Đề nghị lập ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế
Đó là phát biểu của TS Trần Du Lịch khi thảo luận tại tổ TPHCM về tình hình kinh tế- xã hội năm 2012, kế hoạch 2013. Một số đại biểu cũng cho rằng, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm và chưa hiệu quả.
Mới giải quyết tình thế
Theo ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), kinh tế 2012 tích tụ những yếu kém từ năm 2008 đến nay. Các giải pháp của Chính phủ mới tập trung xử lý tình thế, chưa giải quyết căn cơ như nhập siêu, lạm phát.
Việc tái cơ cấu là quá chậm do khâu tổ chức thực hiện ở các bộ, ngành. Ông Lịch đề nghị lập Ủy ban Quốc gia về tái cơ cấu nền kinh tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu bởi “một tổ chức như vậy mới đủ tầm để thực hiện”.
Ủy ban này cần có chương trình rõ ràng, độc lập, đặc biệt là giải quyết nợ xấu.
Kinh nghiệm cho thấy, các ngân hàng thương mại không thể tự giải quyết nợ xấu.
Đưa ra con số 9 tháng đầu năm có tới 40.000 doanh nghiệp (DN) giải thể hoặc dừng hoạt động, tăng hơn 6% so với cùng kỳ, ông Lịch cho rằng, phải đẩy mạnh tái cơ cấu một cách cấp bách để lấy lại lòng tin vào thị trường khi mà “DN đã quá sức chịu đựng rồi”.
“Phải lấy lại niềm tin, tạo sức sống cho giai đoạn sau, khai thác tiềm năng tối đa cho tăng trưởng trước khi nghĩ đến đầu tư mới” - ông Lịch nói.
ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng, cần đánh giá đầy đủ hơn những bất ổn của nền kinh tế.
Những điểm nghẽn của nền kinh tế như nợ xấu, hàng tồn kho chưa có hướng giải quyết hiệu quả. Tái cơ cấu nền kinh tế, QH bàn từ kỳ họp trước nhưng trên thực tế chưa mang lại kết quả rõ rệt.
Việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng rất phức tạp khi các tổ chức sở hữu chéo.
“Phải làm rõ mục tiêu sau tái cấu trúc là gì? Tách bạch giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Hiện nay, hệ thống ngân hàng hầu hết là vốn ngắn hạn nhưng đầu tư rất nhiều vào trung và dài hạn. Như vậy thì không thể ổn định được. Năm 2013 mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống 3% là rất khó” - ĐB Hùng nhận định.
Theo ông Hùng, 9 tháng đầu năm huy động vốn tăng trưởng trên 11% nhưng tín dụng chỉ tăng trưởng 2,3%, vậy mà lãi suất vẫn bị đẩy lên 13 - 14%, thị trường rất lộn xộn.
“Vietinbank huy động với lãi suất 9% và cho vay 9% nhưng không cho vay được, đến 15 - 10, tổng đầu tư cho vay âm 5,8%” - Ông Hùng nói. Do vậy, phải giải quyết những ngân hàng mà ông Hùng gọi là “60% bên trong không phải ngân hàng”.
Tại sao những ngân hàng này huy động lãi cao, vốn huy động với lãi suất cao đi đâu.
“Có đồng chí lãnh đạo hỏi tôi có hạ lãi suất được không, tôi trả lời họ đẩy lên như vậy thì không thể hạ được. Phải có giải pháp dài hạn với hệ thống ngân hàng chứ giải pháp thời gian qua mới là “hà hơi thổi ngạt”, bơm này bơm kia nhưng không lại được. Có những ngân hàng không phục vụ nền kinh tế và trá hình rất nhiều” - ông Hùng thẳng thắn.
9 tháng đầu năm có tới 40.000 DN giải thể hoặc dừng hoạt động.
Cần làm rõ yếu kém
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đã 3 lần nhắc đến từ “nói vào không khí” khi đề cập việc nhiều góp ý, hiến kế của đại biểu QH không được các cơ quan có trách nhiệm lắng nghe.
Ông Quyền cho rằng, qua nhiều năm thảo luận về kinh tế- xã hội thì rất nhiều vấn đề đại biểu QH đã cảnh báo nhưng ý kiến “không đi đến đâu cả”.
“Ngay từ kỳ họp thứ hai của QH khóa trước tôi đã phát biểu phải tổng kết và hoàn thiện hành lang pháp lý cho các tập đoàn kinh tế.
Ngoài ra, với một nền kinh tế như Việt Nam mà chúng ta cho phép thành lập cả trăm tổ chức tín dụng là việc bất bình thường.
Phải có giải pháp loại bỏ những tổ chức không đủ năng lực tài chính thì cho đến hôm nay, giải pháp khắc phục vẫn chỉ là những đề án đặt trên bàn.
Tôi cũng đã cảnh báo việc các tập đoàn đầu tư ngoài ngành rất nghiêm trọng, cần chấn chỉnh thì cũng không được xem xét.
Rất nhiều hậu quả của ngày hôm nay đã được tiên đoán cách đây 2 - 3 nhiệm kỳ QH và đã có cảnh báo nhưng không đi đến đâu cả, cứ như nói vào không khí vậy” - ông Quyền nói.
Ngoài ra, những nguyên nhân yếu kém chúng ta nói quá nhiều đến yếu tố khách quan.
Tuy nhiên, chưa nghiêm túc đánh giá đầy đủ yếu kém từ chủ quan như: trình độ năng lực cán bộ kém trên nhiều phương diện từ quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện. Phẩm chất đạo đức suy thoái, xuống cấp.
Lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong cả việc hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện. Đáng lo ngại hơn nữa là nạn chạy chức chạy quyền.
“Nó làm cho những người có nhân cách, có năng lực thực sự quá mệt mỏi với cơ chế khi có một vị trí nào trống thì bắt đầu chạy. Nó cũng phá nát tất cả những giá trị, những biểu trưng của đạo đức nghề nghiệp trong nền công vụ. Điều này làm giảm lòng tin của những người tâm huyết đối với chính sách của nhà nước” - ông Quyền nói.
Phải tìm nguồn để tăng lương
ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) bày tỏ, những khó khăn của DN trong 9 tháng đầu năm còn trầm trọng hơn nhiều so với báo cáo của Chính phủ. “Tôi hơi quan ngại số liệu GDP tăng trưởng 4,73%.
Hằng ngày phải thở cùng với nhịp thở của DN, tôi thấy việc điều hành vĩ mô là có vấn đề. Khó khăn của DN ở trên diện rất rộng” - ông Quang nói.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nói, khi ra các khu công nghiệp mới thấy công nhân đang sống thế nào. Họ quá khổ. Theo ĐB này, phải nhất quyết tăng lương cho người lao động.
ĐB Trần Thanh Hải (TPHCM) cho rằng, cần đảm bảo lộ trình tăng lương bằng cách tiết giảm chi, tăng thu vì đời sống cán bộ, công chức rất khó khăn, nhất là cán bộ hưu trí.
Ông Hải cho rằng, phải sớm công bố việc điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động khối DN lên 2,7 triệu đồng từ 1-1-2013 như đề xuất của TPHCM.
Theo ĐB Nguyễn Đình Quyền, trong một nền kinh tế khó khăn, sản xuất đình đốn, thâm hụt ngân sách như hiện nay mà kế hoạch chi tiêu vẫn “bình bình như mọi năm, rất dàn trải”.
Trong bối cảnh khó khăn chúng ta vẫn duy trì cung cách cũ, đó là chuyên viên cấp vụ trình lên, lãnh đạo ngồi trên ung dung phân bổ theo địa chỉ có sẵn mà không rà soát cái gì cần, cái gì không cần.
Có dự án có tên trong ba hạng mục chi, cả trong chương trình mục tiêu quốc gia, chi thường xuyên, chi hỗ trợ. “Ngân sách chi tiêu không rõ ràng, phân bổ trùng lắp, dàn trải, lấy đâu tiền chi lương?”- ông Quyền nói.