kế và lợi nhuận thu về chỉ khoảng 2% tổng vốn.

Nợ 1,6 triệu tỷ đồng

Con số trên vừa được Đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra trong “Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiẹp Nhà nước giai đoạn 2011-2016” sáng 28/5.

Theo đánh giá, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Tổng tài sản và vốn của các doanh nghiệp tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách có tốc độ tăng chậm (bình quân 3%/năm).

Đáng chú ý, tổng số nợ phải trả theo thống kê vẫn ở mức cao, tăng 26% so với năm 2011 (gần 1,3 triệu tỷ đồng lên gần 1,6 triệu tỷ đồng).

Theo đánh giá, hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước chỉ đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%). Hiệu quả đầu tư của khối doanh nghiệp Nhà nước cũng đạt thấp so với doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Tỷ suất lợi nhuận của toàn khối doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước giảm trong giai đoạn 2011-2016 (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận/tài sản giảm 30%).

Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra, tại một số đơn vị còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản Nhà nước. Đơn cử như:  Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản,....

Doanh nghiệp Nhà nước ôm 7 tỷ USD đi “đánh xứ người”, 1/4 báo lỗ - 1

Doanh nghiệp Nhà nước có hiệu suất sinh lời kém xa doanh nghiệp các khu vực khác. Hình minh họa

Hàng nghìn tỷ khó thu hồi

Đáng chú ý, báo cáo gửi Quốc hội nêu lên, hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.

Tính đến 31/12/2016, doanh nghiệp Nhà nước đã đầu tư ra nước ngoài tổng cộng trên 7 tỷ USD. Tuy nhiên, theo kết quả, 29% dự án lỗ lũy kế và lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD, tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.

“Hiệu quả đầu tư vào công ty con, công ty liên kết còn hạn chế, ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp”, báo cáo nêu lên.

Không ít doanh nghiệp theo đánh giá có vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh. Cụ thể, việc sử dụng vốn đầu tư tùy tiện, đầu tư ngoài ngành không đúng quy định dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả.

Đơn cử là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư vào Ngân hàng Đại dương Oceanbank bị mất 800 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp - Than Khoáng sản đầu tư ra nước ngoài không có hiệu quả, dẫn đến có khả năng bị thiệt hại 363 tỷ đồng.

Thậm chí, hoạt động đầu tư tài chính có hiệnt ượng vi phạm nghiêm trọng gây mất vốn hoặc thiệt hại lớn. Đó là trường hợp của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã đầu tư tài chính dài hạn vào 5 công ty (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP-Vinachem, Công ty CP DAP số 2 – Vinachem, Công ty TNHH Hóa chất và muối mỏ Việt Lào). Tổng số vốn đầu tư tại 5 công ty trên là gần 6.837 tỷ đồng đang tiềm ẩn nguy cơ khó thu hồi vốn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Khôi ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN