Đầu tư công đừng mãi “ưu ái” DNNN

Theo chuyên gia Đinh Tuấn Minh, Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội:

Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cứ mãi “trúng thầu” các dự án công của Nhà nước trong khi chính họ lại là người của Nhà nước.

Điều này khiến Chính phủ rất khó xử lý vì “người xử lý cũng là người làm sai”. Thậm chí Nhà nước còn lo lắng rằng để DNNN thua lỗ, phá sản thì cũng có hại. Thế nên cứ cứu bằng cách bù chi “từ tiền thuế người dân”. Phải bóc tách tất cả chi phí, kiểm toán kỹ và kiểm soát dự án. Hãy cứ để DNNN phá sản nếu họ thiếu năng lực hoạt động, gây ảnh hưởng đến ngân sách đầu tư công. Để lấy lại lòng tin về đầu tư công, Nhà nước phải xây dựng quy trình đầu tư công và có biện pháp cam kết thực hiện thông qua các cơ chế, luật pháp, quyền giám sát dân chúng…

Có vô số “căn bệnh” của việc đầu tư công tại Việt Nam trong thời gian qua. Điển hình như đầu tư thiếu mục đích, phân bố nguồn lực dàn trải nhưng không đều. Trong khi đó, dự án được dựng lên lại không được dứt điểm đúng thời hạn, thậm chí là trì trệ dẫn đến Nhà nước phải bù thêm vốn. Đó là chưa kể đến các chỉ số liên quan đến lãng phí, ô nhiễm môi trường vẫn tăng đều gắn liền với các dự án công. Như vậy, dường như trái với những ý kiến cho rằng Việt Nam đang thiếu nguồn lực đầu tư, thực trạng trên cho thấy nước ta đang “thừa nguồn lực” dẫn đến đầu tư “vô tội vạ”, gây thất thoát, lãng phí.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên phần lớn xuất phát từ yếu tố thiếu minh bạch trong quá trình đầu tư. Để đạt được hiệu quả cao thì thông tin về quá trình quy hoạch, lên kế hoạch tổng thể, phân bổ, thực hiện, giám sát, đánh giá và kiểm toán phải được công khai cho người dân, cơ quan báo chí được biết. Sự minh bạch này tạo nên cơ chế làm - giám sát, đảm bảo được “khen khi làm đúng, phạt khi làm sai”, thúc đẩy hiệu quả đầu tư.

Tuy nhiên, thực tế Việt Nam chưa làm được điều đó. Vừa qua Chính phủ có đưa ra đề án tái cơ cấu việc đầu tư công sau khi có nhiều ý kiến phản ánh tính kém hiệu quả ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì đó mới chỉ dừng lại ở việc cắt giảm đầu tư công chứ chưa có cơ chế quy định cụ thể về hành vi. Thế nên đảm bảo tính minh bạch là điều đã rất khó làm chứ đừng bàn chi đến hiệu quả đầu tư.

TS VŨ THÀNH TỰ ANH, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright:

Dân phải có quyền lựa chọn mô hình

Thông tin về các dự án đầu tư phải được đưa đến tất cả các bên liên quan một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác. Chẳng hạn, khi địa phương muốn thực hiện đầu tư dự án nào đó, người dân phải biết và có quyền lựa chọn mô hình phù hợp với lợi ích và chi phí. Việc này vừa đảm bảo việc “làm ra có người xài”, đồng thời có sự phản ánh kịp thời về hiệu quả, chất lượng.

Trong số hàng ngàn người được phỏng vấn giai đoạn 2010-2011, chỉ khoảng 1/3 đã từng được nghe nói đến pháp lệnh thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn, trong khi pháp lệnh này đã được ban bố và thực thi từ đầu năm 2007.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỖ THIỆN (Pháp Luật Tp.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN