DN tài chính có tỉ lệ nợ xấu cao nhất

Đó là ý kiến chung của các đại diện ngân hàng tại TP.HCM trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khảo sát về tình hình thực hiện chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chín tháng đầu năm 2013 vào chiều 14-10.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết trong chín tháng năm 2013, tổng nợ xấu chiếm gần 6% tổng dư nợ tín dụng tại TP.HCM. Trong đó, nhóm nợ có khả năng mất vốn chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng nợ xấu chiếm khoảng 69%. Phân tích của khối ngân hàng thì khối các công ty tài chính, cho thuê tài chính có tỉ lệ nợ xấu cao nhất, trên 44%; khối ngân hàng nước ngoài có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất chỉ dưới 3%. Đặc biệt, nợ xấu tập trung vào các DN bất động sản, tiêu dùng và một nhóm nhỏ các DN nhỏ và vừa. Hiện có ba hướng giải pháp nợ xấu chủ yếu là sử dụng quỹ dự phòng rủi ro; thu nợ bằng tiền mặt và xử lý tài sản bảo đảm nợ vay.

Tuy nhiên, theo nhiều ngân hàng, xử lý nợ xấu kiểu nào cũng gặp khó khăn. Đại diện Ngân hàng Agribank - Chi nhánh TP HCM cho biết vướng mắc khâu thi hành án không xử lý được nợ xấu, mất nhiều thời gian, tài sản thì không bán được vậy là ngân hàng phải chờ, khó mà thu hồi được nợ.Ông Bùi Tấn Tài, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, cho hay hiện nay hồ sơ bán đấu giá tài sản để ngân hàng thu hồi nợ xấu kéo dài 3-4 năm có khi đến 10 năm đều xảy ra ở hầu hết các ngân hàng. Khi ngân hàng phát mại tài sản, nếu tài sản không bán được, ngân hàng muốn thu hồi tài sản đó cũng bị vướng, một số tỉnh, thành khác thì cho phép còn TP.HCM lại không.

Với tỉ lệ nợ xấu mức thấp ở thời điểm này là 1,7%, đại diện Vietcombank chia sẻ cách xử lý nợ xấu là phải thẳng tay khai tử những DN không thể sống được nữa. Còn những DN có hướng kinh doanh tốt thì sẵn sàng giúp đến cùng chứ bỏ họ nửa chừng thì ngân hàng lại mang nợ xấu.

Buổi họp cũng “nóng” lên với tình hình cho vay nhà ở xã hội với gói tín dụng 30.000 tỉ đồng khi Ngân hàng Nhà nước báo cáo số lượng khách hàng cá nhân tiếp cận được vay vốn chỉ có 137 khách hàng, số tiền giải ngân mới chỉ 22,6 tỉ đồng. Các ngân hàng đều cho biết có nguyên nhân nằm ở văn phòng công chứng không đồng ý công chứng đối với hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai do chưa có quy định về loại hình thế chấp này. Ngoài ra, việc chứng minh thu nhập thấp rất khó chứng nhận. Việc chuyển đổi công năng nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội cũng không được cho phép.

TS Trần Du Lịch, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, thừa nhận thủ tục hành chính hiện nay còn quá rắc rối, nhiêu khê khiến nợ xấu cũng bí cách xử lý, nhà ở xã hội cho người dân cũng triển khai chậm. Ông đồng tình với kiến nghị của các ngân hàng về hướng xử lý những khó khăn trên là kích cầu tiêu dùng, kích cầu xuất khẩu, chính sách hỗ trợ DN thì mới giải quyết được vấn đề. Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay 2%-3%/năm, kiểm soát nợ xấu dưới 3%, cố gắng đạt mức tăng trưởng tín dụng 10%-12%

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN