Đề xuất thành lập Bộ kinh tế biển

Ngày 28/5, thảo luận ở hội trường còn có ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đề nghị thành lập Bộ kinh tế biển để quản lý, khai thác có hiệu quả lĩnh vực quan trọng này.

Mở rộng quy định để bảo vệ chủ quyền

Đề cập đến Điều 5 của dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, ĐB Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, quá sơ hở và bỏ mất sự bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên một số cấu trúc, vật chất ở ngoài biển, trong lãnh hải, trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế như bãi cạn, đảo ngầm, bãi đá.

“Trong lịch sử đã từng có tranh chấp đổ máu, có nhiều chiến sĩ đã ngã xuống để giành giật những bãi đá này. Hiện nay, âm mưu của Trung Quốc là xây dựng những cấu trúc để khi nước lớn thì nó vẫn nổi. Khi nổi thì nó được biến thành bãi đá và khi thành bãi đá nó có 12 hải lý xung quanh. 12 hải lý xung quanh có nghĩa là lãnh hải của nước đó đấy”, ông Nghĩa  nói.

Theo ông Nghĩa, nếu chúng ta không đưa những quy định trên vào trong luật thì khi người ta xây dựng, khai thác, chúng ta cãi, người ta nói: “Luật của anh đâu có bảo vệ các bãi đá này đâu, các anh chỉ bảo vệ hải đảo thôi. Khi đó sẽ là rất khó”, ông Nghĩa nói. ĐB Nguyễn Viết Nhiên, Thiếu tướng - Chuẩn Đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đưa vào phạm vi điều chỉnh gồm bãi đá ngầm, các đảo nhân tạo.

“Không có vấn đề gì khi chúng ta đưa các khái niệm, bãi cạn nửa nổi, nửa chìm, đảo ngầm, bãi đá, bãi san hô, đảo nhân tạo vào trong luật. Khi đưa vào trong luật, chúng tôi cho rằng đây chính là việc kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ quốc phòng và an ninh. Nếu như không đưa vào thì chúng ta không thể bảo vệ được”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Việt Trường lập luận.

Theo ông Trường, hành vi của Trung Quốc là người ta đổ hàng vạn khối bê tông, sắt thép xuống dưới biển. Trong khi đó hiện nay ở khu vực Trường Sa, ngoài phần đảo nổi chúng ta còn có rất nhiều các khu vực là các bãi nửa chìm, nửa nổi, đảo ngầm, bãi đá, san hô.

“Khi quy định thì chúng ta mới có cơ sở để đấu tranh với những hành vi, các hoạt động gây hại đến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước ta. Chúng ta cũng sẽ dễ dàng tranh thủ được sự ủng hộ của các nước khác hơn”, ông Trường nói.

Đề xuất thành lập Bộ kinh tế biển - 1

Một số ĐBQH cho rằng nên thành lập Bộ Kinh tế biển để quản lý khai thác hiệu quả hơn (Trong ảnh ngư dân Phú Yên đánh bắt cá ngừ đại dương). Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đề xuất lập Bộ kinh tế biển

Theo ĐB Bùi Thị An ( thành phố Hà Nội), Việt Nam có trên 3.200 km bờ biển, đặc biệt trong lòng biển chứa tiềm năng vô cùng to lớn về tài nguyên khoáng sản như dầu khí, hải sản và đa dạng sinh học. Đó là còn chưa kể đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chiếm hơn 1 triệu km2. Tuy nhiên, việc quản lý tài nguyên biển và vùng thềm lục địa bị chia tách nhỏ, mỗi bộ quản lý một lĩnh vực, chồng chéo nên hiệu quả khai thác biển còn hạn chế.

Từ lý do trên, bà An đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu cho thành lập Bộ Kinh tế biển để khai thác quản lý một cách có hiệu quả nhất lĩnh vực này. Hiện ngành kinh tế biển đã đóng góp khoảng 50% và theo dự báo là cỡ từ 54 đến 55% của GDP cả nước. “Tôi thấy nên nghiên cứu thành lập bộ này. Bởi vì trong chuyện tinh giảm bộ máy, chỉ tinh giảm những bộ máy nào không cần thiết. Còn những bộ máy nào cần thiết thì vẫn có thể phải thành lập thêm. Tôi cho rằng việc thành lập Bộ Kinh tế biển sẽ phù hợp với yêu cầu phát triển thực tiễn Việt Nam”, bà An nói.

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến việc phát triển kinh tế, quốc phòng ở Trường Sa và Hoàng Sa. “Nếu ai đã từng đi thăm đảo Trường Sa đều có chung cảm nhận sâu sắc và thiêng liêng, hình ảnh những người chiến sĩ đảo kiên cường, dũng cảm hy sinh, đang ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi cũng trân trọng đề nghị Quốc hội tiếp tục có chính sách đặc biệt quan tâm đến quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh và thành phố, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà khoa học tích cực tham gia nghiên cứu, đầu tư phát triển để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ an ninh, quốc phòng”, ông Vẻ nói.

Quốc hội sẽ họp riêng về biển Đông
 

Liên quan đến báo cáo của Chính phủ với Quốc hội về vấn đề biển Đông, trao đổi với Tiền Phong bên lề Quốc hội chiều 28/5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là vấn đề phát sinh tại kỳ họp này.
 

Ông Phúc nói, trong phiên họp trù bị, Chủ tịch Quốc hội đã đồng ý và có văn bản gửi Chính phủ, giao cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chuẩn bị tài liệu, báo cáo với Quốc hội về vấn đề biển Đông. 

Tuy nhiên, ông Phúc cho hay, đến thời điểm này vẫn chưa biết Chính phủ sẽ báo cáo bằng hình thức nào, điều này phụ thuộc vào Chính phủ. Vấn đề này liên quan đến chính sách đối ngoại, theo Chủ nhiệm Phúc, Quốc hội sẽ tổ chức họp riêng để nghe Chính phủ báo cáo vào ngày 5/6. Ông Phúc cho rằng, những hành động san lấp, cải tạo đảo đá của Trung Quốc là vi phạm pháp luật, cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc là vi phạm  luật pháp quốc tế.                        

Dũng Nguyễn 

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Kiên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN