Doanh nghiệp nhà nước đóng góp cho ngân sách ngày càng giảm

Sự kiện: Kinh Doanh

Sau 7 tháng, dù thu ngân sách nhà nước vẫn tăng, nhưng các khoản thu từ doanh nghiệp nhà nước như thu từ bán cổ phần, cổ tức, lợi nhuận còn lại đều đạt ở mức thấp. Trong khi chi thường xuyên vẫn tăng đều.

Đã khai thác gần 8 triệu tấn dầu

Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo thu chi ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm. Theo đó, tổng thu ngân sách trong tháng 7 ước đạt 98,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5 nghìn tỷ đồng so với tháng 6. Lũy kế đến hết tháng 7, tổng thu ngân sách ước đạt 666,68 nghìn tỷ đồng (bằng 55% dự toán năm, tăng 11,6%  so với cùng kỳ năm 2016).

Trong đó, thu nội địa tháng 7 ước đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14 nghìn tỷ đồng so với tháng 6. Theo lý giải của Bộ Tài chính, phần tăng thêm này chủ yếu do tháng 7 là thời hạn các doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp các khoản thuế và thu ngân sách phát sinh trong quý II/2017, như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền cổ tức từ các công ty cổ phần nhà nước, và lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Doanh nghiệp nhà nước đóng góp cho ngân sách ngày càng giảm - 1

Doanh nghiệp nhà nước đóng góp cho ngân sách ngày càng giảm

Tính chung 7 tháng đầu năm, thu nội địa ước đạt 532,5 nghìn tỷ đồng, bằng 53,8% dự toán năm, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2016. Đây là năm có số thu nội địa so với dự toán thấp nhất trong 4 năm trở lại đây (năm 2014 đạt 65,4% dự toán, năm 2015 đạt 66,2% dự toán, năm 2016 đạt 59,8% dự toán). 

Đáng chú ý, trong thu nội địa thu từ doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giảm. Như tiền thu từ bán bớt cổ phần sở hữu của nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạt 16,7% dự toán năm. Thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt 40,7% dự toán năm (giảm 11%).

Riêng thu từ dầu thô trong tháng 7 ước đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 660 tỷ đồng so với tháng 6. Lỹ kế 7 tháng đầu năm, thu từ dầu thô ước 27,1 nghìn tỷ đồng, bằng 70,8% dự toán năm (tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2016). Tới nay, ngành dầu khí đã khai thác được 7,94 triệu tấn, bằng 64,6% kế hoạch.

Chi thường xuyên tăng đều

Về phần chi, tới hết tháng 7, ngân sách đã chi 695,16 nghìn tỷ đồng (bằng 50% dự toán năm, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó, đáng chú ý chi đầu tư phát triển mới đạt 119,36 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 33,4% dự toán năm.

Đáng chú ý, chi thường xuyên vẫn tiếp tục tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, với con số tuyệt đối khoảng 511,29 nghìn tỷ đồng. 

Như vậy, tới hết 7, bội chi ngân sách trung ương ước khoảng 87,2 nghìn tỷ đồng (bằng khoảng 50,6% dự toán); trong khi ngân sách địa phương vẫn bội thu. 

Những tháng cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục xác định nhiệm vụ chính là tăng thu, kiểm soát chi để giảm bội chi ngân sách nhà nước. Trong đó, quản lý chặt việc ứng trước và chuyển nguồn chi thường xuyên, tăng công khai, minh bạch ngân sách nhà nước.

Trong 7 tháng, Chính phủ đã vay hơn 2 tỷ USD vốn nước ngoài và huy động từ trong nước hơn 201,5 nghìn tỷ đồng (trong đó phát hành trái phiếu Chính phủ thu 183,9 nghìn tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh hơn 17,6 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngân sách cũng phải chi 154,7 nghìn tỷ đồng trả nợ. Trong đó trả nợ trong nước 131 nghìn tỷ đồng, trả nợ nước ngoài 23,6 nghìn tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN