Điều hành ngân sách như đi trên dây
Nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016-2020 vượt quá khả năng cân đối nguồn lực. Có nhiều dấu hiệu khó khăn về nợ công cần được phân tích
Bộ Giao thông Vận tải là một trong những đơn vị có khả năng không còn nguồn vốn để khởi công mới. Trong ảnh: Công trình đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu GiâyẢnh: Tấn Thạnh
Ngày 7-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên cuối cùng của nhiệm kỳ với các nội dung: cho ý kiến các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn và sử dụng đất trong 5 năm (2016-2020)…
Sẽ thiếu tiền đầu tư
Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn này là 1,846 triệu tỉ đồng (gồm đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết và bội chi ngân sách địa phương sẽ đưa vào cân đối NSNN theo Luật NSNN năm 2015, không bao gồm 260.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ).
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN do các bộ, ngành và địa phương đề xuất khoảng 4 triệu tỉ đồng (gấp 20,5 lần kế hoạch năm 2015; gấp 2,1 lần khả năng cân đối vốn 5 năm 2016- 2020 là 1,846 triệu tỉ đồng).
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết tổng vốn ngân sách trung ương 5 năm tới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu đầu tư của cả nước. Số vốn ứng trước chưa bố trí được nguồn thanh toán còn khá lớn so với khả năng cân đối vốn NSNN trong 5 năm tới. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng lo ngại nhiều nơi sẽ không còn nguồn để khởi công mới như Bộ Giao thông Vận tải, các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận…
Trong khi đó, trình bày báo cáo của Chính phủ về kế hoạch tài chính giai đoạn 2016 -2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết chỉ tiêu nợ Chính phủ vượt giới hạn cho phép (50% GDP) chủ yếu do GDP thực tế theo giá hiện hành năm 2015 giảm mạnh. Mặt khác, do sức ép về đầu tư từ nguồn vốn vay trong thời gian qua quá lớn cùng việc điều chỉnh tỉ giá thời gian qua.
Đại diện cơ quan Chính phủ lo ngại nếu duy trì tỉ lệ bội chi NSNN và hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ theo phương án hiện hành sẽ dẫn đến việc chỉ tiêu nợ công trên GDP vượt trần trong các năm 2016-2017. Trong khi đó, khó có thể thực hiện phương án nâng trần nợ công mà Chính phủ đã đặt ra đến năm 2020 là không quá 65% GDP.
“Mấy năm nay, điều hành ngân sách như kiểu đi trên dây. Năm 2016 tiếp tục đi trên dây. Cứ tình hình này kéo sang năm 2017, dây mà đứt thì chúng ta chết” - ông Dũng ví von.
Không thể tăng thuế để bù thu
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kế hoạch tài chính giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá các chỉ số tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn “trong giới hạn an toàn cho phép” song dư nợ Chính phủ đã vượt trần và có nhiều dấu hiệu khó khăn trong nợ công cần được Chính phủ phân tích, làm rõ.
Ủy ban thẩm tra khẳng định vẫn còn tình trạng bố trí kinh phí dàn trải, sử dụng lãng phí, thiếu hiệu quả, sai quy định, định mức chi còn xảy ra ở một số nơi. Nhiều dự án vay ưu đãi của nước ngoài phải gia hạn, điều chỉnh kế hoạch và tiến độ rất chậm. Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính; đồng thời, phải có chiến lược dài hạn trong việc huy động, quản lý, sử dụng và kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng cần xem Quốc hội có quyết nâng mức trần nợ công của Chính phủ từ 50% lên 55% hay không bởi trước đây quyết là 50% nhưng bây giờ đã 50,3%. “Nếu chúng ta vẫn khống chế mức trần nợ công 50% như cũ thì buộc phải giảm bội chi. Đã giảm bội chi thì phải tăng thu. Phải điều chỉnh bằng chính sách thuế, các chính sách thuế nào hoãn, giảm thì xem xét lại mới cân đối được và giữ được bội chi. Không tính toán kỹ thì chúng ta sẽ khó khăn nếu tốc độ tăng trưởng không đạt 6,5%-7%” - ông Hiển phân tích.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng bội chi phải giữ đến năm 2020 là khoảng 4%. Tuy nhiên, ông không đồng ý với việc tăng thuế trong tình hình hiện nay.
Cũng liên quan đến vấn đề tăng thu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng nếu không điều chỉnh 8 chính sách thuế thì số thu sẽ giảm 450.000 tỉ đồng. “Vừa qua, giá dầu giảm nên thu nội địa đã tăng gấp 2 lần rồi nhưng vẫn phải bù, bây giờ không thể tăng thu được nữa. Chúng tôi rất lo!” - ông Dũng nói.
Trạm thu phí làm tăng chi phí đi lại của dân Thẩm tra kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và kế hoạch 5 năm 2016-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bày tỏ lo ngại về kỷ luật đầu tư công khi còn tình trạng ứng trước vốn để đầu tư, nhiều công trình đã hoàn thành nhưng sử dụng không hiệu quả. Bên cạnh đó, việc xây dựng một số trụ sở làm việc của bộ, ngành trung ương và địa phương quy mô lớn, hiện đại khi chưa quá bức thiết, trong khi nhiều nhu cầu đầu tư cho thủy lợi vùng khô hạn, ngăn mặn, y tế… chưa được đáp ứng. Một số dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư) của ngành giao thông chưa phù hợp, trạm thu phí mật độ quá dày làm tăng chi phí đi lại của người dân, doanh nghiệp… |