"ĐBQH hãy thử đi vay vốn ngân hàng"

Bức xúc vì không vay nổi ngân hàng, giám đốc một doanh nghiệp tha thiết đề nghị đại biểu quốc hội hãy thử làm hồ sơ đi vay để biết khó khăn đến đâu.

Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri là DN diễn ra tại TP.HCM chiều ngày 3/12, nhiều DN kêu gọi Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ DN hơn nữa, chẳng hạn khoanh nợ xấu để DN được vay vốn tiếp tục hoạt động. “Vì đến thời điểm này DN kiệt quệ rồi. Các Đại biểu Quốc hội làm sao có ý kiến với Chính phủ để sang năm 2015 có phương án tháo gỡ nợ xấu cho DN, để DN tiếp cận vốn ngân hàng”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Long Biên (chuyên về chế biến thuỷ hải sản) than thở.

“DN cần vốn như cơ thể cần máu nhưng lại không có vốn. Chính sách, chủ trương rất rõ ràng, giải ngân, tạo mọi điều kiện tháo gỡ cho DN tiếp cận vốn vay. Nhưng nếu đại biểu Quốc hội cầm hồ sơ đi vay vốn ngân hàng mới thấy rất khó khăn do vướng mắc, nhiêu khê về thủ tục, giấy tờ”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, nên có một Quỹ bảo lãnh cho DN vay vốn để DN tiếp tục sản xuất kinh doanh rồi có tiền trả nợ cũ và mới. Thực chất DN làm ăn hiệu quả đến giờ này để tiếp tục vay vốn là rất hiếm.

"ĐBQH hãy thử đi vay vốn ngân hàng" - 1

Hiện các  ngân hàng đang có chủ trương giảm lãi suất để cho vay, nhưng chưa cho vay lâu dài. Tín dụng làm sao thay đổi để DN yên tâm đầu tư làm ăn lâu dài, vì đa số trong quy định trong hợp đồng vay vốn lãi suất sẽ được điều chỉnh theo từng thời kỳ.

Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây, cũng cho rằng Chính phủ nên có những chính sách hỗ trợ thêm cho DN trong nước, chẳng hạn, DN có nợ xấu thì cho họ được khoanh nợ để họ tiếp tục sản xuất kinh doanh, để không thua trên sân nhà.

Hiện doanh thu của công ty Bình Tây là 100 tỷ đồng/năm nhưng không có lãi. Những DN nào tồn tại được đến nay là cố gắng lắm rồi. Vì ngay như sản phẩm mì gói, bún gạo khô… của công ty Bình Tây cũng phải cạnh tranh rất vất vả với các DN có vốn lớn, công nghệ tốt.

Đại diện Hiệp hội DN quận 7, TP. HCM , cho rằng DN đang bị bao vây, khó khăn đủ thứ. Không DN nào hoạt động mà không cần vốn. Dù ngân hàng đang hạ lãi suất và đang ở mức thấp nhất trong 3 năm qua nhưng lợi nhuận DN cũng đang rất thấp và tiếp cận vốn ngân hàng cũng không dễ.

Hiện có 2 mức lãi suất cho vay, đối với những DN sản xuất kinh doanh thì được vay lãi suất thấp, còn những DN làm dịch vụ thì phải chịu lãi suất cao. Điều này khiến nhiều DN chạy sang làm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh để được hưởng lãi suất thấp.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), sức mua trong nước rất yếu, hiện nay các DN trong nước phải tung nhiều chương trình khuyến mãi mới mong bán được hàng.

 “Tôi đã đặt vấn đề với Bộ Công Thương liệu chúng ta có bỏ quên sân nhà không?”, ông Hòa nêu ý kiến. Vì năm 2015, Việt Nam sẽ mở hoàn toàn thị trường bán lẻ sẽ khiến các DN trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Hội nhập kinh tế quốc tế nếu Nhà nước có những ưu đãi cho DN như thuế, lãi suất…  thì sẽ vi phạm các cam kết trong WTO (Hiệp định Thương mại tự do). vùng chính sách có thể hỗ trợ được là chính sách đào tạo, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các DN. Vì vậy, Chính phủ nên thông qua các Hiệp hội hình thành các liên kết ngang liên kết dọc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Lan (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN