Dọa có quan hệ với ông nọ bà kia... để chây ì nợ ngân hàng

“Khi ngân hàng đòi nợ, các cá nhân tổ chức vay nợ không hợp tác, mời không đến, né tránh, tắt điện thoại, thách đố, dọa có quan hệ với ông này ông kia…”, lãnh đạo Cục C46 cho biết.

Xử lý gần 500.000 tỷ nợ xấu trong 4 năm

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, trong 4 năm qua, tính đến thời điểm 31/12/2015, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 493,09 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý chiếm 55,4%, còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 44,6%.

Tỷ lệ nợ xấu có bảo đảm (TSBĐ) chiếm trên 90% tổng nợ xấu. Tuy nhiên, biện pháp xử lý TSBĐ (bán, phát mại) thu hồi nợ chưa được thực hiện hiệu quả, chỉ đạt khoảng 13,91 nghìn tỷ đồng.

Theo Phó Thống đốc NHNN, hiện nay chúng ta vẫn còn thiếu các quy định pháp luật; nhiều quy định về xử lý TSBĐ không phù hợp, không đồng bộ, mâu thuẫn; thực tiễn áp dụng và thực thi các quy định pháp luật chưa đúng của cơ quan liên quan thi hành pháp luật gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến quá trình xử lý TSBĐ.

Dọa có quan hệ với ông nọ bà kia... để chây ì nợ ngân hàng - 1

Cảnh xử lý nợ tại một doanh nghiệp phía Nam. Ảnh: NLĐ

Nhìn nhận vấn đề quyền xử lý TSBĐ, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, khi các ngân hàng xử lý tài sản thì quan hệ với người đi vay không những thiếu đi sự hợp tác cần thiết, mà có khi còn chuyển sang đối đầu, thậm chí mâu thuẫn xung đột gay gắt…

Chây ì trả nợ ngân hàng

Tại hội thảo, Đại tá Nguyễn Trọng Long, Phó Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công An, chia sẻ với những khó khăn của các ngân hàng trong việc xử lý tài sản đảm bảo.

Ông thừa nhận, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu vô cùng khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều luật, chồng chéo, khó hiểu, vận dụng.

“Khi ngân hàng đòi nợ, các cá nhân tổ chức vay nợ không hợp tác, mời không đến, né tránh, tắt điện thoại, thách đố, dọa có quan hệ với ông này ông kia. Trong khi đó vẫn sản xuất, kinh doanh có nguồn thu, chủ thể vẫn nhà lầu, xe hơi, rong chơi, thậm chí doanh nghiệp giải thể thì lập doanh nghiệp khác”, Đại tá Long nói.

Theo đại diện Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), hiện nay, một trong những vướng mắc lớn trong việc xử lý tài sản đảm bảo của các TCTD là việc khách hàng vay, bên thế chấp bỏ trốn khỏi nơi cư trú, cố tình giấu địa chỉ nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đã cam kết với tổ chức tín dụng.

Còn đại diện Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) chia sẻ, nguyên nhân khiến công tác xử lý nợ bị chậm hoặc bị trì hoãn do thủ tục kiện tụng thi hành án phức tạp, kéo dài. Một vụ việc từ khi khởi kiện đến khi thi hành án kéo dài trên 2 năm. Có nhiều vụ án ngân hàng theo kiện từ năm 2012 nhưng vẫn chưa kết thúc.

Còn xử lý thông qua biện pháp thu giữ tài sản để bán đấu giá công khai cũng gặp nhiều vướng mắc. Dù ngân hàng đã gửi hồ sơ và kế hoạch thu giữ tài sản đến chính quyền địa phương theo đúng quy định nhưng vẫn còn tình trạng địa phương không đồng ý hỗ trợ, thậm chí ngăn cản hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của tổ như “mời” cán bộ của ngân hàng lấy lời khai đến sáng; yêu cầu ngân hàng ra khỏi địa điểm có tài sản; trả lại tài sản đã thu giữ.

“Trong tháng 10/2016, Techcombank đã tiến hành thu giữ 1 tài sản đảm bảo tại Hà Nội- đây là tài sản của 1 khách hàng đã có nợ quá hạn hơn 2000 ngày. Mặc dù Ngân hàng đã làm đầy đủ các thủ tục để thu giữ tài sản đảm bảo nhưng khi tiến hành thực hiện thu giữ, tổ chức tín dụng đã vấp phải sự chống đối quyết liệt từ Chủ tài sản và không được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ngay cả khi tài sản đã thu giữ thành công, bán đấu giá thành công, hợp đồng đấu giá đã công chứng nhưng cơ quan chức năng thuộc một số UBND quận huyện lại chủ trương không đồng ý tiến hành thủ tục sang tên cho người trúng đấu giá”, đại diện Techcombank cho biết.

Tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền chuyển nhượng tài sản. Chính vì thế mà có những phiến đấu giá tài sản diễn ra từ năm 2013 đến nay tài sản vẫn chưa được sang tên cho người trúng đấu giá.

“Thực tế đã chứng minh hoạt động xử lý tài sản đảm bảo gặp khó khăn hơn do chính quyền địa phương không đồng thuận và đến nay hàng trăm tài sản đảm bảo nằm phơi sương mà tổ chức tín dụng không làm gì được”, đại diện Techcombank cho hay.

Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cũng cho biết, tại Vietcombank có những vụ việc xử lý tài sản qua khởi kiện, thi hành án trải qua 30 lần giảm giá với thời gian xử lý lên tới 5 năm.

Trong quá trình thu hồi nợ qua khởi kiện, có khách hàng có nhiều quan hệ với địa phương hoặc có “tiền sử” hay chống đối, khiếu nại các cơ quan ban ngành nên cơ quan thi hành án dân sự “ngại” cưỡng chế, thi hành án với các đối tượng này.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Tổng Giám đốc VP Bank, quan điểm xây dựng và thực thi luật pháp cần được thay đổi, ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ. Việc xử lý tài sản nhưng dựa trên sự tự nguyện của con nợ là vướng mắc hiện nay.

TS Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, muốn xử lý nợ xấu nhanh, hiệu quả, thì không chỉ trông chờ vào nỗ lực riêng của ngành ngân hàng mà cần sự tham gia tích cực của các tổ chức đơn vị có liên quan, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy trình thủ tục đến thực thi pháp luật liên quan đến tín dụng ngân hàng, đặc biệt là xử lý tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN