Đau đầu co kéo ngân sách cuối năm

Theo Bộ Tài chính, dự tính sẽ hụt thu khoảng 60.000 tỷ đồng trong năm 2013. Tình hình thu chi ngân sách khá hạn hẹp nhưng vẫn có thể xoay chuyển được tình hình nếu thu hồi được những khoản tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng đang bị nhiều đơn vị tạm “chiếm dụng”.

Thu ít, chi nhiều

Số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế đến hết tháng 8, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 484.820 tỷ đồng, bằng 59,4% dự toán. Đến hết tháng 8, ước chỉ có 23/63 địa phương thu đạt yêu cầu tiến độ dự toán, chủ yếu là các địa phương có số thu nhỏ, thu chi ít. 40 địa phương còn lại chưa đạt tiến độ thu theo yêu cầu. Đáng quan ngại, trong số này có các trọng điểm thu và từng là những “điểm sáng” về thu ngân sách như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Đây cũng là những địa phương có nguồn thu và nguồn chi lớn bằng nhiều địa phương khác cộng lại.

“Có những khoản thuộc diện phải nộp ngân sách lên tới vài trăm, thậm chí vài nghìn tỷ đồng nhưng bị các bộ ngành “chậm nộp” do dùng để đầu tư. Nếu giải quyết được tình trạng chậm nộp này thì ngân sách cũng có được thêm vài nghìn tỷ đồng”

Đại diện Bộ Tài chính cho biết

Trong khi nguồn thu hạn hẹp, số tiền ngân sách chi ra trong 8 tháng đầu năm ước 604.670 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó chi cho đầu tư phát triển ước đạt 60,6% dự toán; chi trả nợ, viện trợ đạt 65,7%. Tính chung 8 tháng đầu năm, bội chi ngân sách lên gần 120.000 tỷ đồng, xấp xỉ 74% mức bội chi Quốc hội cho phép. Theo tính toán, năm nay ngân sách dự kiến sẽ hụt thu khoảng 60.000 tỷ đồng so với dự toán. Trong đó, Trung ương hụt hơn 43.000 tỷ đồng, địa phương 16.430 tỷ đồng.

Một đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, vấn đề lớn với ngành thuế hiện nay là tình hình nợ đọng thuế của các doanh nghiệp tăng cao bất thường. Nợ đọng thuế hiện nay có hai dạng: Doanh nghiệp nợ do chịu lãi suất ngân hàng cao, ở mức 13%-15% thậm chí 20% đang không có tiền để nộp. Trong số tiền nợ thuế hiện nay của các doanh nghiệp, có một khoản không nhỏ là do bị phạt chậm nộp thuế. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đang khoanh riêng số tiền phạt chậm nộp của các đơn vị và đang tính sẽ báo cáo Chính phủ để có biện pháp xử lý. Theo đó, có thể sẽ đề xuất cho giãn nộp với khoản tiền này.

Đau đầu co kéo ngân sách cuối năm - 1

Bộ Tài chính cho biết, thu hồi hàng nghìn tỷ đồng chậm nộp của các bộ ngành sẽ giúp giảm nhẹ gánh nặng thu chi ngân sách. Trong ảnh: Nộp thuế tại một phòng thuế thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội Ảnh: Như Ý

Căng do bị… chiếm dụng

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xác nhận, tình hình thu ngân sách khá khó khăn. Cái khó hiện nay là một nguồn tiền thu ngân sách tương đối lớn bị các doanh nghiệp chiếm dụng, chây ỳ, không chịu nộp ở nhiều địa phương.

Điển hình như tại Hà Nội, số liệu từ Cục Thuế Hà Nội cho biết, chỉ riêng 77 doanh nghiệp lớn trên địa bàn đang chây ỳ và nợ ngân sách tổng cộng hơn 1.806 tỷ đồng tiền thuế. Có những doanh nghiệp nợ thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong số này phải kể đến những doanh nghiệp nợ khủng như Cty cổ phần Sông Đà Thăng Long với số thuế nợ lên tới gần 283 tỷ đồng. Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Công ty TNHH MTV nợ hơn 105 tỷ đồng. Cty cổ phần Cầu 12-Cienco 1 nợ đọng tới hơn 81 tỷ đồng; Cty CP Viglacera Hà Nội với trên 70 tỷ đồng; Cty CP Cavico cầu hầm nợ hơn 68 tỷ đồng; Cty CP Tập đoàn Điện tử Công nghiệp Việt Nam nợ hơn 52 tỷ đồng… Còn nếu chia theo các phòng thuế, số nợ đọng do các phòng kiểm tra thuế số 1, 2, 3, 4 ,5, 6 quản lý rất cao, ở mức từ 47 tỷ đồng đến trên 811 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo đại diện Bộ Tài chính, hiện ngân sách vẫn còn nhiều khoản thu bị phân tán. “Có những khoản thuộc diện phải nộp ngân sách lên tới vài trăm, thậm chí vài nghìn tỷ đồng nhưng bị các bộ ngành giữ lại, “chậm nộp” do dùng để đầu tư. Số tiền đầu tư này không được cơ quan nhà nước ghi dự toán. Nếu giải quyết được tình trạng chậm nộp này thì ngân sách cũng có được thêm vài nghìn tỷ đồng. Như quỹ bưu chính công ích vẫn còn 2.000 tỷ đồng nhưng hai năm nay chưa dùng”, vị này cho biết.

Về giải pháp thu ngân sách những tháng cuối năm, một đại diện Tổng cục Thuế cho biết, sẽ tính tới những khoản thu từ các ngân hàng và thu từ dầu khí. Theo báo cáo, các nguồn thu từ dầu khí năm nay cũng tăng khá do sản lượng tăng. Giá dầu dự toán đầu năm khoảng 95 USD/thùng nhưng theo tính toán đến cuối năm sẽ ở mức trên dưới 100 USD/thùng, giúp ngân sách bổ sung một nguồn thu tương đối. Vì vậy hai nguồn thu từ ngân hàng, dầu dự báo sẽ tăng.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, để đảm bảo cân đối ngân sách, trước mắt Bộ Tài chính sẽ động viên các khoản có thể thu được ngay. Trong đó, có khoản thu từ đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước với số tiền ước hơn 6.000 tỷ đồng. Hiện NHNN đã chuyển một phần tiền vào ngân sách.

Cùng đó, với địa bàn có nguồn thu VAT, nguồn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cao, Bộ sẽ có cách thu riêng. Hiện Bộ Tài chính đã chọn ra 12- 14 địa bàn trọng điểm để phối hợp với chính quyền địa phương xử lý việc thu thuế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN