Điều tra dàn xếp tỉ giá ngân hàng
Sau khi phanh phui vụ bê bối dàn xếp tỉ giá ngân hàng ở Tập đoàn tài chính Barclays của Anh, các cuộc điều tra đang được mở rộng toàn cầu.
Ngày 6-7, Anh chính thức điều tra vụ bê bối mà đến nay đã làm ba lãnh đạo của Tập đoàn tài chính Barclays phải từ chức. Chính quyền Đức cũng mở cuộc điều tra tương tự với Ngân hàng Deutsche, trong khi nhiều nước khác đang xem xét lại hàng chục ngân hàng bị nghi có liên quan.
AFP dẫn lời Cơ quan Điều tra gian lận nghiêm trọng của Anh (SFO) xác nhận cuộc điều tra sẽ làm rõ vụ thao túng lãi suất liên ngân hàng London (Libor). Libor là lãi suất cho vay giữa các ngân hàng và đóng vai trò quan trọng đối với thị trường toàn cầu bởi ảnh hưởng đến các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân muốn vay tiền. Libor được coi là mốc để xác định lãi suất của hàng ngàn tỉ USD giao dịch trên toàn cầu. Thế nhưng suốt thời gian tình hình tài chính căng thẳng từ năm 2006-2008, lãi suất Libor đã không còn phản ánh đúng chi phí thực tế mà các ngân hàng trả cho các quỹ tài chính.
SFO không nêu cụ thể ngân hàng nào bị điều tra. Tuy nhiên, cuộc điều tra trước đó của cơ quan giám sát tài chính Anh và Mỹ, trong đó Barclays bị phạt đến 450 triệu USD, đã cho thấy sai phạm diễn ra tại nhiều ngân hàng lớn khác.
Buộc tội hình sự
Ba lãnh đạo cấp cao của Barclays, trong đó có tổng giám đốc điều hành Bob Diamond, đã từ chức tuần qua khi làn sóng bê bối Libor quét qua ngân hàng này. Khoản phạt gần nửa tỉ USD dành cho Barclays sau khi các giao dịch viên của tập đoàn tài chính này bị phát hiện đã chỉnh sửa các tỉ lệ lãi suất Libor và Euribor (một hình thức lãi suất liên ngân hàng của khu vực đồng euro) để thu nhiều lợi hơn. Từ năm 2005-2009, các giao dịch viên của Barclays đã 257 lần điều chỉnh các lãi suất này. Theo các điều tra viên, Barclays cũng thao túng lãi suất suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 để che giấu nghi ngờ rằng ngân hàng này đang gặp khó khăn. Phát biểu trong buổi điều trần trước Chính phủ Anh mới đây, ông Diamond thừa nhận hành động của những người có liên quan là “đáng khiển trách”.
Cựu tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Barclays Bob Diamond điều trần về vụ thao túng tỉ giá liên ngân hàng London tại thủ đô London, Anh ngày 4-7
Tuy nhiên, sự tham gia của SFO còn mở ra khả năng truy tố hình sự và án tù cho các cá nhân chịu trách nhiệm trong vụ việc. Tại Anh, hành vi thao túng tỉ giá không bị truy tố hình sự là một vấn đề khiến các chính trị gia tức giận. Cơ quan Giám sát tài chính của Anh (SFA) cho biết đang xem xét khả năng truy tố hình sự và điều này có thể mất một tháng. Giới chuyên gia nhận định các cơ quan hành pháp có thể đẩy nhanh các tiến trình, trong khi SFO phải chứng tỏ khả năng phản ứng nhanh của mình nếu không muốn bị chỉ trích do “có rất nhiều người đang tức giận”.
Bộ Tài chính Anh tuyên bố rất hoan nghênh cuộc điều tra của SFO và khẳng định “SFA đã tiến hành một cuộc điều tra chi tiết nên SFO có cơ hội đưa cuộc điều tra đi xa hơn”. Danny Alexander, một lãnh đạo của Bộ Tài chính, nhấn mạnh “sẽ đảm bảo mọi nguồn lực cần thiết để điều tra toàn diện vụ việc” nhằm giúp “SFO lần theo mọi chứng cứ và truy tố”.
Vụ bê bối dàn xếp tỉ giá không chỉ làm xấu danh tiếng trung tâm tài chính thế giới của London mà còn ảnh hưởng đến chính trường Anh.
Điều tra toàn cầu
Barclays là ngân hàng đầu tiên thừa nhận hành vi thao túng lãi suất Libor, nhưng nhiều người tin rằng đây không phải là ngân hàng duy nhất. Thậm chí có ý kiến nghi ngờ liệu Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có tham gia khuyến khích Barclays can thiệp vào tỉ giá Libor hay không. Phó thống đốc BoE Paul Tucker sẽ ra điều trần vào ngày 9-7 về việc đưa ra “hướng dẫn” điều chỉnh giá cho Barclays.
Reuters ngày 7-7 dẫn hai nguồn giấu tên đưa tin Cơ quan Giám sát tài chính Liên bang Đức (BaFin) đã tiến hành “điều tra đặc biệt” đối với Ngân hàng Deutsche và nhiều khả năng sẽ đưa ra kết quả giữa tháng 7-2012. BaFin xác nhận đang xem xét nghi vấn thao túng lãi suất Libor của các ngân hàng. Ngân hàng Deutsche từ chối phát biểu, nhưng báo cáo quý mới đây của ngân hàng này cho biết họ đã nhận được trát hầu tòa và yêu cầu cung cấp thông tin từ các quan chức Mỹ và châu Âu liên quan đến vụ dàn xếp tỉ giá Libor.
Không chỉ Anh, chính quyền Đức, Mỹ, Nhật Bản và Canada cũng đang xem xét lại hơn chục ngân hàng lớn nghi ngờ liên quan đến vụ bê bối Libor.