Doanh nghiệp nhà nước không thể trả được nợ thì cho phá sản
“Trong trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay.
Báo cáo Quốc hội dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) sáng 25/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, công tác quản lý nợ công đã bộc lộ một số bất cập. Đáng lưu ý là nợ công tăng nhanh.
Chỉ tính riêng quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ (trong đó vay ODA, vay ưu đãi chiếm trên 94%) đến cuối năm 2015 so với cuối năm 2001 đã tăng 6,5 lần. Các khoản nợ tập trung vào 3 nhà tài trợ chính: Ngân hàng Thế giới tăng 11,5 lần; Ngân hàng Phát triển Châu Á tăng 20,3 lần; Nhật Bản tăng 6,8 lần…
Ngoài ra, bộ trưởng cũng nhấn mạnh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ cũng là một trong những tồn tại. Việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập; phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao. Đặc biệt, đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh dẫn đến Chính phủ phải trả nợ thay.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, để khắc phục hạn chế trong quản lý rủi ro đối với nợ công, dự luật ngoài việc có các điều khoản cụ thể về quản lý rủi ro tín dụng cho vay lại, về quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ, còn quy định quy định các nội dung cụ thể hướng dẫn quản lý và xử lý rủi ro đối với nợ công.
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, còn những quan điểm khác nhau về nợ công, theo đó cần thống nhất việc có tính khoản nợ phát sinh từ điều hành ngân sách nợ của DNNN vào phạm vi nợ công hay không?
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định nhằm phân định rõ hơn việc phân cấp thẩm quyền gắn với trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý, đối tượng, điều kiện cấp bảo lãnh, kiểm soát rủi ro đối với bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại vốn vay nước ngoài; trách nhiệm của tổ chức thẩm định…
Ngoài ra, báo cáo thẩm tra cũng nêu đa số ý kiến thống nhất nội dung không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), của đơn vị sự nghiệp công lập.
“Việc DNNN và đơn vị sự nghiệp công lập tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Trong trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác”, ông Hải nói và cho rằng, nếu quy định nợ của DNNN, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi nợ công sẽ dẫn đến gia tăng nghĩa vụ trả nợ công rất lớn, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia.
Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng, việc không trả được nợ nước ngoài của DNNN có thể ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của quốc gia và trên thực tế đã có trường hợp Nhà nước phải trả nợ thay. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm tăng cường quản lý, giảm thiểu rủi ro đối với khoản nợ này.
Báo cáo thẩm tra cũng ghi nhận một luồng ý kiến khác đề nghị bổ sung vào phạm vi nợ công các khoản nợ tự vay, tự trả của DNNN vì cho rằng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm đối với các khoản nợ trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.