Đổ tiền vào vàng: Dấu hiệu rủi ro
Dòng tiền ồ ạt vào thị trường vàng mấy ngày gần đây đã kéo giá mặt hàng này tăng nhanh từng giờ. Nhiều người vẫn đang tiếp tục đổ tiền vào vàng nhưng cũng có không ít người đang lo ngại về tình trạng hiện nay của loại hàng hóa này.
Bất ngờ dậy sóng
Trái ngược với tình cảnh ỉu xìu như các kênh đầu tư khác, thị trường vàng mấy ngày gần đây bất ngờ dậy sóng. Giá tăng vù vù, giao dịch sôi động không kém mấy so với những đợt sốt vàng trong các năm trước đây. Người mua thậm chí chỉ xem cửa hàng còn vàng hay không chứ không so đo về mức giá hiện tại và liệu giá như thế đắt hay rẻ.
Chỉ tính riêng trong 2 ngày 21-22/8, vàng đã tăng tổng cộng hơn 1 triệu đồng/lượng và hiện đang ở mức cao nhất trong vòng gần 5 tháng qua. Như vậy, sau nhiều tháng lình xình quanh ngưỡng 42 triệu đồng/lượng, giờ đây vàng đã áp sát 44 triệu đồng/lượng.
Khối lượng giao dịch trong 2 ngày qua cũng tăng vài lần so với những ngày trước đó do người dân kéo tới các tiệm vàng trên các trung tâm buôn bán để mua bán mặt hàng này.
Trên thực tế, vàng đã bắt đầu có xu hướng tăng giá từ cách đây gần 1 tuần và bắt đầu tăng mạnh từ ngày 21 và 22/8 khi mà giá thế giới chuyển động tăng và nhu cầu trong nước đối với mặt hàng này bất ngờ đột biến.
“Giá vàng tăng mạnh là do lưc mua áp đảo. Tâm lý lo ngại thời kỳ vàng “ngủ yên” đã qua đi và vàng bắt đầu vào xu hướng tăng mạnh như đã trải qua cả chục năm nay khiến nhiều người quyết tâm mua vào để sinh lời hoặc phòng thủ”, ông Hoàng Trong Khâu, 1 nhà đầu tư vàng chia sẻ.
Theo ông Khâu, giá vàng trong nước tăng vào thời điểm này cũng không có gì quá ngạc nhiên bởi giá vàng thế giới đang tăng, nguồn cung vàng trong nước có dấu hiệu khan hiếm, lạm phát đang quay trở lại và các doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn là người nắm bắt tâm lý khách hàng rất tốt.
Chỉ tính riêng trong 2 ngày 21-22/8, vàng đã tăng tổng cộng hơn 1 triệu đồng/lượng.
Hơn thế, theo nhiều nhà đầu tư, dòng tiền từ các kênh đầu tư khác đang có dấu hiệu chảy vào thị trường vàng khi mà khả năng sinh lời ở các kênh đó không hấp dẫn. Một điều không kém quan trọng là hiện tượng tâm lý bầy đàn cũng có tác động không nhỏ tới diễn biến giá vàng tăng.
Có rất nhiều lý do được các chuyên gia và giới đầu tư đưa ra để giải thích cho hiện tượng vàng tăng nóng trở lại trong tuần này. Tuy nhiên, cũng có không ít người lo ngại về tình trạng tăng sốc và mua bán ào ào của rất nhiều người dân như hiện nay.
Sóng sẽ còn kéo dài?
Phải nói rằng, giá vàng trong nước tăng giá trong vài ngày gần đây trước hết bắt nguồn từ việc giá vàng trên thị trường thế giới quay đầu tăng trở lại.
Giá vàng đêm 21/8 đã vượt qua ngưỡng kháng cự 1.630 USD/ounce và lên mức cao nhất trong 3,5 tháng qua.
Cụ thể, giá vàng đêm 21/8 (giờ Việt Nam) tăng hơn 1% do giới đầu tư đặt kỳ vọng lớn vào chương trình kích thích kinh tế mới của Ngân hàng Trung ương châu Âu với các tín hiệu hỗ trợ cho Italia và Tây Ban Nha giảm nợ.
Chốt phiên 21/8, giá vàng giao ngay tăng 1,2% lên 1.638,83 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex tăng 19,9 USD lên 1.642,9 USD/ounce. Tới cuối giờ chiều 22/8 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đã vượt ngưỡng 1.640 USD/ounce.
Tín hiệu tăng giá còn được phát đi từ động thái mua vàng không ngừng của quỹ đầu tư tín thác bằng vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust. Chỉ trong khoảng 3 tuần qua, quỹ này mua vào liên tục với tổng vàng mua ròng lên tới hơn 30 tấn, nâng mức nắm giữ lên cao nhất kể từ cuối tháng 6.
Giới đầu tư đang thực sự kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế của châu Âu và đang nghĩ đến gói nởi lỏng định lượng mới (QE3) của Mỹ.
Tới đầu giờ sáng 23/8 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng thêm gần 15 USD/ounce so với giá chốt phiên trước đó lên trên 1.650 USD/ounce - mức cao nhất trong 4 tháng qua. Trong phiên, có lúc vàng lên tới 1.655 USD/ounce sau khi biên biên bản họp tháng 8 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các nhà làm chính sách sẵn sàng đưa thêm kích thích tiền tệ nếu nền kinh tế Mỹ không phục hồi rõ rệt.
Mặc dù thị trường vàng đang nóng bỏng như vậy nhưng theo nhiều chuyên gia trên thị trường vàng thế giới, việc vàng tăng giá vọt lên ngưỡng 1.750 USD/ounce như dự báo của Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ không phải dễ.
Trước mắt, vàng phải đối mặt với 1 ngưỡng kháng cự rất mạnh là 1.665 USD/ounce. Các chuyên gia cho rằng, vàng sẽ khó lòng vượt qua được ngưỡng này và bước vào xu hướng tăng giá nếu Mỹ không đưa ra gói nới lỏng QE3.
Các phân tích kỹ thuật cũng không hẳn là điểm đáng tin cậy bởi ngay ở thị trường vàng thế giới, các chiêu “lùa gà” kiểu giá breakout xong rồi úp sọt cũng hay xảy ra. Nhiều người cho rằng, nên đợi thông tin cụ thể hơn về các gói kích cầu từ châu Âu và Mỹ và đợi giá vàng vọt lên rồi test lại ngưỡng ấy cho chắc.
Trong báo cáo hàng quý của Hội đồng vàng thế giới mới đây, tổ chức này cho biết họ thấy một bức tranh không mấy tích cực đối với nhu cầu vàng.
Theo đó, nhu cầu vàng đang có dấu hiệu giảm nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu do tiêu thụ tại Ấn Độ giảm đi đáng kể trong khi nhu cầu vàng tại Trung Quốc có dấu hiệu chững lại bởi tăng trưởng kinh tế đình trệ.
Hiện tại, những yếu tố hỗ trợ giá vàng chủ yếu là cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, chương trình nới lỏng định lượng của các ngân hàng trung ương Anh, Mỹ và lo ngại mất giá tiền tệ.
Trong nước, rủi ro cao đối với những người cầm vàng lại nằm ở chỗ, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá lớn.
Nếu như trước đây, chênh lệch này đã ở mức khá rộng khoảng trên 1 triệu đồng/lượng (so với mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước hướng tới là 400.000 đồng/lượng), thì hôm đầu tuần mức chênh là 1,7 triệu đồng/lượng và 2 triệu đồng/lượng trong ngày 21/8. Khoảng cách này được nới lên tới 2,2-2,5 triệu đồng/lượng trong phiên giao dịch ngày 22/8.
Rõ ràng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới đã được nới ra quá rộng do tốc độ tăng giá vàng trong nước trong mấy ngày qua đang vượt xa mức tăng của vàng thế giới nhờ vào sự bất bình thường về cung cầu vàng trên thị trường.
Trên thực tế, những người có nhu cầu mua vàng chưa hẳn đã nhiều nhưng những tin đồn cùng với hiện tượng tâm lý bầy đàn đã khiến cho giá vàng không ngừng được các doanh nghiệp nâng lên. Sự nâng lên bất thường cũng giải thích cho hiện tượng doanh nghiệp kinh doanh vàng buộc phải giữ khoảng cách giá mua - bán vàng ở mức rất rộng.
Đấy là những biểu hiện của rủi ro, dù rất cũ nhưng cũng cần được cảnh báo.