Doanh nghiệp lo “có điện cao thế” nhưng… “thiếu dây”
Cổng thông tin một cửa quốc gia thì có nhưng để được thông quan trên cổng này, doanh nghiệp vẫn phải chạy khắp nơi nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành hay thanh toán các khoản phí.
Việc điện tử hóa kiểu nửa vời ấy được giới doanh nghiệp ví von bằng hình ảnh “ta có điện cao thế nhưng dây kết nối cho người dân thì thiếu”.
Kết nối kiểu nửa vời
Không ít doanh nghiệp đã nêu lên những thắc mắc như vậy trong hội thảo tham vấn dự thảo nghị định về cơ chế một cửa về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sáng 17/5 tại Hà Nội.
Đại diện cho nhiều ý kiến của doanh nghiệp, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) kể câu chuyện, dù đã cổng thông tin một cửa quốc gia với nhiều thủ tục cho phép thực hiện bằng phương thức điện tử nhưng thực tế, doanh nghiệp vẫn phải chạy vạy nhiều.
Bà lấy ví dụ đơn giản khi doanh nghiệp có kết quả kiểm tra chuyên ngành, các đơn vị phải in ra giấy mang nộp cho ngành hải quan hoặc gọi điện thoại để thông báo cụ thể, sau đó hàng hóa mới được xem xét thông quan.
Kể cả với dự thảo đang được xin ý kiến, bà cho rằng, quy định hiện chỉ nêu về kết nối giữa cổng thông tin một cửa quốc gia và các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành trong khi không hề nhắc tới hải quan.
Điều này theo bà hình dung giống như: Ta chạy một đường điện cao thế nhưng phần dây kết nối cho người dân thì thiếu.
Doanh nghiệp lo quá trình điện tử hóa nửa vời của cơ quan quản lý khiến doanh nghiệp vẫn chưa hết phiền hà.
Ví dụ về sự nửa vời khác, bà đơn cử trường hợp tại Hải Phòng, ngoài thuế, doanh nghiệp phải nộp phí cửa khẩu cảng biển và nhiều khoản phí khác tại đây. Thế nhưng, vấn đề nảy sinh là, những khoản phí này theo bà không hề liên kết với hệ thống một cửa nên doanh nghiệp vẫn phải tới từng địa chỉ nộp tiền thủ công.
“Các nước từ điện tử tới điện tử. Việt Nam thì hỗn loạn, từ điện tử tới giấy, giấy lại tới điện tử”, vị này bày tỏ.
Doanh nghiệp “ngán ngẩm” với thủ tục
Nêu lên câu chuyện khác, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tỏ ra lo lắng vì tình trạng nhiều lần chỉ vì một hai chữ trong văn bản không trùng khớp là thành “công cốc”.
Theo ông, hàng hóa trong thực tiễn của doanh nghiệp chỉ cần sai một chữ so với quy định trong văn bản thì hàng hóa sẽ bị ách tắc, cơ quan quản lý không cho thông quan.
Từ đó, điều ông mong muốn sự là minh bạch, rõ ràng để giúp doanh nghiệp tránh gặp phiền hà.
Tương tự vấn đề của ông Nam, bà Phạm Thị Ngọc Thủy kể thêm trường hợp, doanh nghiệp đã khai mã hàng hóa rồi nhưng với những sản phẩm tương tự, chỉ khác về màu sắc, độ dày mỏng, tức là bản chất hàng hóa không đổi, nhưng doanh nghiệp vẫn bị bắt khai lại từ đầu.
Bà đặt ra lo lắng lớn hơn là, việc xác định mã hàng hóa có thể sẽ tùy nghi và từ mặt hàng này áp sang mã hàng của mặt hàng khác.
Góp ý thêm, đại diện Công ty Chuyển phát nhanh UPS Việt Nam cho rằng, quá tình chờ kiểm định hàng thực tế thì vẫn mất nhiều thời gian và không rõ ràng. Việc kiểm tra chuyên ngành theo bà phải qua nhiều khâu, từ phân công kiểm tra tới thực tế kiểm định, đợi chờ kết quả. Tuy nhiên, hàng hóa của doanh nghiệp thực tế đang ở khâu nào thì chính doanh nghiệp cũng không được thông báo cụ thể mà thường sẽ phải đi hỏi.
Vị này mong muốn các cơ quan chức năng rút ngắn thời gian kiểm định hàng hóa và thông báo rõ ràng từng khâu kiểm tra tới doanh nghiệp.
Lắng nghe những ý kiến trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình thừa nhận, việc kiểm tra hàng hóa vẫn chồng chéo, xung đột, gây phiền hà cho DN. Tổng cục Hải quan ghi nhận những đóng góp của phía doanh nghiệp và có những giải pháp để giảm thời gian thông quan