Điều chỉnh tỷ giá có hại thế nào?
Theo một số chuyên gia, năm 2013 điều chỉnh tỷ giá sẽ có lợi cho xuất khẩu, nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và chuyên gia lại cho rằng, không có lợi: Giá đầu vào sẽ tăng và tác động tới lạm phát.
Tỷ giá tăng chỉ có lợi cho đầu cơ
Trước ý kiến cần điều chỉnh tỷ giá ở mức 3% trong năm nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc làm này không có lợi trong bối cảnh hiện nay. Bản thân các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cũng bày tỏ sự lo lắng và không ủng hộ.
Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT Cty Aprocimex cho rằng, bảo điều chỉnh tỷ giá sẽ hỗ trợ xuất khẩu, nhưng phải hiểu xuất nhập khẩu có đầu vào và ra. Đầu vào muốn ổn định thì đồng tiền Việt Nam phải ổn định.
Để ổn định, trước hết lãi suất phải thấp, doanh nghiệp phải tiếp cận được vốn. Nếu làm mất giá đồng tiền thì chắc chắn sẽ rối loạn, niềm tin vào tiền Việt Nam sẽ suy giảm, lạm phát chắc chắn sẽ tăng. Hệ lụy này đã từng xảy ra vài năm trước.
“Xét về mặt tâm lý của người làm doanh nghiệp, trước hết phải giữ tâm lý ổn định về đồng tiền. Ở các nước việc thay đổi tỷ giá cho thấy sự bất ổn của nền kinh tế, chứng tỏ quản lý nền kinh tế yếu kém. Phải đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc nhiều năm không thay đổi tỷ giá mà nó vẫn phát triển liên tục 7%-8%.
Bảo doanh nghiệp xuất nhập khẩu có lợi là không đúng. Chúng tôi mua cao bán cao, mua thấp bán thấp. Cơ bản đầu vào hàng hóa trong nước, cho sản xuất phải ổn định”- Ông Lý phân tích.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu lớn ở Bắc Ninh cũng bày tỏ sự lo ngại trước đề xuất điều chỉnh tỷ giá, Theo ông, muốn kinh tế phát triển thì trước tiên đồng tiền phải ổn định.
Khi phá giá đồng tiền sẽ dẫn tới việc người dân đổ xô gom giữ USD để đầu cơ, gây khó khăn cho cả các ngân hàng trong việc hỗ trợ cho xuất khẩu.
“Phá giá đồng tiền trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn là điều tối kỵ vì hầu hết nguyên liệu cho sản xuất hàng trong nước và xuất khẩu của Việt Nam là nhập khẩu. Dù có giá trị gia tăng, nhưng giá trị không cao nên việc điều chỉnh tỷ giá cũng không thúc đẩy được nhiều cho xuất khẩu, mà làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt. Tăng tỷ giá bối cảnh này chỉ mang lại lợi ích cho nhà đầu cơ”- Ông nói.
Giá đô la Mỹ đã tăng lên 21 nghìn đồng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Hại nhiều hơn lợi
Trao đổi với PV, ông Trương Văn Phước-Tổng Giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho rằng, nếu có điều chỉnh tỷ giá thì cũng không quá lo đến nghĩa vụ trả nợ quốc gia.
Bởi vì điều chỉnh đương nhiên doanh nghiệp cũng tính toán để phân bổ chi phí vốn vào giá thành sản phẩm. Hơn nữa, chúng ta không “bao cấp” nghĩa vụ nợ cho doanh nghiệp, người vay tiền.
Điều quan tâm là tỷ giá tăng sẽ tác động đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, giá bán và như vậy tác động đến lạm phát. Tuy nhiên, việc điều chỉnh phải xem xét rất nhiều yếu tố. Trong đó có cung cầu ngoại tệ cũng như cơ chế đặc thù của mỗi quốc gia họ lựa chọn.
“Cung cầu ngoại tệ đang yên, trong khi đồng USD cũng đã mất giá nặng so với các đồng tiền khác trong rổ tiền lệ thì cớ sao phải khuấy động vấn đề này lên”- Ông Phước nói.
Đại diện Eximbank cũng cho rằng, nếu năm nay kinh tế từng bước phục hồi thì nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng lên. Có dự báo kim ngạch nhập khẩu năm nay trên 130 tỷ USD. Tỷ giá tăng mạnh sẽ tác động tới lạm phát.
Theo TS Võ Trí Thành-Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, cứ tăng tỷ giá danh nghĩa 1% làm tăng lạm phát khoảng 0,1%.
Nhìn dưới góc độ vĩ mô, thông thường khi phá giá đồng nội tệ, sẽ có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu, nhưng cũng sẽ hạn chế nhập khẩu. Nhưng tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đến xuất nhập khẩu thế nào còn phải tùy thuộc vào cơ cấu kinh tế của mỗi nước.
Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, việc điều hành tỷ giá cần phải được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách tiền tệ năm 2013 và cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng giữa cái được và những tác động của nó tới việc thực hiện mục tiêu chính sách kinh tế vĩ mô. Ổn định tỷ giá vừa qua đã tạo được niềm tin đối với đồng Việt Nam.