'Đo' độ giàu của các ông trùm châu Á

Thị phần máy bay tư nhân của châu Á sẽ tăng trưởng gấp 4 lần trong 5 năm tới khi giới nhà giàu trong khu vực ngày càng ưa chuộng món “đồ chơi” mới này.

Thị trường mới bắt đầu

Theo ông K.K. Yong, phó chủ tịch hãng tư vấn hàng không Jetsolution International Services, các khách hàng châu Á sẽ chiếm tới 20% thị phần máy bay xa xỉ toàn cầu vào năm 2017 nhờ đà tăng trưởng kinh tế cao. Đông Nam Á sẽ là tạo ra một đợt tăng trưởng mới cho thị trường máy bay tư nhân.

Theo Jetsolution, nhờ vào sự bùng nổ của các dự án khai khoáng, bất động sản ở Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ, nhu cầu sử dụng máy bay riêng cho mục đích kinh doanh và du lịch của các doanh nhân sẽ tăng mạnh cùng với tài sản mà họ sở hữu.

“Khi người ta trở nên giàu có hơn, họ sẽ càng có nhiều nhu cầu xa xỉ hơn. Nhu cầu máy bay riêng đặc biệt liên quan đến tốc độ tăng của tài sản”, ông Yong nói.

Trong số 15.200 máy bay tư nhân đang bay trên thế giới vào cuối năm 2011, mới chỉ có 5% đến từ châu Á, trong khi 58% đến từ châu Âu và châu Mỹ. Trong khi đó, theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), giá trị tài sản ở Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á có thể vượt quá giá trị tài sản ở cả Mỹ và châu Âu vào năm 2030. Trong số 100 người giàu nhất thế giới, có 11 người là người châu Á.

“Tài sản đầu tư đang dồn về châu Á, và ở đây có rất nhiều tiềm năng, đặc biệt là ở Indonesia. Thị trường này mới đang ở trong giai đoạn “mầm non” so với các thị trường đã trưởng thành là châu Âu, châu Mỹ”, bà Jackie Wu, chủ tịch Jetsolution cho biết.

Năm 2011, số hộ gia đình là triệu phú ở Singapore đã tăng lên 188.000. Có tới 17% gia đình ở Singapore là triệu phú, một tỷ lệ cao nhất thế giới. Xu hướng gia tăng số người giàu ở châu Á – Thái Bình Dương đang đối ngược lại với xu hướng giảm tài sản ở Tây Âu và Mỹ.

Theo báo cáo cuối tháng 12 vừa qua của công ty tư vấn Boston Consulting Group, năm 2012, số hộ gia đình có tài sản hơn 1 triệu USD ở Trung Quốc có thể tăng trưởng tới 17% lên 1,74 triệu hộ, sau khi đã tăng tới 30% trong năm 2011.

Trung Quốc thích hàng hiệu

Hoạt động thương mại, đầu tư phát triển và khai thác bất động sản tăng nhanh ở châu Á cũng là một nguyên nhân khiến nhu cầu máy báy riêng tăng mạnh. Giới kinh doanh ở châu Á giờ đây cần phải di chuyển nhiều hơn tới các vùng xa xôi, họ muốn chủ động sắp xếp lịch làm việc và tiết kiệm thời gian, và họ có đủ điều kiện tài chính để đáp ứng nhu cầu đó. Jetsolution, công ty tư vấn dịch vụ mua bán và sở hữu máy bay riêng có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết họ nhận được 3 đến 5 yêu cầu tư vấn mỗi ngày của các khách hàng tiềm năng.

Giá một chiếc máy bay cho doanh nhân hiệu Learjet của Bombardier vào khoảng từ 17,2 triệu USD, hiệu Falcon 7X vào khoảng 50 triệu USD và đắt nhất là loại máy bay lớn hơn của Airbus hoặc Boeing với giá từ 100 triệu USD.

Giá niêm yết một chiếc Airbus cho công ty, dựa theo mẫu máy bay chở khách A319, vào khoảng 87 triệu USD, với mẫu cabin tiêu chuẩn. Những mẫu máy bay này có khả năng chở 19 hành khách và bay xuyên lục địa không nghỉ, với các tiện nghi như phòng khách, phòng ngủ và phòng tắm.

Các khách hàng ở Trung Quốc thường thích mua những chiếc máy bay mới hơn, nhanh hơn và họ quan tâm nhiều đến các thương hiệu nổi tiếng như Gulfstream và Bombardier.

Các khách hàng Đông Nam Á lại có xu hướng quan tâm tới máy bay đã qua sử dụng, miễn là chúng còn tốt và tiết kiệm chi phí. Những model phổ biến được lựa chọn là của các hãng Cessna, Embraer và Hawker Beechcraft Inc.

Thiếu cơ sở hạ tầng

Tuy nhiên, dù nhu cầu tăng nhưng những người muốn sở hữu máy bay riêng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi bay trong khu vực do thiếu cơ sở hạ tầng. Các loại máy bay riêng phải cạnh tranh về sân bay với các máy bay thương mại lớn chở khách. Nhiều khi, máy bay tư nhân phải hoãn cất cánh hoặc hạ cạnh hàng giờ đồng hồ do chính sách ưu tiên cho du lịch và nguồn thu của địa phương.

Trung Quốc, thị trường máy bay tư nhân lớn nhất châu Á, có hơn 200 trong tổng số hơn 700 chiếc trong khu vực. Theo Jetsolution, Trung Quốc có 4 sân bay phục vụ cho máy bay tư nhân, trong khi Mỹ có hơn 5.000 sân bay loại này. Điều này cho thấy châu Á cần phải đầu tư nhiều sân bay phụ hơn nữa để đáp ứng hoạt động hàng không tư nhân đang bắt đầu phát triển.

“Nhiều cơ quan quản lý hàng không nhưng không nắm bắt kịp nhu cầu về sở hữu và dịch vụ cho máy báy tư nhân”, bà Wu nói.

Cessna đã mở cửa trung tâm dịch vụ khu vực ở Singapore hồi tháng 7 năm ngoái. Công ty Công nghệ kỹ thuật Singapore đang xây một hangar (nhà chứa máy bay) để cung cấp dịch vụ cho máy bay tư nhân, dự kiến hoạt động từ cuối tháng 3 tới. Đông Nam Á, đặc biệt là Singapore, được coi là nơi đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường máy bay châu Á.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương An - (Vnmedia/Bloomberg)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN