Doanh nghiệp BĐS kỳ vọng gì năm Giáp Ngọ?

Năm 2013, một chặng đường đầy khó khăn đối với các công ty bất động sản đã khép lại.

Dù “tiên lượng” thị trường khó có thể “đứng dậy” ngay trong năm 2014 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc, bớt khó khăn hơn.

Năm 2013 “khốc liệt”!

Đánh giá về thị trường bất động sản (BĐS) năm 2013, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) khẳng định, đó là một năm “khốc liệt”, là cuộc sàng lọc các doanh nghiệp BĐS. Nhiều công ty BĐS phải đóng cửa, bán lại dự án để tìm cách thoát ra. Đơn cử, dọc đường Phạm Hùng, đường Láng - Hòa Lạc... hàng loạt dự án không làm được, rải rác trong nội đô cũng có. Số lượng nhà được mua, được bán, được luân chuyển trên thị trường ít hơn hẳn. Mặc dù số dự án cố gắng hoàn thành trong năm 2013 cũng nhiều, song tốc độ tiêu thụ rất chậm.

Theo ông Hiệp, không thoát khỏi bối cảnh khó khăn chung của thị trường BĐS, năm 2013 là một năm hết sức khó khăn với GP-Invest. Thế nhưng, ngay từ đầu năm 2013, GP-Invest đã “tiên lượng” thị trường BĐS sẽ rất khó khăn không còn được như năm 2010 nên đã có kế hoạch đề ra hợp lý, chỉ số lợi nhuận, cổ tức cũng đưa ra ở mức phù hợp. Cho nên, dù bị tác động bởi tình hình khó khăn chung nhưng Công ty vẫn đứng vững và đạt được kết quả như kế hoạch đề ra. “Trước đây, để đạt được kết quả theo kế hoạch thì GP-Invest rất ung dung, nhàn nhã, nhưng vào năm 2013 thì Công ty phải rất “lao tâm, khổ tứ”, công sức bỏ ra để đổi được thành quả bây giờ “đắt” gấp 3-4 lần so với trước. Điều này cho thấy thị trường BĐS đang rất khốc liệt, khó khăn”, ông Hiệp đúc kết.

Hiện nay, trên thị trường BĐS cứ 100 công ty bỏ tiền ra đầu tư, mua đất, mua dự án, xây nhà... thì chắc phải có đến 70 công ty “chết”. Còn lại một số công ty có dự án nhưng bán không được, không có tiền làm thêm, sản phẩm không ra nên công trường cứ nằm chơ vơ. Theo ông Hiệp, đó là do thị trường phát triển quá “nóng”, người người, nhà nhà làm BĐS, nhiều người nghĩ ai làm BĐS cũng có thể sinh lời, cứ nghĩ có dự án là có lãi...

Doanh nghiệp BĐS kỳ vọng gì năm Giáp Ngọ? - 1

Nhiều doanh nghiệp bất động sản hy vọng thị trường bất động sản 2014 sẽ bớt khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành tại TP.HCM cho hay, tất cả các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, trong đó Công ty Đất Lành cũng có khó khăn. Đây là hậu quả của nhiều năm, trong đó có hậu quả lớn nhất là lãi suất tăng quá cao ở thời điểm 2010-2011, lên tới 25-27%/năm.

Theo ông Đực, đối với một số doanh nghiệp phải dùng vốn vay bị ảnh hưởng rất lớn, trong 2 năm 2010-2011 có khi không bán được sản phẩm nhưng lãi dồn lớn. Chính thời điểm lãi suất cao đó đã bào mòn hết sinh lực của doanh nghiệp BĐS, đến năm 2013 chỉ kéo dài thêm cơn bệnh, kéo dài thêm khó khăn.

Kỳ vọng gì ở năm Giáp Ngọ?

Những khó khăn của một năm cũ đã khép lại. Chia sẻ về những nhận định và kỳ vọng cho một năm mới, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, năm 2014, kinh tế còn hết sức khó khăn, không thể chủ quan được. “Chúng tôi làm BĐS thì phải nhìn vào dòng tiền của thị trường. Hiện nay, vốn ngân sách còn thâm hụt thì dòng tiền luân chuyển trên thị trường chắc chắn sang năm 2014 chưa thể mạnh ngay được. Vì thế, thị trường BĐS không thể “đứng dậy” ngay được trong năm 2014, có chăng chỉ hy vọng là bớt khó khăn hơn. Tôi cho rằng, năm 2014 vẫn cứ phải “thắt lưng buộc bụng”, trường chinh chiến đấu. Theo chu kỳ, 2-3 năm ở “đáy”, 2014-1015 cũng chỉ có chút thay đổi, phải sang năm 2016 thị trường mới có thể khởi sắc được”, ông Hiệp nhận định.

Khẳng định không được phép thiếu thận trọng về đồng vốn và phải chịu trách nhiệm về cổ tức đối với các cổ đông đã góp vốn vào công ty, ông Hiệp cho rằng, kế hoạch của công ty sẽ rải ra các năm 2014 và 2015, không dồn dập, đủ cho tăng trưởng và phát triển để chuẩn bị đón đầu năm 2016. Theo đó, năm 2014 công ty sẽ thi công móng, tầng hầm của dự án Tràng An (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) và 2015 xây thô, đến năm 2016 tùy thị trường sẽ có sự hoàn thiện dự án cũng như đưa ra mức giá phù hợp với nhu cầu của thị trường, tránh tồn kho.

Bên cạnh sản phẩm truyền thống là BĐS đã khá thành công, ông Hiệp còn bật mí: “Chúng tôi có thiên hướng lựa chọn thêm công việc sản xuất để “đi bằng 2 chân”. Công ty đang nghiên cứu sản xuất vật liệu gì để có thể phục vụ cho lĩnh vực xây dựng. Nếu thị trường kinh doanh BĐS có kém thì vẫn có việc để giữ cân bằng được hoạt động của công ty”.

Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức để phát triển thêm ngành nghề vì còn tùy thuộc vào nhiều vấn đề như vốn, thị trường... Ông Đực nhận định: “Khó có kỳ vọng gì nhiều trong năm 2014. Sang năm 2014, chúng tôi chỉ tìm cách bán những sản phẩm còn tồn lại chứ không đủ sức để phát triển thêm mảng ngành nghề khác”.

Mặc dù năm 2014 đã có kế hoạch đề ra mức lợi nhuận cao hơn, doanh số cao hơn năm 2013, song ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn Bất động sản Maxland (Hà Nội) chia sẻ: “Để kỳ vọng điều gì mang tính đột biến vào thị trường BĐS năm 2014 là chưa thể, nhưng tôi nghĩ thị trường sẽ bớt khó khăn hơn so với năm 2013”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Lê (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN