Điều xảy ra khi thuế môi trường với xăng tăng kịch khung?
"Nếu neo mức chịu thuế BVMT với xăng ở 4.000 đồng/lít, nó sẽ trở thành một mức cố định để làm giá xăng luôn luôn cao. Điều này ngay lập tức sẽ ảnh hưởng tới giá cả của các mặt hàng khác", TS. Ngô Trí Long cho biết.
Từ 1.1.2019 thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên kịch khung 4.000 đồng/lít (tăng 1.000 đồng so hiện tại), với dầu hoả là 1.000 đồng/lít (tăng 700 đồng so với hiện tại), dầu diesel là 2.000 đồng (tăng 500 đồng so hiện tại)…Điều gì sẽ xảy ra khi tăng thuế môi trường với xăng dầu lên kịch khung?
PGS. TS. Ngô Trí Long: “Làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp”
Bản thân mỗi lít xăng đã phải chịu rất nhiều loại thuế và phí. Trong khi đây lại là vật tư chiến lược đầu vào của nền kinh tế, tác động mạnh đến mọi mặt hàng sản xuất và tiêu dùng, ảnh hưởng đời sống người dân. Nếu neo mức chịu thuế BVMT với xăng ở 4.000 đồng/lít, nó sẽ trở thành một mức cố định để làm giá xăng luôn luôn cao. Điều này ngay lập tức sẽ ảnh hưởng tới giá cả của các mặt hàng khác.
Trong bối cảnh hiện nay, năng lực cạnh tranh của ngành, sản phẩm trong nước yếu, nếu đánh thuế BVMT cao như vậy thì chắc chắn sẽ tác động đến sự cạnh tranh của doanh nghiệp, vì xăng dầu là loại vật tư rất quan trọng đối với mọi ngành trong nền kinh tế quốc dân.
Vô hình chung khi đánh thuế môi trường cao sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong khi khả năng cạnh tranh của họ còn rất yếu. Ngoài ra, cũng ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, mặc dù hiện thu nhập bình quân của nước ta đã ở ngưỡng trung bình nhưng vẫn là mức trung bình thấp của thế giới. Nếu đánh thuế trong khi mức sống của người dân còn thấp là điều không nên.
TS. Bùi Trinh: “Tăng thuế sẽ gây méo mó thị trường”
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống, là đầu vào của tất cả các ngành sản xuất trong nền kinh tế. Tuy nhiên, xăng dầu lại là hàng hóa tương đối đặt biệt, có độ co giãn cầu cung nhỏ. Nghĩa là trong ngắn hạn, việc tăng thuế chỉ tác động nhỏ tới lượng tiêu dùng trên thị trường. Do đó, mặt hàng này có tăng giá như thế nào thì người dân và doanh nghiệp vẫn phải sử dụng.
Nhìn vào bối cảnh chung, toàn dân phải chịu thêm gánh nặng thuế, trong khi ngân sách nhà nước lại thất thu do những ưu đãi thuế với các sản phẩm nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập.
Tăng thuế xăng dầu sẽ tác động lên toàn bộ hệ thống sản xuất, làm tăng chỉ số giá sản xuất (PPI), tăng chi phí sản xuất. Từ đó, sẽ gây tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đây là ảnh hưởng trực tiếp.
Còn ảnh hưởng lan tỏa là khi thành phần kinh tế sau nhận sản phẩm, nguyên liệu đã được thành phần kinh tế trước đó tăng giá do mức thuế tăng lên, họ phải chịu nhiều chi phí hơn nên sẽ tìm cách san sẻ, đẩy khoản chi phí tăng lên này cho những đối tượng khác cùng gánh chịu. Vậy Bộ Tài chính khi đề xuất tăng thuế đã tính tới trường hợp này chưa? Kết quả của hoạt động tăng thuế này sẽ gây méo mó thị trường.