DN trốn đóng bảo hiểm vẫn đều đặn trừ tiền người lao động hàng tháng

Sự kiện: Kinh Doanh

Các DN trốn đóng, nợ bảo hiểm gần 12.000 tỷ đồng, khoảng hơn 2.000 tỷ đồng nợ BHXH của các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, hoặc doanh nghiệp bỏ trốn và không thể thu hồi, quyền lợi của 193.000 người lao động của các doanh nghiệp này cũng bị treo.

Thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng 07/11, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai – cho biết, có không ít doanh nghiệp trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng hàng tháng vẫn đều đặn trừ một khoản tiền lương của người lao động với lý do để đóng BHXH.

Hành vi này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động (NLĐ) mà còn tác động xấu đến sự an toàn, cân đối nguồn quỹ để đảm bảo an sinh xã hội, hướng đến sự phát triển bền vững đất nước.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Cường cho rằng khung pháp lý của chúng ta còn nhiều bất cập, việc thực thi pháp luật trên thực tế chưa nghiêm, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi người lao động.

Điều 10 Hiến pháp năm 2013 quy định công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, đại diện cho người lao động chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Cụ thể hóa quy định này, khoản 1 Điều 88 Bộ luật Lao động quy định công đoàn cơ sở có quyền tham gia hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động. Khoản 8 Điều 10 Luật Công đoàn quy định quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn là đại diện cho tập thể NLĐ khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của tập thể NLĐ bị xâm phạm. Điểm đ, khoản 1 Điều 14 Luật Bảo hiểm xã hội trao quyền cho tổ chức công đoàn khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Tại  khoản 2 Điều 162 Bộ luật Tố tụng dân sự cũng quy định Công đoàn cấp trên của Công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện theo luật trong điều kiện cần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể NLĐ do pháp luật quy định.

DN trốn đóng bảo hiểm vẫn đều đặn trừ tiền người lao động hàng tháng - 1

ĐBQH Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ngoài các quy định về khởi kiện nợ BHXH, Luật BHXH và Luật xử lý vi phạm hành chính quy định xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Bộ Luật hình sự quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động tại Điều 216.

Thực hiện các quy định trên, với phương châm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của NLĐ, các cấp Công đoàn đã tích cực phối hợp với BHXH tiến hành thanh tra, kiểm tra và truy thu nợ BHXH, thông báo số nợ và danh sách các doanh nghiệp dự kiến bị khởi kiện. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết một số doanh nghiệp sau khi nhận được thông báo đã khắc phục số tiền nợ Bảo hiểm.

Tính từ tháng 1/2016 đến nay, tổng số tiền nợ bảo hiểm thu hồi được xấp xỉ 600 tỷ đồng. Về việc khởi kiện nợ bảo hiểm ra tòa án, các cấp Công đoàn đã tiếp nhận 2.705 bộ hồ sơ do cơ quan BHXH chuyển sang, 20 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố đã gửi đơn kiện đến các cấp Tòa án, 187 vụ doanh nghiệp nợ BHXH.

Trong số 187 vụ do Công đoàn khởi kiện, TAND các cấp đã hòa giải 28 vụ, TAND cấp tỉnh thụ lý 2 vụ, 48 vụ trả lại hồ sơ, số còn lại Tòa án không thụ lý giải quyết với 3 nhóm lý do chủ yếu gồm:

Thứ nhất, không có giấy ủy quyền của những người lao động hoặc Công đoàn cơ sở cho Công đoàn cấp trên khởi kiện.

“Điều này thì rất khó vì Công đoàn cơ sở và người lao động không dám ủy quyền cho Công đoàn cấp trên khởi kiện chính doanh nghiệp của mình, nếu làm việc này đồng nghĩa với nguy cơ cao sẽ mất việc làm” ông Bùi Văn Cường cho biết.

Thứ hai, vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và đề nghị xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự; thứ ba, tranh chấp lao động tập thể về quyền, chưa được Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết.

Còn một số vướng mắc trong các quy định của pháp luật dẫn đến việc Tòa án không giải quyết các vụ khởi kiện nợ BHXH đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, làm cho số nợ BHXH tiếp tục gia tăng.

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH, BHYT, BHTN ước khoảng gần 12.000 tỷ đồng, đặc biệt có khoảng hơn 2.000 tỷ đồng nợ BHXH của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, tồn tại cầm chừng, hoặc doanh nghiệp bỏ trốn và không thể thu hồi, nghĩa là quyền lợi của 193.000 người lao động của các doanh nghiệp này cũng bị treo.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, Đại biểu Bùi Văn Cường đề nghị UBTVQH giao Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát các quy định pháp luật hiện hành để xử lý những vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, và BHTN.

BHXH Việt Nam, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, chính quyền các cấp cần làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trốn đóng, nợ BHXH theo thẩm quyền, Chủ tịch UBND cấp huyện quan tâm giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động tập thể về quyền theo quy định của pháp luật. Bộ Công an chỉ đạo Công an các cấp nắm tình hình, phối hợp với công đoàn phát hiện, điều tra để truy tố một số vụ án điểm về hành vi trốn đóng bảo hiểm cho người lao động theo Điều 216 BLHS.

TAND Tối cao hướng dẫn, chỉ đạo TAND các cấp tiếp nhận, thụ lý các vụ Công đoàn khởi kiện về nợ BHXH, sớm đưa ra xét xử một số vụ để răn đe, phòng ngừa, cảnh báo các hành vi tương tự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Tuân (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN