Diễn biến khó lường của USD
Sau khi nâng lãi suất hồi tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rất có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm một số lần nữa, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đi vào hồi quyết liệt.
Tuần trước, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ đã bỏ phiếu để đi đến quyết định nâng lãi suất liên ngân hàng thêm 0,25 phần trăm, lên mức 1,75%-2%. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai trong năm và theo dự kiến sẽ còn thêm hai lần tăng nữa từ nay đến cuối năm, theo tờ Wall Street Journal. Trước đó, trong cuộc gặp hồi tháng Ba, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ đồng thuận sẽ chỉ có 3 đợt tăng lãi suất. “Quyết định hôm nay cho thấy đây là dấu hiệu về một nền kinh tế Mỹ ổn định”, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với các phóng viên hai ngày sau quyết định. “Tăng trưởng vững vàng. Thị trường lao động ổn định. Lạm phát trong vòng kiểm soát”.
Tuy nhiên đó là những gì lãnh đạo Fed nói. Những người bi quan sẽ cho rằng đó mới chỉ là khởi đầu. Mức lạm phát của nền kinh tế Mỹ đã đạt mức đề ra của Fed là 2%, chưa kể các yếu tố có thể thay đổi liên tục như giá năng lượng và thực phẩm. Theo nhận định của các chuyên gia trên Financial Times, phải đối mặt với một nền kinh tế hoặc đã đạt, hoặc gần ngưỡng lạm phát, Fed có thể chuyển từ mối lo thiểu phát sang lạm phát mà nâng lãi suất trần trên mức lạm phát cơ sở, lần đầu tiên kể từ năm 2009. Và việc này khiến giá đồng dollar Mỹ tăng giá nhanh hơn dự kiến.
Chủ tịch Fed Jerome Powell nói kinh tế Mỹ đang “ổn định” nhưng nhiều người có lý do để lo ngại về lạm phát, hiện đã tới ngưỡng (wsj.com).
Thêm một yếu tố nữa là kể từ giữa tháng Tư, các bất đồng thương mại giữa Mỹ và một số quốc gia đồng minh đã khiến đồng dollar tăng giá so với đồng euro và một số đồng tiền khác.
CNN Money trích lời một quan chức của Fed nói rằng, các căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc về chuyện thương mại song phương trong thời gian này đã xóa tan những hy vọng về việc giảm thuế. Ông Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta nói hôm thứ Hai, rằng cuộc chiến thương mại (Mỹ -Trung) đã xóa mờ những hy vọng của ông về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. “Những người tôi biết đều bi quan về chính sách thương mại và thuế quan”, ông nói. Ông cũng cho biết các dự án đầu tư nào đã khởi động sẽ tiếp tục được vận hành, “nhưng lực cản cho các khoản đầu tư mới là rất lớn”.
Sự bi quan về nền kinh tế Mỹ cùng hiệu ứng tăng lãi suất của Fed đã có ngay kết quả: Mấy ngày qua, đồng dollar Mỹ tăng giá so với nhiều đồng tiền khác. Theo Express, trong ngày 18/6, tỷ giá dollar Mỹ và đồng bảng Anh (GBP) đã có thay đổi so với tuần trước đó. Cụ thể, từ mức 1GBP/1,344 USD đã tăng lên mức 1GB/1,321USD. Tổng giám đốc Phòng Thương mại Anh cảnh báo: “Một thập niên sau thời điểm khởi đầu một cuộc khủng hoảng kinh tế, Anh nay phải đối đầu với một thời kỳ tăng trưởng chậm trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và toàn cầu ở tình trạng rất khó lường”.
Tính ra, tỷ giá USD/GBP đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2017. Các chuyên gia lý giải rằng những tiến bộ đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tuần trước có tác động tích cực lên tỷ giá của đồng USD, thêm vào đó là quyết định tăng lãi suất của Fed.
Diễn biến mới nhất, theo Reuters, trong ngày 19/6, các thị trường chứng khoán châu Á đã đồng loạt giảm điểm, đồng yen Nhật tăng giá khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp một loạt dòng thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để trả đũa những tuyên bố áp thuế hàng hóa Mỹ của Bắc Kinh. Tỷ giá USD/yen giảm 0,45 điểm phần trăm, ở mức 1USD/110,06 yen. Đồng euro tăng giá nhẹ 0,05%, lên mức 1euro/1,1631 USD. |