Doanh nghiệp khó lớn vì nhiều rào cản
Tại Diễn đàn phát triển DN Việt Nam 2017, các chuyên gia đã chỉ ra những cản trở với DN tư nhân như thiếu vốn, bị kiểm tra quá nhiều, bị phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế khác.
DN tư nhân mong muốn bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Phải vay lãi 49% để kinh doanh
Phát biểu tại diễn đàn do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 22/6, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đánh giá, DN tư nhân Việt Nam bé, tỷ suất lợi nhuận thấp và chủ yếu phải cầm cự để sống, chứ chưa nói đến phát triển. “Đa số DN dựa trên vốn vay ngân hàng. DN nhỏ không vay được ngân hàng, phải vay của người thân, bạn bè, thậm chí một bộ phận vay tín dụng đen với lãi suất lên đến 49% để kinh doanh”, ông Tuấn nói.
Nhưng khi DN lớn dần lên sẽ bị thanh tra, kiểm tra nhiều. Có tới 14% DN được khảo sát cho biết bị kiểm tra nhiều lần. Thậm chí, có DN tuần trước Chi cục thuế vừa vào, tuần sau Cục thuế lại vào kiểm tra. Từ đó, DN truyền tai nhau câu nói “khôn dựng trại, dại dựng nhà”. Dù có nhiều chính sách, nghị quyết nhưng điểm yếu lớn nhất của Việt Nam là khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn rất lớn.
Là người trực tiếp lại ảnh hưởng bởi chính sách vốn, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, DN thuộc lĩnh vực bất động sản gặp 3 rào cản lớn nhất liên quan đến nguồn vốn (gồm tiếp cận vốn, giá vốn và thể chế quản lý vốn). Nền kinh tế Việt Nam mới phát triển, tích lũy tư bản ít trong khi đó DN rất khó tiếp cận vốn để kinh doanh. Chu kỳ vốn của mỗi dự án dài (3-5 năm) nên đa số DN phải huy động thêm vốn để đầu tư.
“Bất động sản cần nhiều vốn nhưng không được huy động ngoài quỹ tín dụng và ngân hàng. Hiện ngân hàng ở thế độc quyền nên lãi suất cao, chính sách vay chặt chẽ. Chúng tôi đề nghị có chính sách để huy động thêm nhiều nguồn lực về vốn để DN dễ tiếp cận”, ông Điệp nói.
Ông Điệp cũng đề nghị việc kéo giá vốn xuống thấp hơn để nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời thay đổi cơ chế, cách tiếp cận luật hiện nay. Những năm qua, luật ban hành mang tính áp đặt với DN, cần phải thay đổi công bằng hơn, người làm luật sai phải chịu trách nhiệm.
Lấy dẫn chứng về quy định của Nghị định 71 “làm hạ tầng, xây móng xong mới được bán dự án”, ông Điệp cho rằng câu nói nghe rất hay, hợp lý nhưng ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Bởi quy định này đã khiến 5.000 dự án với cả triệu tỷ đồng đổ vào xây dựng rồi nằm im, gây hệ quả cho hàng triệu người nhưng không ai chịu trách nhiệm về lỗ hổng của luật.
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng phát triển DN (Bộ KH&ĐT) chỉ ra sự thiếu thống nhất giữa các luật: Đầu tư, Bảo vệ môi trường, Đất đai, Xây dựng…; Chưa liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai, đăng ký DN. Nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, gây khó khăn cho DN.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, những năm qua “chiếc bánh” GDP của Việt Nam không to lên trong khi số lượng DN thành lập, hoạt động ngày càng tăng lên.
“Chiếc bánh GDP đành phải chia nhỏ. Trước DN còn được ăn xôi, nay chỉ còn mỳ ăn liền. Góc nhìn của VCCI là từ trong lòng DN nhìn ra, còn góc nhìn của cơ quan quản lý là từ trên trời nhìn xuống. Cần xử lý những vướng mắc từ các góc nhìn này đặt ra để DN có thể phát triển”, ông Thành nói.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách (Bộ KH&ĐT) lý giải, DN nhỏ và khó lớn lên bởi có quá nhiều rào cản. Cơ quan quản lý nói “chặt chém quy định” trái luật nhưng chặt mãi lại không đứt. Cơ chế và mô hình kinh tế thị trường của chúng ta thực hiện ngập ngừng. Cơ quan quản lý thò tay vào làm méo mó thị trường và nền kinh tế.
Bình đẳng cho DN tư nhân…
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, điều kiện tiên quyết để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, trở thành động lực là Nhà nước là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng; không phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế khác như DN nhà nước, DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chính sách và cơ chế đối với kinh tế tư nhân cần dựa trên nguyên tắc cơ bản: bình đẳng, không cần ưu đãi; tôn trọng, chủ động.
Cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, rất ít DN tư nhân tham gia vào được chuỗi giá trị. Dù khu vực FDI hiện diện trong nền kinh tế ở nhiều mặt, nhưng tác động lan toả, đặt hàng công việc và tạo dựng cơ hội cho DN tư nhân rất ít. Sự rạn nứt của DN FDI và DN trong nước khiến nền kinh tế chia rẽ thành 2 phần, và đòi hỏi Nhà nước phải gắn kết, hài hòa ngân sách.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Quy định về điều kiện kinh doanh đã và đang là một rào cản lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và hoạt động của DN. Từ đó nảy sinh bất lợi cho hoạt động kinh doanh như: rủi ro; hạn chế cạnh tranh; hạn chế sáng tạo - kinh doanh theo chuỗi; gia tăng chi phí. Tác dụng của việc cải cách quy định về điều kiện kinh doanh rất hạn chế bởi phương thức áp đặt từ trên xuống.
Đại diện Cục phát triển DN (Bộ KH&ĐT) đưa ra một số giải pháp như cải cách mạnh các thủ tục hành chính; chính sách thu thuế và chế độ kế toán đơn giản, phù hợp với DN nhỏ. Hoàn thiện quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử để cơ bản thực hiện trong năm 2018 đối với toàn nền kinh tế. Chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ, thúc đẩy sản xuất và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam. Xử lý nghiêm và công khai những DN vi phạm pháp luật, buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về môi trường...
“DN nhỏ và khó lớn lên bởi có quá nhiều rào cản. Cơ quan quản lý nói “chặt chém quy định” trái luật nhưng chặt mãi lại không đứt. Cơ chế và mô hình kinh tế thị trường của chúng ta thực hiện ngập ngừng. Cơ quan quản lý thò tay vào làm méo mó thị trường và nền kinh tế”. TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách |
Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành lập với nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng, nhằm hỗ trợ DNNVV vay vốn...