Đầu quý IV, lãi suất có thể giảm về 8%

Việc giảm lãi suất huy động về mức 8% cũng không quá quan ngại với quan điểm lãi suất thực dương. Bởi lẽ, trong bối cảnh hiện nay các kênh đầu tư khác cũng rất nhiều rủi ro.

Nói về mối tương quan giữa lãi suất và lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2012, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh cho rằng: Lạm phát năm nay sẽ chỉ dừng ở mức 8% và lãi suất huy động có cơ hội kéo về mức 8%, đi cùng với đó là lãi suất cho vay sẽ chỉ dừng ở mức 12 – 13%. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải được làm ngay trong đầu quý IV/2012.

Song ông Ánh cũng lưu ý, tính toán và dự kiến của ông chỉ nằm trong phạm vi năm 2012, “riêng chuyện của năm 2013 xin phép không bàn đến”.

Về vấn đề lạm phát: Theo thống kê, tính đến hết tháng 8, lạm phát so với cùng kỳ là 5,04%, nếu so với cuối năm 2011 là 2,86%; tuy nhiên so với thông lệ quốc tế tỷ lệ lạm phát tính cùng thời điểm trên của Việt Nam là 10,41 %.

Ông Ánh đưa ra kết luận, mức lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức cao. Chưa hề và chưa bao giờ có dấu hiệu của việc giảm phát như nhiều ý kiến đã lo ngại trước đây.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 1 con số đặt ra cho năm 2012 khả năng cao sẽ đạt được.

Nhưng tình hình thay đổi khá nhanh và ông Ánh tính cho rằng điểm “uốn” để lạm phát cao quy trở lại sẽ là ngay trong tháng 8 này chứ không phải tháng 9 như dự báo trước kia của ông.

Theo ông Ánh, căn cứ vào những dữ liệu có được thì diễn biến năm nay của lạm phát rất giống với tình hình của năm 2008. Với cách tính lạm phát cuối kỳ (như cách tính hiện nay của Việt Nam) thì chỉ số này sẽ chỉ có xu hướng đi lên. Con số này có thể sẽ dừng lại ở mức 8% trong năm nay.

Còn nếu tính theo thông lệ quốc tế (tính bình quân kỳ) thì chỉ số này sẽ tạo đáy vào cuối năm 2012, nhưng cũng chỉ dừng ở mức 8% trong cả năm 2012.
Ông Ánh cũng không quên bổ sung “trong điều kiện không có gì quá đột biến”.

Về diễn biến của lãi suất, theo ông Ánh tính từ thời điểm này đến đầu quý IV/2012 chúng ta vẫn còn hy vọng để kéo giảm lãi suất huy động xuống mức 8%. Và kéo theo đó thì lãi suất cho vay sẽ chỉ dừng ở mức 12 – 13%.

Mặc dù, vừa qua theo lời “hiệu triệu” của NHNN thì đã có đến 3/4 các khoản vay cũ được hưởng mức lãi suất 15%, nhưng với những khoản vay mới thì lãi suất vẫn rất cao. Chính vì thế việc tiếp tục hạ lãi suất sẽ là vô cùng quan trọng để cứu doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Nói về thời điểm phù hợp cho việc kéo lãi suất huy động về mức 8%, ông Ánh nói: Cơ hội tốt nhất là đầu quý IV/2012. Còn một khi muộn hơn như sang tháng 11, tháng 12 thì lạm phát sẽ có chiều hướng tăng và việc áp dụng giảm lãi suất rất khó thực hiện.

Trả lời thắc mắc, liệu với mức lãi suất (huy động) dừng ở mức 8% thì có đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền? Ông Ánh khẳng định, năm 2011, lạm phát của Việt Nam nếu tính theo cuối kỳ là 18,13%, tính bình quân kỳ là 18,53% trong khi đó trần lãi suất huy động chỉ dừng ở mức 14% và tổng tín dụng vẫn tăng rất nhanh, nhất là tổng huy động từ phía khu vực dân cư.

Do đó, không nên quá lệ thuộc vào quan điểm lãi suất thực dương trong bối cảnh các kênh đầu tư cũng không hấp dẫn hơn khiến nhà đầu tư phải tháo chạy như nhiều người vẫn hay lo ngại – ông Ánh nói. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Linh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN