Doanh nghiệp muốn được vay nhiều hơn là hạ lãi suất
Đón đầu vụ kinh doanh cuối năm, nhiều ngân hàng đưa ra các thông điệp hạ lãi suất cho vay vốn với mong muốn tăng tốc tín dụng.
Dù nhiều ngân hàng thông báo giảm mạnh lãi suất song không phải doanh nghiệp nào cũngtiếp cận được nguồn vốn rẻ này - Ảnh: Lã Anh
Tín dụng cả năm tăng trưởng 18-20%
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cho biết, thanh khoản của Vietcombank hiện nay khá dồi dào. Tổng vốn huy động sau 9 tháng tăng 12%, đạt khoảng 573.000 tỷ đồng. 9 tháng lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 6.200 tỷ đồng, dự kiến kết quả kinh doanh cả năm khá tích cực. Chính vì thế, Vietcombank sẽ giảm 1% lãi suất đối với 5 lĩnh vực ưu tiên từ 7%/năm xuống còn 6%/năm từ ngày 15/10. Riêng đối với DN khởi nghiệp cũng sẽ được áp dụng mức lãi suất 6%/năm, thay vì 8%/năm như cũ.
Ngày 15/10, Ngân hàng LienVietPostBank thông tin, giảm 1-1,5% lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các DN vừa và nhỏ. Tương tự như vậy, HDBank giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân vay mới, lãi suất tối đa từ 11,5%/năm xuống 10,5%/năm. Riêng với DN, HDBank cung cấp gói tín dụng ưu đãi hạn mức 18.000 tỷ đồng, lãi suất ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm và lãi suất cho vay ưu đãi trung dài hạn cố định trong năm đầu tiên từ 9,69%/năm.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 9/2016, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 11,74%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho hay, thông thường trong những tháng cuối năm, tín dụng tăng trưởng bình quân 2%/tháng là bình thường. Bởi vậy, NHNN tin tưởng nhiều khả năng sẽ đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 18-20%.
Doanh nghiệp muốn được vay nhiều hơn
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải DN nào cũng dễ dàng tiếp cận lãi suất ưu đãinhư các ngân hàng quảng bá. Ông Lê Hoàng Huynh, Giám đốc Công ty CP Nhất Nam, chuyên sản xuất nước mắm và kinh doanh vật liệu xây dựng, buôn bán hóa chất cho biết, công ty đang vay hơn 3 tỷ đồng tại Ngân hàng ACB, lãi suất trên 10%/năm. Vốn công ty vay liên tục trong hai năm, nhưng ký hợp đồng thường chỉ dưới 6 tháng/lần. “Khi mới vay chúng tôi cũng được hưởng mức lãi suất ưu đãi khá thấp, nhưng sau thời gian khuyến mãi thì phải theo giá thị trường. Vậy nên, mức lãi suất 6-7%/năm rất khó thực hiện trên thực tế”, ông Huynh nói.
"Tính đến hết tháng 7/2016, dư nợ tín dụng của TP HCM ước tăng gần 11%. Vậy 5 tháng còn lại, để đạt được mục tiêu không khó bởi những tháng cuối năm, nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp phục vụ sản xuất hàng Tết, nhu cầu thanh toán cao”. Phó giám đốc NHNNchi nhánh TP.HCMNguyễn Hoàng Minh |
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM giải thích, lãi suất vay vốn của DN trên địa bàn còn phụ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh. Cụ thể, 5 lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Nông nghiệp, nông thôn; Xuất khẩu; Công nghiệp hỗ trợ; DN nhỏ và vừa; DN ứng dụng công nghệ cao, lãi suất áp dụng 7%/năm, thậm chí có ngân hàng chỉ 5%/năm trong ngắn hạn. Các chương trình kết nối giữa ngân hàng và DN được tổ chức tại các quận, huyện cũng đã giúp nhiều DN tiếp cận được mức lãi suất ưu đãi khá tốt.
Ngoài vấn đề giảm lãi suất, các DN còn mong muốn được vay vốn nhiều hơn. Ông Lý Thành Sinh, Tổng giám đốc Công ty Minh Long Hưng cho hay, so với vài năm trước, đỉnh điểm là năm 2012, lãi suất vay vốn trung bình 25%/năm, thì nay, lãi suất trung dài hạn đâu đó khoảng 12% là thấp rồi. Do vậy, câu chuyện của DN lúc này không hẳn là lãi suất cao hay thấp. “Chúng tôi mong muốn được nâng hạng mức tín dụng dựa trên việc định giá tài sản theo thị trường. Cụ thể như với giá trị nhà xưởng của công ty theo giá thị trường khoảng 1,2 triệu USD. Nhưng do các quy định của Nhà nước về giá đất trong giải tỏa đền bù nên ngân hàng định giá chỉ bằng 50% và sẽ cho vay bằng 80% giá trị mà ngân hàng định giá. Thế nên, muốn có nhiều vốn hơn cho việc đầu tư, sản xuất kinh doanh không được”, ông Sinh phản ánh...