Dịch vụ gửi tiền tại nhà rủi ro vì ngân hàng chối trách nhiệm
Việc mất hàng trăm tỷ đồng tại Eximbank dấy lên lo ngại về quy trình quản trị tiền gửi tại ngân hàng này, cũng như rủi ro trong dịch vụ giao dịch tại nhà đang được nhiều tổ chức tín dụng triển khai.
Ngân hàng phải chịu trách nhiệm chi trả bồi thường
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, vụ việc mất hàng trăm tỷ đồng tại Eximbank diễn ra từ vài năm trước. NHNN đã kiểm tra, đánh giá sự việc, yêu cầu Eximbank xử lý theo hướng bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
Vậy quyền lợi của khách hàng trong trường hợp này được đảm bảo ra sao? Theo quy định hiện hành, Eximbank có buộc phải bồi thường ngay cho khách hàng hay chờ phán quyết của tòa án? PV Báo Giao thông đặt câu hỏi này với đại diện lãnh đạo NHNN và được ông này (không muốn nêu tên) cho biết: Về nguyên lý chung, khi khách hàng không có lỗi thì ngân hàng (NH) phải bồi thường 100% tiền đã gửi là đương nhiên, không phải bàn cãi. Tuy nhiên, vụ việc này hiện mới có báo cáo từ một phía, NHNN không có đủ thông tin để nói bên nào đúng, sai, cũng không thể “bắt” Eximbank phải trả tiền hay không.
“Tình tiết vụ việc khá phức tạp và phải để cơ quan công an điều tra, làm rõ trách nhiệm các bên. Trong trường hợp có hành vi phạm tội thì nằm ngoài phạm vi của NHNN và cơ quan công an sẽ xử lý. Còn nếu có câu chuyện móc nối, cố tình ủy quyền để cán bộ NH rút tiền sau đó quay lại yêu cầu bồi thường thì lại là câu chuyện khác”, vị này nói và phân tích thêm, trong trường hợp này, thủ tục khách hàng thực hiện có sai sót về ủy quyền khống; NH cũng có hành vi không đúng. Do đó, vụ việc vẫn phải chờ cơ quan công an điều tra, kết luận.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, trong vụ việc của Eximbank cũng như các vụ việc tương tự, lỗi của cán bộ ngân hàng gây ra thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thườngcho khách hàng
Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico phân tích: Trong vụ việc này, khách hàng không ủy quyền cho người lạ mà ủy quyền cho cán bộ lãnh đạo Eximbank - Chi nhánh TP HCM theo chính sách chăm sóc khách hàng VIP. Đồng thời, đây cũng là giao dịch thể hiện thẩm quyền trách nhiệm của pháp nhân. Chính vì thế, cho dù người của NH phạm tội tham ô hay lừa đảo thì sai phạm này đương nhiên phải thuộc về phía NH. Trên nguyên tắc như thế, NH sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả bồi thường cho khách hàng mà không cần chờ đến khi có kết luận của tòa mới thực hiện.
“Nếu không thể quy trách nhiệm cho NH trong những trường hợp tương tự thì dù là khách VIP hay khách thường, thực hiện giao dịch dưới bất kỳ hình thức nào, khách hàng đều có thể đối diện với nguy cơ mất tiền”, ông Đức nhấn mạnh.
Rủi ro khi Ngân Hàng không chịu trách nhiệm
Trong khi đó, theo khảo sát của Báo Giao thông, nhiều NH thương mại vẫn có dịch vụ NH tại nhà, nhất là với những khách hàng có giao dịch thường xuyên, khối lượng lớn (khách hàng VIP). Tuy nhiên, giám đốc một chi nhánh NH VPBank cho biết, các giao dịch tại nhà, đặc biệt là nhận, trả tiền gửi của khách, quy trình thường khá chặt chẽ. Chẳng hạn, giao dịch phải được lãnh đạo đủ thẩm quyền xét duyệt (bằng văn bản), đi kèm là kiểm soát viên, nhân viên, nhân viên bảo vệ, lái xe… “Tuy nhiên, một số khách hàng có tiền gửi chục tỷ hay vài chục tỷ đồng lại đưa ra những yêu cầu riêng thay vì chỉ là các quy định nội bộ của NH. Trong trường hợp đó, NH cũng phải linh hoạt để giữ khách nên có thể có tình huống khách hàng gọi là... chạy. Bởi vậy, quy định chặt chẽ chưa đủ, quan trọng là NH phải thực hiện đúng quy trình. Còn khách hàng cũng phải có trách nhiệm với tiền gửi của mình bằng cách yêu cầu NH thực hiện đúng, đủ quy trình, kiểm tra số dư thường xuyên qua tin nhắn, mail... Khi có dấu hiệu bất thường phải báo ngay cho NH”, vị Giám đốc VPBank khuyến nghị.
Vậy, các dịch vụ ngân hàng tại nhà có rủi ro gì và có nên hạn chế? Đặt câu hỏi này với luật sư Trương Thanh Đức, ông Đức cho rằng: Dịch vụ này cần khuyến khích chứ không có lý gì phải hạn chế. Không chỉ với khách hàng VIP, các NH cũng cần gia tăng tiện ích với mọi khách hàng. Bởi, nếu không thực hiện các dịch vụ tiện ích này thì NH sẽ dần mất khách vì các NH khác có dịch vụ tốt sẽ lôi kéo được khách hàng về phía mình. ”ATM còn lưu động được thì dịch vụ thu tiền cũng có thể làm được, kể cả món tiền nhỏ”, ông Đức nói.
Có nhiều ý kiến lo ngại rủi ro như cướp giật, hay nhân viên câu kết chiếm đoạt tiền của khách hàng, ông Đức cho rằng, ngay cả gửi tiền tại quầy của NH thì nguy cơ đó vẫn có thể xảy ra nếu NH kiểm soát không chặt chẽ. Bản thân các NH khi thực hiện dịch vụ này cũng đã tính tới các rủi ro có thể xảy ra và tìm cách hạn chế. ”Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất ở đây là quy trách nhiệm NH. Lỗi của cán bộ NH gây ra thì NH phải chịu. Nếu làm được điều này, mọi thứ mới có thể vãn hồi, NH cũng sẽ gia tăng biện pháp an toàn. Còn nếu NH cứ phủi tay, phủi trách nhiệm thì khó”, ông Đức nêu quan điểm.
“Nếu khách hàng mắc lỗi có được bồi thường không?”, trả lời câu hỏi này của PV Báo Giao thông, ông Đức cho biết: Nếu khách hàng mắc lỗi phụ như mất thẻ tiết kiệm hay CMND... dẫn tới mất tiền thì vẫn được bồi thường. Nguyên tắc là bồi thường ngay. Còn xảy ra tranh chấp phải đợi tòa phân xử. Nếu đối tượng vi phạm trốn mất tích thì vụ việc có thể kéo dài 2-3 năm, thậm chí 10 năm.
Cũng theo ông Đức, hiện hành lang pháp lý, các văn bản pháp luật quy định đối với giao dịch NH đã khá chặt chẽ nên không cần sửa đổi gì. Cái cần sửa là “cái đầu” của các quan tòa. Tất cả gian lận, tham ô của nhân viên NH cũng phải là trách nhiệm của NH. Tòa án cứ nhầm lẫn, trách nhiệm đổ vấy cho khách hàng.
Đầu năm 2017, Cơ quan Điều tra đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Eximbank Chi nhánh TP.HCM trên cơ sở đơn tố giác hành vi có dấu hiệu tội phạm của ông Lê Nguyễn Hưng gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C44) ngày 6/3/2017. Cụ thể, ông Lê Nguyễn Hưng - nguyên Phó giám đốc Eximbank - Chi nhánh TP HCM đã làm giả văn bản người được ủy quyền để rút tiền từ tài khoản của khách hàng là bà Chu Thị Bình và chiếm đoạt gần 245 tỷ đồng. Bà Bình khẳng định, ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ số tiền. Còn Eximbank lại cho rằng, có cả lỗi từ khách hàng và nhân viên ngân hàng. Trong khi chờ đợi phán quyết của tòa, NHNN - Chi nhánh TP.HCM đã làm việc với Eximbank để rà soát lại toàn bộ hệ thống, các quy định nội bộ, các quy trình xử lý, kể cả huy động, cho vay hay quan hệ giao dịch. Ngày 22/2/2018, đại diện Eximbank cho biết, HĐQT ngân hàng này đã họp, nêu quan điểm sẽ đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng, tuy nhiên phải chờ phán quyết từ tòa án. Sau vụ việc tại Eximbank, NHNN đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy định nội bộ về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm; đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; kịp thời thông báo, cảnh báo trong hệ thống để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro; tăng cường tự kiểm tra, kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, NHNN cũng khuyến nghị khách hàng thường xuyên theo dõi biến động số dư tài khoản tiền gửi lẫn tiền vay, không nên giao dịch tại nhà khách hàng hay các địa điểm bên ngoài ngân hàng, yêu cầu các ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ tin nhắn tự động để biết mức độ biến động trong tài khoản... |