Doanh nghiệp nào mạnh tay thưởng "khủng" Tết Nguyên đán 2019?

Sự kiện: Thưởng Tết 2019

Báo cáo từ các địa phương cho thấy, doanh nghiệp khối FDI dẫn đầu về thưởng Tết Nguyên đán 2019.

Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai vừa công bố báo cáo tình hình thưởng Tết 2019. Theo đó, mức thưởng tết cao nhất từ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho một cá nhân là 545 triệu đồng và thấp nhất là 200 nghìn đồng. Lần lượt tương ứng con số này tại khối doanh nghiệp dân doanh là 108 triệu và 100 nghìn đồng; doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước là 67 triệu đồng và 500 nghìn đồng; doanh nghiệp Nhà nước là 36 triệu đồng và 1,1 triệu đồng/người.

Trước đó, hàng loạt các địa phương cũng đã công bố thống kê về mức thưởng Tết với điểm sáng thuộc về các doanh nghiệp khu vực FDI. Cụ thể tại TP. Hồ Chí Minh, ngoài mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất 1,17 tỷ đồng cho một cá nhân làm việc trong ngành tài chính ngân hàng; doanh nghiệp từ khối FDI có mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 500 triệu đồng, trong khi mức thưởng trung bình của khối này là 9,4 triệu đồng, cao hơn năm ngoái 60%.

Tương tự, tại Hà Nội, mức thưởng cao nhất 396 triệu đồng cũng thuộc về doanh nghiệp FDI. Một doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng cũng công bố mức thưởng hơn 411 triệu đồng.

Báo cáo từ Bắc Ninh mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất trên địa bàn tỉnh năm nay là 350 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI; mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 262 triệu đồng cũng từ một doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp nào mạnh tay thưởng "khủng" Tết Nguyên đán 2019? - 1

Báo cáo từ các địa phương cho thấy, DN FDI dẫn đầu về thưởng tết 2019

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Minh Huân, Nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia nhận định: So với năm 2018, bức tranh chung thưởng Tết 2019 sẽ sáng hơn. Lý giải về 2 năm trở lại đây, khối FDI đều công bố mức thưởng Tết vượt trội, ông Huân cho hay: “Đối với DN nhà nước, nguồn thưởng thường được lấy từ quỹ lương còn tồn và quỹ phúc lợi. Khu vực ngoài nhà nước, thực chất tiền thưởng Tết được chủ sử dụng lao động tính vào chi phí sản xuất. Trong khi cơ chế thưởng khu vực nhà nước hiện vẫn mang tính bình quân, chưa thực sự khuyến khích người lao động, thì khu vực FDI phân chia mức thưởng dựa trên hiệu quả đóng góp của người lao động. Do vậy FDI luôn dẫn đầu về mức thưởngTết”.

Theo ông Huân, tại Việt Nam tiền thưởng luôn được coi là yếu tố có tính chất lan tỏa rất tốt, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kết quả sản xuất năm sau cho DN.

“Hiện nay, quy chế lương thưởng được giao về cho doanh nghiệp tự xây dựng. Lẽ ra cần linh hoạt đột phá, người làm nhiều được thưởng nhiều, làm ít thưởng ít, không làm không có thưởng. Tuy nhiên, do văn hóa bình quân tồn tại quá lâu, DN nhà nước tới nay vẫn chưa dám cất nhắc thưởng xứng đáng với hiệu quả công việc, vị trí việc làm. Chính điều này đã góp phần triệt tiêu động lực phấn đấu của người lao động. Muốn thay đổi, trong phân công tổ chức công việc phải rõ ràng trên cơ sở đó mới có thể đánh giá hiệu quả vị trí việc làm tốt hay không. Nếu cứ chung chung như hiện nay thì rất khó thực hiện”, ông Huân nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Ngân ([Tên nguồn])
Thưởng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN