DN "có cửa" vay lãi suất 0%/năm
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM “có cửa” vay vốn giá rẻ, thậm chí với lãi suất 0%/năm nhưng chưa biết cách “gõ” đúng nơi, đúng chỗ…
Lãi suất ngân hàng tuy đã giảm nhiệt nhưng vẫn còn quá sức chịu đựng của DN. Tuy nhiên, nhiều DN trên địa bàn TP. HCM “có cửa” vay vốn giá rẻ, thậm chí với lãi suất 0%/năm lại chưa biết cách “gõ” đúng nơi, đúng chỗ…
Một trong những địa chỉ cung cấp vốn vay giá rẻ cho DN là Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM (HFiC) - một tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc UBND TP. HCM. Nhằm đẩy mạnh việc triển khai chương trình kích cầu thông qua đầu tư đến từng DN, thời gian gần đây định chế này liên tục tổ chức những cuộc trao đổi với các DN để giới thiệu nguồn vốn giá rẻ trong Chương trình kích cầu thông qua đầu tư của TP. HCM.
Tại Hội thảo giới thiệu chương trình kích cầu thông qua đầu tư tại TP. HCM sáng 22/5, ông Diệp Dũng, Tổng giám đốc HFiC cho biết, đối tượng được vay theo chương trình của Công ty là tất cả các pháp nhân kinh tế trong nước có dự án đầu tư tại TP. HCM. Thậm chí, các dự án đầu tư qua Lào và Campuchia do DN tại TP. HCM triển khai theo đúng định hướng cũng được hỗ trợ cho vay. Hiện có hai mức hỗ trợ cho DN là 100% lãi suất và 50% lãi suất. Những dự án đầu tư, sản xuất công nghệ cao, cơ khí điện tử, đầu tư máy móc cơ khí điện tử, sử dụng công nghệ mới, dự án xây dựng ký túc xá cho sinh viên, xây dựng, xử lý chất thải tại các bệnh viện, khu công nghiệp được Thành phố hỗ trợ 100% lãi vay. Các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác, dự án đầu tư nội địa hóa lắp rắp ô tô, đầu tư sản xuất các loại động cơ, đổi mới thiết bị công nghệ cho các ngành vật liệu mới…, được Thành phố hỗ trợ 50% lãi suất.
Nhiều DN trên địa bàn TP. HCM “có cửa” vay vốn giá rẻ
Được biết, chương trình kích cầu thông qua đầu tư tại TP. HCM ra đời từ năm 2000, nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn còn rất nhiều DN không hề biết đến chương trình này và nếu có nghe nói thì cũng còn rất “mơ màng”.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP. HCM thừa nhận, nhiều DN trên địa bàn Thành phố không biết gì về chương trình này, trong khi đó những DN mà ông tiếp cận đều là những DN thuộc diện hỗ trợ của chương trình. Ngoài những nguyên nhân khiến việc tiếp cận vốn kích cầu theo Quyết định 33 của UBND TP. HCM còn hạn chế như: chương trình chưa được phổ biến rộng rãi, các DN không biết lập dự án để xin vay (trong khi đó, HFiC có hẳn một công ty tư vấn các dự án)…, thì hạn xét duyệt hồ sơ cũng là trở ngại lớn cho DN cần vốn.
“Việc xét duyệt hồ sơ đầu tiên phải qua HFiC thẩm định, sau đó còn trình các ban, ngành, đoàn thể của Thành phố. Mặc dù đã có quy định, sau 7 ngày mà các bộ phận liên quan không trả lời là coi như đồng ý, nhưng nói thì nói vậy nhưng cũng chưa thực hiện được. Sau 7 ngày mà các đơn vị xét duyệt chưa trả lời thì DN cũng vẫn phải chờ”, ông Hưng nói.
Ngoài những vướng mắc trên, các DN cũng cho rằng, tiêu chuẩn hỗ trợ các đối tượng chưa công bằng. Chẳng hạn, ngành cơ khí chính xác mang tính chất đầu nguồn, vốn cần được ưu đãi lớn mà chỉ được hỗ trợ 50% lãi suất là chưa thỏa đáng nếu so với những ngành được hỗ trợ 100% lãi suất. “Nếu được hỗ trợ 50% lãi suất thì lãi vay mà DN ngành này phải trả là 7%/năm (nếu tính lãi suất cho vay trung bình là 14%/năm). Mức này cũng vẫn còn rất cao, bởi lãi suất cho vay đối với ngành cơ khí chính xác được các nước xung quanh áp dụng ở mức không đáng kể, trong khi Việt Nam đang cần phát triển mạnh ngành này. Vì vậy, những ngành trên nên được hỗ trợ 100% chứ không chỉ 50% lãi suất”, ông Hưng kiến nghị.
Bên cạnh đó, theo ông Vòng A Lộc, Trưởng phòng kế hoạch tài chính, Sở Công thương TP. HCM, cần phải hỗ trợ chung cho các DN cơ khí chứ không nên phân ra cơ khí nói chung thì được hỗ trợ 100%, còn những DN cơ khí chính xác và cơ khí đúc khuôn mẫu chỉ được hỗ trợ 50% lãi suất. Thậm chí, có những ngành cơ khí khá chuyên biệt như sản xuất liên quan đến cấp thoát nước (van nước, vòi nước…) lại chưa được hỗ trợ. “Những quy định như vậy khiến Sở khá lúng túng khi trả lời thắc mắc của DN”, đại diện Sở Công thương nói. Thực tế, cơ khí chỉ là 1 trong 4 ngành gặp phải những vướng mắc khi tiếp cận chương trình ưu đãi đầu tư. Chẳng hạn như hiện chưa có tiêu chuẩn rõ ràng thế nào là ngành sản xuất vật liệu mới chất lượng cao để hỗ trợ. “Nếu hỏi tôi, tôi cũng không biết, mà vào google tìm kiếm cũng không rõ”, ông Phạm Ngọc Hưng chia sẻ.
Theo ông Hưng, nguồn vốn cho Chương trình kích cầu tại TP. HCM có khoảng 8.000 tỷ đồng và đã hỗ trợ cho khoảng 170 dự án, nên số tiền còn lại cũng không quá nhiều, nên DN nào có kế hoạch vay thì nên nhanh chân hơn. “Đồng thời, phải kiên quyết thực hiện quy định 7 ngày cho các bộ phận liên quan trả lời và thống nhất rằng, sau 7 ngày, đơn vị nào không trả lời coi như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về sự đồng ý đó”, ông Hưng nói.
Ông Diệp Dũng cho biết, những khó khăn, vướng mắc của DN thuộc diện được ưu đãi lãi suất sẽ được cơ quan quản lý xem xét sửa đổi. Hy vọng rằng, sau hội thảo này, sẽ có nhiều DN nắm được chương trình ưu đãi lãi suất của Thành phố để tiếp cận.
“Những khó khăn về thủ tục, hồ sơ vay vốn sẽ được một đơn vị hỗ trợ tư vấn của HFiC tư vấn cho DN”, ông Dũng khẳng định.