Đề xuất lập Ủy ban tư vấn giám sát tài chính quốc gia
Tại hội thảo “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính” diễn ra ngày 18/12, nhiều chuyên gia cho rằng: Sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng, quy mô của 3 lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm kéo theo những bất ổn và thiếu lành mạnh của hệ thống tài chính, đặc biệt ở khu vực ngân hàng.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, vai trò của các cơ quan giám sát, tuyến phòng thủ thứ 2 của hệ thống tài chính, thường bị bỏ qua.
Ở một số trường hợp, các cơ quan giám sát đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Thực tế cho thấy, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hoạch định, thực thi chính sách giống như ở nhiều nước đã làm. Vì vậy, Việt Nam cũng cần thành lập Ủy ban tư vấn giám sát quốc gia nhằm ổn định tài chính.
“Sau khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, nhiều quốc gia đã thành lập cơ quan này. Từ cuối năm 2011, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã có ý kiến với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và đã được đồng ý về nguyên tắc cho nghiên cứu mô hình. Dự kiến đầu năm 2014, có một đề án trên cơ sở tổng hợp ý kiến các chuyên gia”, ông Ngoạn cho biết.
Các chuyên gia cho rằng, cần nghiêm túc xem lại vai trò của các cơ quan giám sát. Vai trò chính của việc giám sát là để phòng ngừa. Đấy là mục tiêu tối thượng, không thể đặt các cơ quan giám sát vào vai trò “chữa cháy”.