Đề nghị xóa chục ngàn tỉ đồng thuế
Có khi chi phí cho việc tổ chức thu còn cao hơn cả số thuế thu được.
Miễn thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hằng năm dưới 50.000 đồng và miễn 9.000 tỉ đồng tiền phạt chậm nộp thuế...
Đó là những khoản thuế được đề nghị miễn, giảm tại hội thảo về Luật bổ sung, sửa đổi các luật về thuế (dự thảo) do Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa tổ chức. Dự thảo này sẽ sửa đổi, bổ sung cùng lúc 27 nội dung liên quan đến bảy luật thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp...
Có nơi thu chưa đến... 2.000 đồng/hộ/năm
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, cho biết trong thực tế, số thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa là rất thấp do giá đất tính thuế thấp. Thậm chí có nơi mức thu theo sổ bộ thuế niêm yết chưa đến... 2.000 đồng/hộ/năm.
Trong khi đó, chi phí cho việc tổ chức thu thuế (lên sổ bộ thuế, in biểu mẫu, hóa đơn, cử cán bộ thu và cả công tác thanh quyết toán bộ thuế) rất tốn kém, có trường hợp cao hơn cả số thuế thu được. Điều này dẫn đến việc thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tại các địa bàn này không đạt hiệu quả cao.
Ông Thi nói: “Theo thống kê, tổng số hộ gia đình, cá nhân trên cả nước kê khai nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là hơn 16 triệu hộ, với tổng số thu thuế của các hộ là 1.085,6 tỉ đồng. Trong đó, tổng số hộ có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hằng năm từ 50.000 đồng trở xuống là hơn 12 triệu hộ, chiếm 74% tổng số hộ nộp thuế nhưng tổng số thu thuế chỉ là 157,6 tỉ đồng, chiếm 14,5% tổng số thu thuế của các hộ”.
“Điều này sẽ làm giảm thu ngân sách song số giảm thu này có thể được bù đắp bởi phần tiết giảm về chi phí của công tác tổ chức thu thuế” - ông Thi phân tích.
Tuy vậy, bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn Thuế C&A, lại cho rằng: “Nguồn thu từ sử dụng đất phi nông nghiệp không lớn nhưng ở đồng bằng và thành thị rất dễ thu. Do vậy đề nghị chỉ những hộ gia đình và cá nhân ở địa bàn khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn có số phải nộp hằng năm dưới 50.000 đồng mới được miễn khoản thuế này”.
Các loại thuế cần ở mức vừa phải, có tác dụng nuôi dưỡng nguồn thu, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa trong đó có nông sản. Trong ảnh: Trái cây ĐBSCL. Ảnh: GIA TUỆ
Miễn tiền phạt chậm nộp thuế
Tờ trình về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật thuế nhận định: Trong những năm vừa qua, nền kinh tế trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhiều DN kinh doanh thua lỗ không có khả năng nộp thuế đúng hạn; số lượng DN còn nợ thuế tự giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh ngày càng tăng.
Đối với nợ khó thu của các cá nhân, hộ kinh doanh thì chủ yếu tồn đọng từ nhiều năm do các hộ kinh doanh nhỏ lẻ với phạm vi kinh doanh trong các thôn, xóm theo thời vụ không ổn định, làm ăn thua lỗ đã bỏ kinh doanh.
“Thực tế, nhiều người nộp thuế đã rất nỗ lực để nộp tiền thuế phát sinh, khó có khả năng nộp tiền phạt chậm nộp, nhất là trong trường hợp DN gặp khó khăn bất khả kháng…” - tờ trình nêu rõ.
Do đó để tháo gỡ khó khăn cho các DN, Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội cho phép: Xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế phát sinh trước 1-7-2013 của DN gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước 31-12-2015.
Ông Thi cho biết qua theo dõi, số tiền thuế nợ của người nộp thuế đã bỏ kinh doanh, giải thể, phá sản không theo trình tự của pháp luật đến nay khoảng 9.000 tỉ đồng. Đối với số tiền thuế nợ này cơ quan thuế đã áp dụng hết các biện pháp đôn đốc thu nợ nhưng do người nộp thuế đã bỏ kinh doanh nên cơ quan thuế không thể thu hồi được nợ.
“Nhằm giảm gánh nặng cho cơ quan thuế và số lượng người nợ thuế, Bộ Tài chính cũng đề nghị xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước 1-7-2013 của người nộp thuế đã bỏ kinh doanh, giải thể, phá sản mà cơ quan thuế đã phối hợp với chính quyền địa phương để xác minh thông tin về người nộp thuế nhưng không tìm được người nộp thuế” - ông Thi cho biết thêm.
Về vấn đề này, bà Đặng Thị Bình An đề nghị cơ quan thuế cần phân loại các khoản nợ theo quy mô và thời gian nợ, từ đó đưa biện pháp phù hợp để xử lý. Ví dụ: Các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt từ 50.000 đồng trở xuống có tuổi nợ ba năm thì cục trưởng Cục Thuế có quyền xóa nợ để đảm bảo tiết kiệm chi phí theo dõi.
Trong khi đó, một chuyên gia thuế thì cho rằng để tạo điều kiện cho DN phục hồi bền vững, việc xóa các khoản nợ thuế, tiền chậm nộp thuế, tiền phạt chậm nộp thuế nên được nới rộng biên độ hơn nữa.
Đóng một cái dấu mà cũng thu tiền thì vô lý quá Ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, nói: “Cần phải xem xét mở rộng hơn nữa việc bãi bỏ hoặc miễn giảm các loại thuế, phí mà DN phải chịu đựng, làm giảm sự cạnh tranh của DN. Từ thuế đất đai, thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng... đến chi phí vận tải, chi phí hải quan, quản lý thị trường... Đồng thời cần xem xét lại một cách toàn diện cái nào DN và người dân có nghĩa vụ phải đóng, cái nào Nhà nước phải cung cấp cho DN mà không được thu tiền. Nếu cấp giấy chứng nhận, đóng một cái dấu mà cũng thu tiền thì vô lý quá”. Mục đích của việc miễn giảm hoặc bãi bỏ này, theo ông Tuấn là để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa và DN Việt. Bởi trên thực tế các bộ, ngành đang cài cắm nhiều khoản phí trong các thông tư. Đó là điều nguy hiểm. “Họ thu lợi về phía bộ, ngành, còn đẩy khó khăn cho DN và người dân. Các loại thuế, phí cần ở mức vừa phải, có tác dụng nuôi dưỡng nguồn thu” - ông nói. Kiến nghị xóa nợ 1.000 tỉ đồng Để giải quyết dứt điểm các khoản nợ tồn tại cũ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ Tài chính đề nghị bổ sung vào Luật Quản lý thuế quy định cụ thể xóa nợ của người nộp thuế trong trường hợp DNNN thực hiện sắp xếp lại; DNNN đã thực hiện cổ phần hóa nhưng nợ thuế chưa được trừ vào vốn nhà nước tại DN khi chuyển đổi sở hữu… Số thuế phải xóa ước tính khoảng 1.000 tỉ đồng. |