Đề nghị "xén" đất di dời trụ sở, nhà máy xây nhà xã hội
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh quỹ đất nhà ở xã hội (NƠXH) đang cạn như hiện nay, thành phố Hà Nội nên lưu ý vị trí đất trụ sở các Bộ, nhà máy di dời để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp.
Sáng 5/11, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Cơ chế chính sách và giải pháp về nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và khu công nghiệp”.
Tại Hội nghị, các chuyên gia đánh giá, nhu cầu NƠXH đang rất lớn, đặc biệt tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, mặc dù quy định phải dành đất 20% cho NƠXH nhưng chủ đầu tư tìm mọi cách không thực hiện đúng quy định. Trong khi cơ quan chức năng thiếu kiểm tra, đôn đốc xử lý nên quỹ đất này thường đạt rất thấp hoặc không có vì diện tích này trong dự án lại nằm ở vị trí chưa đền bù giải tỏa.
Theo ông Hùng, có 2 nguồn đất lớn cần nghiên cứu quyết định để dành quỹ đất xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Thứ nhất, đất tại khu chung cư cũ cần phá dỡ xây dựng lại cần được đối xử như NƠXH theo quy hoạch thành khu đô thị nén: dưới là nhà phố thương mại, bán theo giá thị trường và một phần ưu tiên tái định cư cho các căn hộ đang buôn bán ở tầng 1, trên là các căn hộ 25- 45m2 dành cho người thu nhập thấp. Kể cả những người sống trước ở đó nay tái định cư (thực chất họ cũng thuộc đối tượng NƠXH) và được ưu đãi lãi suất thấp, thời hạn dài như NƠXH hiện hành (giá cả có thể có hơn 15 – 20 triệu đồng/m2 nhưng người ở vẫn sẵn sàng mua, mua trả góp với lãi suất thấp, dài hạn vì được hưởng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngay trung tâm).
Thứ hai là đất nhà máy, công sở: nên chuyển một phần sang đất xây dựng NƠXH trong quy hoạch. Cả hai loại trên chỉ phân phối cho người thu nhập thấp đang sống trong phường, lân cận có dự án để không làm tăng mật độ dân số.