"Địa phương thích thu ngân sách bao nhiêu cũng được"
Nhiều địa phương cố tình đặt dự toán thu ngân sách thấp để dễ dàng vượt qua và được thưởng, tuy vậy, phần chi ngân sách thì lại thường xuyên bị vượt dự toán. Đó là nhận định của Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường, giá cả, Bộ Tài chính.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mức thâm hụt ngân sách của Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ năm 2009. Trong giai đoạn này, Chính phủ đưa ra gói kích thích tài chính để ứng phó khi có khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu đã dẫn tới tăng trưởng quá nóng trong nền kinh tế và lạm phát tăng nhanh, cán cân thanh toán có một số khó khăn, thâm hụt ngân sách tăng. Chính phủ cũng đã có cố gắng giảm mức thâm hụt đáng kể, tuy nhiên, thu ngân sách trong những năm vừa qua đã giảm đáng kể dẫn tới tình trạng thâm hụt ngân sách tăng lên.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường, giá cả, Bộ Tài chính
Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng: “Kỷ cương thu, chi ngân sách đang còn rất lỏng lẻo”.
Đặt dự toán thấp để được thưởng
Theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, khi các địa phương xây dựng dự toán thu ngân sách, nhiều nơi cố tình để dự toán rất thấp để dễ dàng vượt dự toán thu đó nhằm được thưởng. Thêm vào đó, những địa phương này còn có dư địa rất lớn để đạt được dự toán cho năm sau. Dư địa này là khoản thất thu ngân sách và trốn lậu thuế mà các địa phương này chỉ cần tăng cường kỷ luật thì sẽ thu được rất cao.
“Điều này tạo ra hiện tượng rất thú vị ở Việt Nam”, ông Ánh nhận xét. Thu ngân sách nhà nước chưa bao giờ không vượt dự toán, có những nơi vượt dự toán tới 30%. Thậm chí nếu bắt những nơi này vượt dự toán cả 50% họ vẫn làm được và vẫn còn dư địa để năm sau tiếp tục vượt ngân sách.
“Rõ ràng kỷ luật thu ngân sách của chúng ta có vấn đề. Không chỉ về trình độ năng lực mà vấn đề là chúng ta tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghiêm túc và không nghiêm túc nộp ngân sách nhà nước”, ông Ánh nói.
Cũng theo Tiến sĩ Ánh, thu ngân sách đang phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài. Việt Nam thu ngân sách từ sản xuất kinh doanh nội địa, từ xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu dầu thô, mỗi năm xuất tới 14 – 15 triệu tấn. Trong khi đó, Việt Nam đang có độ mở kinh tế rất lớn khi tổng quy mô xuất nhập khẩu hằng năm lên tới 150 – 160% GDP.
Hiện nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu và dầu thô chiếm khoảng 30% trong tổng thu ngân sách. Như vậy nguồn thu ngân sách phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài. Ví như trong vòng một tháng gần đây, giá dầu thô lại rớt sẽ ảnh hưởng nhiều tới thu ngân sách.
Tiến sĩ Ánh cũng cho biết, gần 10% trong tổng thu thuế nhập khẩu, Việt Nam nhập các mặt hàng xa xỉ phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như ô tô, xe máy đắt tiền, mỹ phẩm... Khi Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu từ 2012 sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu từ thuế nhập khẩu.
Tiến sĩ Ánh cho rằng cần phải thay đổi cơ cấu ngân sách để nguồn thu từ sản xuất kinh doanh trong nước phải bền vững, gắn với hoạt động phát triển, tăng trưởng kinh tế và giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu.
Thu luôn vượt nhưng ngân sách vẫn thâm hụt
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, trong khi Việt Nam đang phải giảm chi đầu tư phát triển để giành cho chi thường xuyên thì chi thường xuyên cũng có vấn đề. Như năm 2013 tới 2014, Việt Nam đã phải trì hoãn tăng lương. Trong khi chi thường xuyên tăng, nhưng việc quan trọng là tăng lương thì nguồn chi này lại không làm được. Vậy là chi đầu tư phát triển cũng như chi thường xuyên đều gặp căng thẳng.
Tiến sĩ Ánh cho rằng sở dĩ thu ngân sách năm nào cũng vượt nhưng vẫn luôn thâm hụt ngân sách là do việc chi luôn vượt dự toán mà nguyên nhân theo ông Ánh là do kỷ luật thu, chi ngân sách chưa nghiêm.
“Luật ngân sách nhà nước phải là bảng kê chi tiết rất rõ các khoản chi, từng dòng một cho từng đơn vị một và tuyệt đối không được chi vượt. Đó mới là kỷ luật ngân sách”, ông Ánh khẳng định.
Nhắc lại câu chuyện của đại biểu Trần Du Lịch cho biết khi đoàn đại biểu của ông thăm một nước vào cuối năm 2012, đơn vị tiếp đón không mời được đoàn ăn cơm vì... ngân sách chưa có, Tiến sĩ Ánh cho rằng nước đó rất có kỷ luật ngân sách còn kỷ luật này ở Việt Nam thì rất lỏng lẻo.
Ông Ánh cho rằng, Việt Nam có hệ thống ngân hàng để kiểm soát chi, kể cả chi đầu tư cũng như thường xuyên, một hệ thống nữa là kiểm toán. Nhưng tình trạng thất thoát, hiệu quả kém của những khoản chi vẫn tràn lan khắp nơi.
Vị chuyên gia cho rằng, ngoài xiết kỷ luật rõ ràng còn cần xây dựng định mức, phải lành mạnh hóa lại cơ cấu chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.