DN thua lỗ, sếp vẫn nhận lương 'khủng'

Hàng loạt tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã bị điểm tên tại văn bản của Kiểm toán Nhà nước về doanh nghiệp báo lỗ nhiều năm, nhưng lương lãnh đạo vẫn rất "khủng".

Dư luận đặt câu hỏi, nếu làm việc không hiệu qủa mà vẫn được hưởng lương cao trở thành "chuẩn giá trị" ở Việt Nam thì xã hội sẽ thế nào? Phải chăng, quy định ngầm "thưởng chia riêng" và "trách nhiệm thì chia chung" đã thành tiền lệ xấu?

Doanh nghiệp than lỗ, lương "khủng" ở đâu ra?

Trong 2 năm 2011- 2012, tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có gần 20 vị Chủ tịch, Tổng giám đốc hưởng thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Mức thu nhập "khủng" này gấp 4-5 lần so với thu nhập bình quân chung của các lãnh đạo khối doanh nghiệp Nhà nước và gấp vài chục lần so với lương của người lao động.

Tính đến cuối năm 2011, tổng các khoản lỗ lũy kế của 13 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lên tới 48.988 tỷ đồng. Mức lỗ bình quân của các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước cao gấp 12 lần các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Tổng lỗ lũy kế của các tập đoàn, tổng công ty đến hết năm 2011 là 26.100 tỷ đồng. Trong đó, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đóng góp 78% số lỗ này khi lỗ lũy kế tới 38.104 tỷ đồng. Theo báo cáo, EVN lỗ do sản xuất kinh doanh điện là 11.437 tỷ đồng và lỗ 26.667 tỷ đồng vì chênh lệch tỷ giá

DN thua lỗ, sếp vẫn nhận lương 'khủng' - 1

Nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước báo cáo lỗ nhiều năm nhưng lương lãnh đạo cao chót vót - Ảnh minh họa.

Vào cuối năm 2012, 13 tập đoàn, tổng công ty lỗ lũy kế 48.988 tỷ đồng năm ngoái. Trong đó, EVN vẫn là "quán quân" với khoản lỗ 38.104 tỷ đồng, tiếp theo là Vinalines, Petrolimex, Xăng dầu Quân đội... Thời gian gần đây, mỗi khi cơ quan kiểm toán "sờ gáy" dường như tập đoàn, tổng công ty nào cũng có vấn đề. Lãnh đạo của tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) trong 2 năm qua đều đứng thứ 10-15 trong số những lãnh đạo tập đoàn thu nhập cao với con số "khoảng" 1-1,2 tỷ đồng. Riêng lương, thưởng của lãnh đạo năm 2012 tăng 14% - 73%. Khá dễ hiểu cho mức lương, thưởng tăng cao vì đây là đơn vị có lãi lớn, lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu đạt 22,95%. Song, khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc thì việc sử dụng vốn của Vinachem cũng bị "soi" ra nhiều vấn đề.

Trong khi bản thân đang phải đi vay ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh thì tập đoàn này lại cho nhiều cá nhân, tổ chức khác vay hàng tỷ đồng. Ví dụ như công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam cho Cảng Việt Trì vay 7 tỷ đồng, công ty CP phân lân Văn Điển cho công ty Cơ khí hóa chất Hà Bắc vay 2,2 tỷ đồng. Cơ quan kiểm toán nhìn nhận, việc này đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Năm 2011, kiểm toán cho biết các khoản đầu tư chứng khoán của Vinachem đều thua lỗ, phải trích lập dự phòng cao. Ví dụ như công ty mẹ Vinachem góp vốn vào công ty CP chứng khoán VICS 22 tỷ đồng, phải trích lập dự phòng 18,5 tỷ đồng, mua cổ phần của tổng công ty CP Bảo Minh 16 tỷ đồng, phải trích lập dự phòng 5,6 tỷ đồng. Tại thời điểm kiểm toán, công ty mẹ Vinachem chưa thoái vốn các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm theo quy định.

Bên cạnh đó, rất nhiều vị "sếp" của các tập đoàn, tổng công ty khác chỉ được hưởng mức thu nhập trung bình và thấp vì kết quả kinh doanh kém như "sếp" của tổng công ty Thép, tổng công ty Cà phê Việt Nam, thu nhập chỉ có 35 -45 triệu đồng/tháng, hay như sếp của tổng công ty Giấy Việt Nam, thu nhập trung bình 24 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập của các vị này chỉ bằng 1/6 so với "bảng xếp hạng" lương thưởng tiền tỷ trên.

“Có tóc”nhưng... “khó túm”

Trao đổi với PV, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: "Tại Việt Nam, lương tiền tỷ không còn là chuyện lạ. Nhất là ở thời buổi cạnh tranh kinh doanh khốc liệt, vấn đề nhân sự chất lượng cao, làm quản lý luôn là bài toán đau đầu cho các ông chủ. Sau sự kiện lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích ở TP.HCM có thu nhập tiền tỷ bị xử lý, lại đến lãnh đạo một tổng công ty xây dựng có lương, thưởng cả tỷ đồng khi doanh nghiệp kinh doanh khó khăn còn công nhân thì bị nợ lương, bảo hiểm. Xem ra, các "sếp" doanh nghiệp Nhà nước có lương thưởng tiền tỷ còn nhiều người... chưa bị lộ diện".

Cũng theo TS. Doanh: "Có thực tế trên là do sự giám sát (giám sát nội bộ và giám sát bên ngoài-PV) chưa chặt chẽ. Theo tôi, việc các đơn vị báo cáo lỗ nhưng thu nhập của lãnh đạo lại cao ngất ngưởng- tình hình này rất nghiêm trọng. Theo thông tin gần đây của bộ Tài chính, trong năm nay, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước không đóng góp được nhiều cho ngân sách. Trong khi đó, sự hưởng thụ của các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty... quá cao. Chúng ta cần đặt câu hỏi, quy định về lương thưởng như thế nào? Vì sao, báo cáo thì lỗ nhưng lương thì "khủng". Chúng ta cần phải có câu trả lời về việc này. Các bộ chủ quản cũng như bộ Tài chính, LĐ,TB&XH- những nơi chịu trách nhiệm thực thi các quy định của pháp luật có trách nhiệm gì trong việc này?".

Nhận định về sự chênh lệch mức lương của các lãnh đạo tại các tập đoàn, tổng công ty, theo TS.Doanh, giữa cơ chế và thực tiễn có vênh nhau. Ở mỗi tập đoàn, tổng công ty có quy định và sự vận dụng khác nhau. Vì thế, cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự kiểm soát và xem xét xem vì sao có mức chênh lớn như vậy (trong khi Nhà Nước đã có quy định cụ thể-PV). Sự giám sát của các cơ quan cấp trên như thế nào? Lương, thưởng phải gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ngược lại, khi không hoàn thành công việc, những nhân sự cấp cao kia có thể bị đuổi việc, cách chức tức thì".

Một lãnh đạo bộ LĐ- TB&XH cho biết, các vị lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty chỉ được hưởng tăng lương khi đạt đủ các yếu tố: Lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, không thua lỗ; hai là năng suất lao động tăng; thứ ba là nộp ngân sách tăng... Nhưng theo tìm hiểu của PV, thực tế kết quả kinh doanh tại các tổng công ty, tập đoàn... đi ngược lại các tiêu chí đó. Theo kết quả kiểm toán, một số lãnh đạo tại các tổng công ty, tập đoàn có lương cao là do đầu tư ngoài ngành; đem vốn vay ưu đãi ngân hàng của doanh nghiệp mình cho đơn vị khác vay với lãi cao hơn; mua sắm tài sản không đúng quy định để hưởng hoa hồng, sai phạm trong tài chính...

ĐBQH Nguyễn Thị Khá đặt câu hỏi: "Trách nhiệm của cơ quan quản lý các doanh nghiệp này đặt ở đâu? Các cơ quan kiểm toán, thuế không thấy có điều gì bất thường hay sao? Tất cả những điều bất thường ấy khiến cho người dân phải đặt ra câu hỏi: Liệu có lợi ích nhóm hay không? Phải chăng, những người "có tóc"... nhưng "khó túm?".

Quay trở lại vụ việc lương "khủng" của 4 giám đốc doanh nghiệp công ích tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng, lương, thưởng, hay phụ cấp cũng chỉ là chữ nghĩa trên giấy, vì bản chất vẫn là họ rút tiền từ một nơi ra. Chính phủ đã có quy định rất rõ ràng về việc áp dụng mức lương và cao nhất cũng chỉ tới 36 triệu đồng/tháng và kinh doanh có lãi thì được thưởng thêm nhưng cũng không quá 1,5 lần. Trong khi đó, các doanh nghiệp công ích này, bản chất là họ không được phép lợi dụng pháp nhân để thu lợi nhuận từ tiền đóng góp của dân, đó là chưa kể những doanh nghiệp công ích này còn có thể đang được hưởng nhiều chế độ ưu đãi của Nhà nước. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, cần kiểm tra lại doanh nghiệp Nhà nước ở tất cả các tỉnh để làm minh bạch lương tiền tỷ với doanh thu của đơn vị đó.

Theo khảo sát của bộ LĐ-TB&XH, đối với các lãnh đạo ở doanh nghiệp Nhà nước nói chung, mức tiền lương bình quân cho viên chức quản lý năm 2011 chỉ khoảng 25-30 triệu đồng/tháng. Trong đó, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc khoảng 30-35 triệu đồng/tháng. Thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, kế toán trưởng khoảng 20-28 triệu đồng/tháng. Tính theo năm, mỗi viên chức này chỉ hưởng lương từ 240 đến 420 triệu đồng/năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Hạnh – Ngân Giang (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN