Điều tồi tệ nhất 2012 đến với Phố Wall

Phố Wall có phiên giao dịch tồi tệ nhất năm 2012 khi tăng trưởng việc làm chậm lại.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 04/05/2012, chỉ số Dow Jones nới rộng đà giảm với mức giảm 168,32 điểm, tương ứng 1,27%, dừng ở mức 13.038,27 điểm. Trong số 30 cổ phiếu đang niêm yết tại đây, cổ phiếu của BofA và Cisco dẫn đầu đà giảm.

Chỉ số S&P 500 giảm 22,47 điểm, tương ứng 1,61%, đóng cửa ở mức 1.369,10 điểm, phiên giảm mạnh nhất từ thấng 12 năm ngoái. Chỉ số này tiếp tục đứng dưới ngưỡng quan trọng 1.400 điểm. 9 trong số 10 chỉ số ngành trên S&P 500 đi xuống. Cổ phiếu ngành viễn thông và công nghệ dẫn đầu đà giảm.

Cổ phiếu ngành năng lượng cũng có màn trình diễn vô cùng yếu kém khi chỉ số ngành giảm 2,2% do lo ngại nền kinh tế suy yếu sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng dầu suy giảm. Giá dầu đã rơi 4%, xuống dưới 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 2.

Chỉ số Nasdaq rơi 67,96 điểm, tương ứng 2,25%, kết thúc tuần ở mức 2.956,34. Chỉ số này đã mất ngưỡng quan trọng 3.000 điểm.

Chỉ số CBOE Volatility Index, VIX, chỉ số đo mức độ sợ hãi của các nhà đầu tư, tăng vọt lên gần 19 điểm.

Điều tồi tệ nhất 2012 đến với Phố Wall - 1

Phố Wall có phiên giao dịch tồi tệ nhất năm 2012 khi tăng trưởng việc làm chậm lại.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,44%, chỉ số S&P 500 2,44%, chỉ số Nasdaq rơi 3,68%. Cổ phiếu của BofA có đà giảm mạnh nhất tuần trên Dow Jones, trong khi cổ phiếu của Merck dẫn đầu đà tăng.

Mặc dù suy giảm nhưng so với vùng đáy thấp nhất 12 năm kể từ tháng 3/2009, chỉ số S&P 500 đã tăng gấp đôi nhờ sự tác động của Chính phủ vào nền kinh tế và lợi nhuận được cải thiện của các công ty niêm yết.

Bản báo cáo việc làm mới được công bố của Mỹ là nguyên nhân chính nhấn chìm Phố Wall. Cụ thể, báo cáo công bố hôm thứ Sáu cho thấy lượng thuê lao động giam tháng thứ 3 liên tiếp. Chỉ có 115.000 việc làm được tạo thêm trong tháng Tư, thấp hơn nhiều so với dự báo 170.000 việc làm trước đó.

Nhà đầu tư chứng khoán sớm nghĩ tới số liệu việc làm dưới dự báo nhưng thực tế còn thấp hơn cả những dự báo bi quan nhất.

Todd Schoenberger, quản lý tại The BlackBay Group nhận xét: “Thật dễ thấy nhà đầu tư đang nghi ngờ về sự phục hồi của nền kinh tế. Bạn dễ dàng nhận thấy điều đó qua những bản báo cáo này. Tỷ lệ việc làm đã giảm, số giờ làm trung bình cũng giảm. Nếu bạn đủ may mắn kiếm được việc làm, nguy cơ giảm thu nhập vẫn rất cao”.

Bruce Bittles, chiến lược gia đầu tư trưởng của Robert W. Baird & Co ở Nashville cho biết: “Khi bước vào quý II, chúng ta nghĩ thị trường sẽ điều chỉnh nhẹ vì nó đang trong tình trạng quá mua, quá tin tưởng. Và khi nền kinh tế không được cải thiện, tình trạng đó vẫn có thể xảy ra”.

“Mọi người đang quá lạc quan về châu Âu. Họ cho rằng suy thoái kinh tế chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nữa thôi nhưng tôi nghĩ suy thoái vẫn kéo dài và sâu rộng”.

Kinh tế khu vực đồng euro đã trở nên tồi tệ rõ rệt hơn trong tháng Tư, đưa đến nguy cơ của một cuộc suy thoái sâu sắc hơn đã đổ thêm dầu vào tâm trạng bi quan của nhà đầu tư.

Sắc đỏ cũng loang rộng trên thị trường chứng khoán châu Âu. Chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 2,4% xuống mức 253 điểm trong tuần. Đây là mức trượt giảm mạnh nhất trong 1,5 tháng trở lại đây. Tuần trước, Stoxx Europe 600 tăng 0,5%. Chỉ số này đã để mất 7,1% ở mức cao của năm 2012 vào ngày 16/3.

15 trong số 18 thị trường chứng khoán Tây Âu đồng loạt giảm điểm. Trong đó, chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh, chỉ số CAC 40 của thị trường Pháp giảm 2,1%. Chỉ số DAX của Đức giảm 2,6%, mức giảm mạnh nhất năm nay.

Tuần sau, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đón nhận nhiều thông tin vĩ mô quan trọng như số liệu thế chấp ngân hàng, giao dịch bán lẻ, lượng dầu tồn kho, phiên đấu giá trái phiếu 10 năm, các phát biểu của FED.

Ngoài ra, báo cáo lợi nhuận của các hãng lớn như Toyota, AOL, Dean Foods, Macy's, Cisco, Activision Blizzard, NewsCorp, Priceline.com được dự báo cũng ảnh hưởng lớn tới thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN