DN xây dựng “xoay trần” với bài toán thưởng Tết
Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán nhưng tại các công ty xây dựng vẫn “như chưa hề giáp Tết” bởi câu hỏi “ bao giờ thì có lương” vẫn chưa có câu trả lời.
Theo Giám đốc xí nghiệp xây lắp số 3, công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Sông Lô thuộc Tổng công ty xây dựng Sông Hồng, hiện tại công ty mới trả lương cho công nhân đến hết tháng 10 năm 2013. Ban Lãnh đạo công ty cũng đang tìm đủ mọi cách “xoay sở” để có tiền chi trả lương cho công nhân chi tiêu tết.
Nhưng đó vẫn là xí nghiệp được gọi là “làm ăn được” trong công ty, còn có những xí nghiệp, công ty khác trong Tổng công ty thậm chí tình trạng còn “bi đát” hơn, mỗi tháng chỉ tạm ứng cho nhân viên từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.
Hoạt động kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp xây dựng lâm vào tình trạng “khốn cùng”, có doanh nghiệp còn tính đến phương án đóng cửa. Như vậy, không còn là chuyện nợ hay chậm lương mà người lao động đang đứng trước nguy cơ mất việc.
Chỉ mong nhận đủ lương
Chị Hà, nhân viên công ty cổ phần xây dựng bảo tàng Hồ Chí Minh, đến nay mới nhận được lương tháng 9. Khi thông tin các công ty, doanh nghiệp khác thưởng hàng chục, hàng trăm triệu đồng thì với chị Hà “chỉ mong sao công ty trả lương đúng hạn chứ chả mong đến thưởng Tết”.
Doanh nghiệp xây dựng “xoay trần” với bài toán thưởng Tết
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty xây dựng T&T chia sẻ, từ tháng 10/2011 đến nay, công ty giảm 30% nhân sự. Những người ở lại chỉ được 50% lương, do không nhận được công trình nào. Chính vì vậy, vấn đề chính mà công ty quan tâm ở thời điểm cận kề Tết lúc này là “làm thế nào để có thể có đủ một tháng lương cho nhân viên”.
Lãnh đạo lao đao tìm cách xoay sở
Để duy trì sự tồn tại, nhiều Công ty, doanh nghiệp đã phải sử dụng giải pháp “giật gấu vá vai” để giải bài toán tiền lương cho anh em công nhân.
Cũng theo Giám đốc xí nghiệp xây lắp số 3, công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Sông Lô, công ty đã phải thực hiện chính sách “quay vòng vốn” - lấy vốn từ công trình này để chi trả cho công trình kia, thế chấp tài sản để vay ngân hàng, kêu gọi cán bộ trong Ban Giám đốc “chung tay vượt khó”. Chính bản thân Giám đốc đã phải phải đem nhà đi thế chấp ngân hàng vay tiền trả lương cho công nhân.
Chưa đến mức rơi vào cảnh nợ lương nhân viên nhưng doanh nghiệp Cổ phần xây dựng NC cũng đã phải cắt giảm khoản tiền thưởng thông lệ hàng năm từ 2011, cắt giảm việc tổ chức tất niên, tổng kết công ty để giảm thiểu chi phí, duy trì hoạt động công ty.
Không chỉ dừng lại việc cắt giảm chi phí, nhiều công ty còn đưa ra chính sách cho nhân viên nghỉ luân phiên không lương, cắt giảm nhân sự để tránh tình trạng phải giải thể. Thậm chí có những doanh nghiệp rơi vào tình cảnh túng quẫn, thẳng thừng tuyên bố sẽ nợ lương, khuyến khích nhân viên tự nguyện xin nghỉ.
Những công trình xây dựng dang dở vì thiếu vốn.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc một công ty một thời từng “chiếm lĩnh thương trường” miền Bắc cho biết, do ảnh hưởng của thị trường bất động sản, công ty cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Hiện một số công trình đã hoàn tất thi công, nhưng phía đối tác chưa thanh toán với lý do đang "kẹt". Nguồn vốn thiếu hụt, vay khó, lại phải chi tiêu cho nhiều hạng mục nên mấy tháng nay, công ty chỉ tạm ứng một phần lương và hẹn sang quý II sẽ thanh toán tiếp cho người lao động.
Từ cuối năm 2011, có thời điểm lương tháng công ty chỉ có thể tạm ứng một ít cho người lao động, chứ không thể trả hết 1 lần. Hiện tại, công ty nợ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp khoảng vài trăm triệu đồng. Theo ông, số tiền này không lớn nếu như có nguồn thu từ các công trình đã hoàn thành.
Cùng cảnh ngộ, lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng hiện đóng trên địa bàn phường Mai Dịch, cho biết, từ 2 năm nay công ty nhận được rất ít công trình mà thường là các công trình nhỏ lẻ, giá trị thấp, nhân viên ngày làm ngày nghỉ. "Việc trả lương cho công nhân hiện tại đang là quá sức với công ty. 10 tháng nay công ty trễ hẹn thanh toán lương cho người lao động, mỗi tháng cũng có chi trả một phần nhưng thường chậm từ 10 đến 15 ngày. Công ty đang tính đến giải pháp phải đóng cửa nếu tình trạng này kéo dài, khi không còn khả năng thanh toán lương cho công nhân", ông nói.
Nhân viên “bối rối” tìm việc làm thêm
Trong khi Lãnh đạo các công ty tìm cách “xoay sở” cứu công ty khỏi tình trạng giải thể thì nhân viên các công ty xây dựng cũng tự tìm cách cứu mình khỏi tình trạng thất nghiệp.
Làm việc tại một công ty xây dựng trên địa bàn quận Hà Đông, anh Minh bị chậm thanh toán lương từ cuối năm 2012 đến nay. Anh Minh cho biết: "Tháng nào cũng nhận được lương nhưng chỉ là một phần các tháng trước đó. Lãnh đạo vừa tuyên bố 6 tháng tới sẽ nợ lương, ai không muốn bám trụ có thể nghỉ. Tôi đang tìm cách tìm việc làm thêm để có thu nhập, nhưng thời buổi khó khăn, để tìm được việc làm phù hợp chuyên môn cũng không phải dễ”.
Công nhân lao động “cầm chừng”.
Một nữ nhân viên làm việc tại một công ty xây dựng thuộc ngành giao thông cũng chia sẻ, từ hơn một năm chị đã phải đi làm công việc thu tiền internet và chồng chị làm việc cùng công ty cũng phải đi làm thêm bên ngoài. Nhưng không phải ai cũng tìm được việc làm thêm như vợ chồng chị bởi thời buổi khó khăn khi mà lực lượng lao động trẻ đang rất dôi dư.
Làm thêm là giải pháp tạm thời đối với những nhân viên thuộc các công ty vẫn đang còn khả năng có thể duy trì trả lương, còn đối với những công ty “thất thu”, nhiều nhân viên buộc phải chọn giải pháp thôi việc, xin nghỉ vì không thể “vật vờ” đồng hành cùng công ty khi mà nhiều tháng qua không có thu nhập. “Chưa bao giờ lại rơi vào tình trạng khốn cùng như hiện tại, công ty không có khả năng trả lương, chúng tôi đành tìm việc khác dù không đúng chuyên môn, thu nhập thấp còn hơn rơi vào cảnh không có thu nhập khi đang có việc làm”, anh Hùng một cán bộ thiết kế kỹ thuật xây dựng chia sẻ.
Cần có sự “trợ sức” “Tiền thanh toán các công trình không lấy được - không có các công trình mới để thực hiện- nợ lương nhân viên - nợ tiền ngân hàng…” cái vòng luẩn quẩn cứ đeo bám các doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp rơi chưa tìm được hướng ra. “Chúng tôi mong rằng Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho vay vốn để các công ty xây dựng giải quyết bài toán khó khăn trước mắt và cũng mong rằng sẽ có những giải pháp phục hồi thị trường BĐS để các doanh nghiệp xây dựng không bị “kéo lùi” rơi xuống đáy như hiện nay”, ông Trần Trọng Tiến giám đốc công ty xây dựng và dịch vụ thương mại Tuấn Quỳnh đã chia sẻ. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, lương, thưởng người lao động là một trong những yếu tố thể hiện sức khỏe của nền kinh tế. Vì thế, việc nhiều công ty rơi vào tình cảnh chậm lương, nợ lương là vấn đề nghiêm trọng, cần phải có nghiên cứu cụ thể, phân tích rõ ràng để Nhà nước có sự can thiệp, điều chỉnh kịp thời. |