Dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn phớt lờ lệnh cấm

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Công an phối hợp kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch. Dù vậy, công văn này vẫn chưa tác động nhiều đến loại dịch vụ luôn rầm rộ vào mùa mỗi khi năm hết Tết đến.

Tưng bừng đổi tiền qua mạng

 

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn "đánh tiếng" xử lý từ ngày 9/12, song theo khảo sát của PV Báo GĐ&XH, dịch vụ đổi tiền lẻ ăn chênh lệch vẫn công khai hoạt động. Không chỉ trước cổng các đền, chùa mà trên mạng Internet dịch vụ đổi tiền vẫn tràn lan. Đa số những người đứng ra đổi tiền lẻ vẫn “bình chân như vại”.

Dịch vụ đổi tiền lẻ trên mạng hiện đang rầm rộ hơn so với trước. Xu thế đổi tiền chuyển dịch từ một địa điểm cố định như trước đây chuyển sang giao dịch qua mạng hoặc điện thoại rồi giao hàng tận nơi. Dịch vụ này có ở rất nhiều các website thương mại điện tử, Facebook, các diễn đàn xã hội, thậm chí nhiều cơ sở còn thành lập website riêng về đổi tiền. Những cơ sở này cung cấp mệnh giá, tương đương với chiết khấu % chênh lệch, địa chỉ, số điện thoại liên lạc.

Dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn phớt lờ lệnh cấm - 1

Cận Tết, dịch vụ đổi tiền lẻ phát triển rầm rộ. Ảnh: Chí Cường.

Mức chênh lệch tại thời điểm này ở các cơ sở dịch vụ, tùy thuộc từng loại tiền, thường là 10 đổi lấy 7 hoặc 8. Loại tiền được ưu chuộng nhất là đồng tiền 500 đồng được đổi với chênh lệch 10 đổi 6 hoặc 7. Theo kinh nghiệm của một số người chuyên đổi tiền lẻ, càng gần Tết thì mức chênh lệch càng tăng lên. Có thời điểm giá chênh lệch là 2 ăn một (100.000 đồng chỉ đổi được 50.000 đồng). Đã từ lâu, kinh doanh đổi tiền lẻ là nghề “hốt bạc”.

Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, đặc biệt sau khi hay tin chuẩn bị cấm đổi tiền lẻ những ngày này, hoạt động đổi tiền lẻ, tiền mới đã rất sôi động. Giá đổi “phổ thông” trên phố Đinh Lễ (Hà Nội) là 20% hay “10 ăn 8” (tức là đổi 100.000 đồng chỉ được 80.000 đồng tiền mới) ứng với các mệnh giá 1.000 - 10.000 đồng. Tiền mệnh giá cao hơn thì được “10 ăn 9” (tức là 100.000 đồng đổi được 90.000 đồng). Theo một người mở dịch vụ ở đây cảnh báo, nếu không nhanh tay, một vài ngày tới, đặc biệt khi ban bố chính thức lệnh cấm thì giá chênh lệch sẽ còn tăng cao.

Theo thông tin từ NHNN thì cơ quan này sẽ cung cấp đủ tiền các mệnh giá vào nền kinh tế để đáp ứng nhu cầu lưu thông. Tuy nhiên hiện tại các loại tiền lẻ vẫn có giá quy đổi trên thị trường khá cao. Cụ thể như 12% đối với loại tiền 1.000 đồng, 10% đối với tiền 2.000 đồng, 6% đối với loại 10.000 đồng. Mệnh giá càng cao, mức chênh lệch càng thấp.

Trên các chợ điện tử, dịch vụ đổi tiền lẻ cũng khá sôi động. Nhiều thành viên chào giá đổi tiền mới chỉ 5% và 7% cho các mệnh giá với số lượng không hạn chế.

Nguồn tiền lẻ ngân hàng có hạn

Hoạt động đổi tiền lẻ sôi động đó liệu có thực sự biến mất sau khi NHNN yêu cầu Bộ Công thương và Bộ Công an vào cuộc. Theo văn bản của NHNN, trong những năm qua, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ (đặc biệt là tiền mới nguyên seri chưa qua sử dụng) trong dịp Tết Nguyên đán ngày một tăng cao đã tạo áp lực rất lớn đối với NHNN nói riêng và ngành ngân hàng nói chung. Số tiền mệnh giá nhỏ này chỉ một phần dùng làm phương tiện thanh toán trong lưu thông, phần còn lại được sử dụng vào các hoạt động khác, trong đó có hoạt động lễ hội, tín ngưỡng.

Việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ không hợp lý của người dân ở một số đền, chùa, lễ hội, nơi thờ tự… còn phổ biến. Bên cạnh đó, tiền mệnh giá nhỏ được sử dụng không hợp lý, đúng chức năng gây ra lãng phí lớn cho xã hội trong việc in ấn, phát hành, kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản lượng tiền này.

Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao đã phát sinh hiện tượng kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ và môi trường, cảnh quan khu di tích, lễ hội. Trên thực tế, trong suốt cả năm đặc biệt là dịp Tết và lễ hội, một số người dân bày bán (đổi) tiền mệnh giá nhỏ công khai tại các khu vực đền, chùa, lễ hội để hưởng chênh lệch.

Theo công bố, người dân có nhu cầu tiền lẻ có thể đến đổi tại các ngân hàng. Tuy nhiên, khi năm hết Tết đến, kèm theo đó là mùa lễ hội, nhu cầu đổi tiền lẻ lại tăng đột biến, chủ yếu sử dụng vì mục đích tín ngưỡng chứ không phải vì mục đích thanh toán, trong khi nguồn tiền lẻ của ngân hàng lại có hạn. Khi nguồn cung không đủ cầu, người dân thường tìm đến các dịch vụ đổi tiền lẻ ở “chợ đen” dù biết phí chênh lệch “cắt cổ”.

Tiền cotton loại 500 đồng “đắt hơn tôm tươi”

Thị trường chợ đen năm nay đặc biệt ở chỗ loại tiền 500 đồng được một số nơi không đề xuất mức chênh lệch. Số phần trăm chênh lệch sẽ được thỏa thuận tùy theo số lượng đổi. Sở dĩ mệnh giá này trở nên đắt đỏ và khan hiếm là vì tiền 500 đồng ít có giá trị lưu thông, chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu đi lễ, trong khi mùa lễ hội đang đến gần kề. Trong khi đó, chi phí in 1 tờ 500 đồng khoảng 1.000 đồng, do đó NHNN không in thêm tiền 500 đồng để tránh lãng phí.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Thành (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN