Doanh nghiệp hối lộ như... cơm bữa
Việc đưa hối lộ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đã trở thành... cơm bữa. Ở đây, DN đã vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân thúc đẩy tham nhũng...
Đó là nhận định tại cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 12 chủ đề “Vai trò của DN và khu vực tư trong công tác phòng chống tham nhũng”, do Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Đại sứ quán Anh tổ chức ngày 12.11, tại Hà Nội.
Hối lộ mới giải quyết được công việc
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Mạnh Hùng- Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ cho biết, tham nhũng ngày càng diễn ra phức tạp, tinh vi và tồn tại ngay trong nội bộ DN; trong quan hệ giữa DN và cơ quan công quyền cũng như giữa các DN với nhau. Kết quả khảo sát mới nhất về tham nhũng trong DN do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho thấy, có tới 50% số vụ án tham nhũng nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua liên quan trực tiếp đến DN.
Trong đó, mới chỉ có 13% các vụ việc tham nhũng được báo cáo cơ quan chức năng; 6% vụ việc tham nhũng được cung cấp cho cơ quan báo chí. Đáng chú ý, có tới 70% số DN được khảo sát cho biết, chính họ là người chủ động đề nghị đưa hối lộ. Chỉ có 30% DN cho hay họ thực hiện theo sự gợi ý của cơ quan công quyền.
Bên cạnh đó, 70% số DN thông tin là việc đưa hối lộ giúp DN giải quyết công việc nhanh và hiệu quả; chi phí đưa hối lộ nhỏ hơn nhiều so với những lợi ích mà DN được hưởng; thậm chí, nếu không đưa hối lộ sẽ không giải quyết được công việc. Điều này chứng tỏ DN vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân tạo ra tham nhũng.
Doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin về hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công chức (ảnh minh họa).
Ông Huỳnh Phong Tranh-Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: Tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của DN sẽ tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế -xã hội của mọi quốc gia; nó làm tăng chi phí, phá vỡ nền tảng quản trị của DN, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các DN trên thị trường. Đặc biệt khi tham nhũng, hối lộ được thực hiện với sự câu kết giữa DN với các quan chức tha hóa, sẽ hình thành những “nhóm lợi ích thân hữu”, có khả năng tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng và thực thi chính sách pháp luật, khi đó hậu quả càng thêm nghiêm trọng.
Làm yếu “sức khỏe” của nền kinh tế
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia phát triển đều có những quy định pháp lý chặt chẽ, nghiêm cấm DN thực hiện hành vi hối lộ trong hoạt động kinh doanh. Hành vi tham ô, hối lộ đã được “hình sự hóa” và xử lý như tội phạm tham nhũng.
Tuy nhiên, tại VN, theo ông Huỳnh Phong Tranh, các quy định vẫn chưa đủ để có thể ngăn chặn, xử lý hiệu quả hành vi tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động kinh doanh. Ông Antony Stokes – Đại sứ Vương quốc Anh tại VN cũng nêu thực tế: Tham nhũng là thách thức với VN bởi “sức khoẻ” của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng của tham nhũng, khả năng phá hoại nền kinh tế của tham nhũng là rất lớn... Vì vậy, Chính phủ và DN cần phải chung tay chống lại nạn tham nhũng.
"Việc các DN mạnh dạn, chủ động tố cáo hành vi tham nhũng sẽ góp phần quan trọng cùng các cơ quan chuyên trách đóng góp vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng”.Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng tôi luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó cộng đồng DN giữ vai trò quan trọng”. Phó Thủ tướng cho rằng, DN là nạn nhân của tham nhũng, DN phải đưa hối lộ vì sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền là đúng nhưng chưa đủ tại VN.
Còn một thực tế khác, đó là nhiều DN thường chủ động thực hiện hành vi hối lộ nhằm đạt được những lợi thế không chính đáng trong cạnh tranh trên thương trường hoặc để trốn tránh trách nhiệm pháp lý khi có sai phạm.
Vì thế, để phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, một mặt cần ngăn chặn và xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhận hối lộ; mặt khác phải có chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý hành vi đưa hối lộ, đặc biệt cần nghiêm khắc đối với những DN coi hối lộ như một “giải pháp” trong kinh doanh, một cách thức để tạo lợi thế, hình thành “nhóm lợi ích”.Phó Thủ tướng đồng tình với kiến nghị các DN cần chủ động cung cấp thông tin, chủ động phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về những hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước.