Đề xuất sở hữu chung cư tối đa 70 năm

Việc quy định ngưỡng sở hữu nhà chung cư cũng như phân hạng chung cư trong quản lý và định giá sẽ khó khả thi, gây khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản.

Dù Bộ Xây dựng đã lên tiếng rút bỏ quy định cấm sử dụng nhà ở để kinh doanh nhà nghỉ nhưng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn còn khá nhiều quy định gây băn khoăn, nổi bật là việc phân hạng nhà chung cư và định ra thời gian sở hữu cho mỗi căn nhà.

Hết 70 năm, phá dỡ xây công trình khác

Theo đó, nhà chung cư được phân thành 2 loại: Nhà chung cư thấp tầng (từ 2 - 8 tầng) và nhà chung cư cao tầng (từ 9 tầng trở lên). Căn cứ vào vị trí của nhà chung cư, hạ tầng kỹ thuật, chất lượng và trang thiết bị gắn với nhà..., Bộ Xây dựng sẽ ban hành quy định phân hạng. Đại diện bộ này cho rằng việc phân thành nhiều hạng khác nhau là để làm cơ sở xác định giá trị của nhà chung cư khi quản lý hoặc giao dịch trên thị trường.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đưa ra phương án về việc sở hữu chung cư có thời hạn. Theo phương án này thì những trường hợp nhà nước giao đất để xây dựng nhà chung cư để bán, cho thuê thì thời hạn sở hữu đối với nhà là 70 năm. Trường hợp được nhà nước cho thuê đất thì thời hạn sở hữu nhà chung cư bằng thời hạn sử dụng đất thuê. Đối với trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc có quyền sử dụng đất hợp pháp mà xây dựng nhà chung cư thì việc sở hữu là không có thời hạn.

Đề xuất sở hữu chung cư tối đa 70 năm - 1

Dự thảo Luật Nhà ở do Bộ Xây dựng soạn thảo đề xuất thời gian sở hữu nhà chung cư tối đa là 70 năm Ảnh: ĐỖ DU

Sau khi hết thời hạn, các chủ sở hữu nhà ở chung cư phải bàn giao lại quyền sử dụng đất cho nhà nước để phá dỡ và xây dựng lại các công trình khác theo quy hoạch được duyệt tại thời điểm bàn giao. Chủ sở hữu nhà chung cư được hỗ trợ và bố trí tái định cư theo quy định khác tại Luật Nhà ở.

Ảnh hưởng tới quyền sở hữu tài sản

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội nhận định các quy định trên khó khả thi. Khi phân ra quá nhiều loại nhà chung cư để cấp giấy chứng nhận, thời gian sở hữu sẽ gây ra nhiều phiền hà và có thể xảy ra hiện tượng “loạn” giấy tờ sở hữu nhà.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, băn khoăn: “Tôi thấy quy định này không hợp lý bởi theo Hiến pháp cũng như các quy định của pháp luật hiện nay thì nhà cửa là một dạng tài sản và người dân có quyền sở hữu. Không ai muốn sở hữu một ngôi nhà chỉ có tuổi thọ mấy chục năm”. Ông Liêm cho rằng Bộ Xây dựng không nên ôm đồm quá nhiều việc trong quản lý chung cư như dự thảo nêu ra. “Chuyện giá cả nhà chung cư như thế nào thì hãy để thị trường quyết định, sao Bộ Xây dựng lại muốn can thiệp?” - ông Liêm thắc mắc.

Theo ông Liêm, giá nhà cao như hiện nay xuất phát chủ yếu từ việc giá đất quá cao (chiếm tới 40%-50% giá nhà). “Rồi còn chuyện tham nhũng, bôi trơn trong lĩnh vực xây dựng hiện nay lớn quá. Phải hạn chế được tình trạng này thì mới hạ giá căn hộ được” - ông Liêm nhận định.

Trong khi đó, đại diện Bộ Xây dựng cho biết những nội dung trên mới chỉ là đề xuất của tổ biên tập. Sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp, tổ biên tập sẽ chỉnh sửa trước khi báo cáo ban soạn thảo cho ý kiến để Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét.

Khuyến khích mua bảo hiểm nhà ở

Dự thảo Luật Nhà ở quy định tên của dự án phát triển nhà ở, khu nhà ở phải sử dụng bằng tiếng Việt và không được viết tắt. Ngoài ra, nhà nước khuyến khích các chủ sở hữu mua bảo hiểm nhà ở. Trường hợp là nhà chung cư hoặc nhà thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định thì chủ sở hữu phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẾ KHA (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN