Đi tìm chìa khóa giải cứu bất động sản

Theo thống kê từ đầu năm, hiện cả nước tồn đọng 42.000 căn nhà, 26.000 căn hộ, 16.000 nhà thấp tầng, 92.000 m2 văn phòng cho thuê, 98.000 m2 trung tâm thương mại, 8 triệu m2 đất nền, 2 triệu m2 đất thương mại. Đối chiếu với công bố từ Hiệp hội Xây dựng được công bố cuối năm 2012, con số về nhà đất chưa tiêu thụ hết này thấp hơn nhiều.

Khuyến mãi, cắt lỗ… thị trường vẫn trầm lắng

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - hai đầu tàu kinh tế của cả nước, hiện thị trường nhà đất vẫn đứng trước những lựa chọn khó khăn trong việc có tiếp tục hạ giá nữa hay không? Vấn đề không phải là khi hạ giá sẽ thất thu, thua lỗ mà sau đó liệu có ai đoái hoài? Thực lòng nếu hạ giá mà khách hàng tấp nập kéo đến thì các chủ đầu tư sẵn lòng.

Bên cạnh đó, để kích cầu, nhiều chủ đầu tư công bố mức thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng nếu “tậu” một căn hộ, đây có thể coi là mức khuyến mãi hấp dẫn, lớn nhất từ trước đến nay. Bất luận những lời chào mời chân thành “có hoa, có quả” cùng lời chúc đầu năm phát lộc, phát tài… thị trường vẫn tiếp tục trầm lắng, thậm chí trầm lắng hơn trước Tết nhiều.

Tại TP.Hồ Chí Minh, lâu nay thị trường nhà đất luôn sôi động với khả năng mua bán linh hoạt, sau khi áp dụng nhiều chiêu thức bán hàng khác nhau đến nay xem ra cũng chào thua. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, năm 2013 nhiều khả năng thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn hơn năm 2012 vì nền kinh tế chưa có dấu hiệu phát sáng. Hàng tồn kho mỗi ngày một dồn lại khiến giá bất động sản sẽ hạ thấp hơn, theo đó chỉ những sản phẩm giá mềm, thật mềm, thật rẻ mới mong tìm được đầu ra trong điều kiện không dễ dàng.

Đi tìm chìa khóa giải cứu bất động sản - 1

Đi tìm chìa khóa giải cứu bất động sản. (Ảnh minh họa)

Còn tại Hà Nội, giá đất nền ở vùng ven đều giảm, mạnh nhất tới 30 - 40%, kể từ thời kỳ “sốt nóng” 2010, cá biệt có một số nơi  giá đất nền được rao bán chỉ trên 10 triệu đồng/m2. Dễ dàng nhận thấy, hiện tượng giảm giá mạnh phân khúc đất nền hiện nay là do giới đầu cơ tìm mọi cách bán tháo cắt lỗ, rút lui khi thị trường bất động sản “trầm lắng”. Một điều dễ nhận thấy trên thị trường địa ốc hiện nay là giới đầu cơ đã chấp nhận giảm giá mạnh hơn, chịu lỗ nhiều hơn, thay vì trông chờ thị trường ấm lại. Ngay cả chủ đầu tư dự án cũng ngán ngẩm chấp nhận giảm giá bán, bán tháo đẩy hàng tồn kho để thu hồi vốn.

Căn cứ để nhiều doanh nghiệp cho rằng “không dễ dàng” trong tiêu thụ hàng tồn kho bởi các chính sách ưu đãi nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã được Nhà nước ban hành với nhiều hy vọng, vậy mà giờ đây vẫn chưa thấy có chút tác động, doanh nghiệp vẫn trông chờ.

Sự vào cuộc của Nhà nước

Thế doanh nghiệp trông chờ điều gì? Tất nhiên ngoài trông chờ vào các chính sách, cái chính là doanh nghiệp tự cứu mình, trước tiên phải tìm cách hạ giá thành. Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng hiện tại nhiều yếu tố làm nên giá thành nhà đất chiếm tỷ trọng cao cùng với lãi suất ngân hàng khiến cho giá nhà đất khó giảm sâu hơn. Đây là rào cản thực tiễn khó vượt qua.

Để giải quyết mắc mớ này, mới đây nhất, Ngân hàng  Nhà nước công bố dự thảo Thông tư về quy định cho vay hỗ trợ mua nhà theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ. Theo đó, đối tượng được vay vốn là người có thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và để mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Doanh nghiệp được vay vốn là những doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà xã hội, các dự án nhà thương mại chuyển sang nhà xã hội.

Nguồn vốn được lấy từ 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước. Ngân hàng  Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần vốn vay cho các ngân hàng thông qua tái cấp vốn. Cụ thể, Ngân hàng nhà nước sẽ bơm 30 nghìn tỷ đồng với lãi suất 6% thông qua tái cấp vốn để hỗ trợ 5 ngân hàng thực hiện cho vay.

Trong khi những người đưa ra giải pháp này xem đây là chìa khóa để gỡ nút thắt nợ xấu bất động sản, tạo công ăn việc làm và gỡ khó cho nhiều ngành liên quan khác, thì nhiều chuyên gia gia tài chính, ngân hàng xem ra thận trọng hơn, họ cho rằng số tiền này sẽ chỉ như “muối bỏ bể” và sẽ không thể giải cứu thành công thị trường bất động sản vốn đang tiếp tục rơi tự do; sẽ khiến vấn đề “nợ xấu” ở nhiều ngân hàng tăng thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Giao ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN