Đầu cơ, lướt sóng đất nền TP.HCM “hạ nhiệt”
Ghi nhận tại một số khu vực trọng điểm của thị trường bất động sản TP.HCM cho thấy làn sóng đầu cơ, lướt sóng đất nền đã giảm nhiều so với thời điểm đầu năm 2018. Dù thực tế giá đất không có xu hướng giảm mạnh nhưng cũng không còn tình trạng chênh cao sau mỗi giao dịch.
Cụ thể, ở khu Đông TP.HCM như khu vực đường Nguyễn Xiển (quận 9) giá đang dừng ở mức 23-30 triệu/m2. Khu Long Thạnh Mỹ, tuyến đường Lã Xuân Oai có giá từ 31-35 triệu/m2, khu Phước Long B, tuyến Đỗ Xuân Hợp giá ổn định ở mức 55-61 triệu/m2, khu Long Trường, tuyến Nguyễn Duy Trinh giao dịch ở mức 33-37 triệu/m2. Mức giá này không có xu hướng giảm mạnh nhưng cũng không còn tình trạng chênh cao sau mỗi giao dịch.
Tương tự, tại khu Tây và Tây Bắc TP.HCM, đất nền phân lô quận 12, Bình Tân, Bình Chánh cũng ghi nhận mãi lực sụt giảm. Một công ty chuyên phân phối đất nền khu cho hay, hiện nay lượng giao dịch thành công trên địa bàn này đã giảm đến 70% so với 5 tháng đầu năm 2018.
Nguyên nhân của thực trạng này theo một số chủ đầu tư và sàn môi giới là bởi nhiều nhà đầu tư đã kiếm đủ lời khi cơn sốt bị đẩy lên cao và đang tìm cách rút khỏi thị trường, hoạt động sang nhượng vì thế cũng giảm nhiệt. Ngoài ra, hiện rổ hàng đặc thù này trên thị trường trở nên khan hiếm nguồn cung mới, nhà đầu tư có rất ít sự lựa chọn để xuống tiền. Trong khi đó, giá đất nền bán thứ cấp trên thị trường lại ở ngưỡng quá cao, tăng bình quân 30-50% so với cuối năm ngoái và tăng 100-200% trong 12-18 tháng qua. Điều này khiến giới đầu tư mới gia nhập thị trường có sự cân nhắc khi mua vào, nhà đầu tư cũ đang ôm hàng lại khó bán ra.
Bên cạnh đó, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, nhiều ngân hàng cũng tăng lãi suất cho vay với bất động sản khiến dòng tiền chảy vào đất nền bị chững lại. Do đó những người mua để xây nhà phục vụ nhu cầu ở thật đang gặp phải băn khoăn không đủ khả năng chi trả, vay ngân hàng lại lo bẫy lãi suất thả nổi và quan ngại giá đất đang cao đến mức khó chấp nhận vì thật ảo lẫn lộn.
Dự án đất nền trên đường Nguyễn Duy Trinh quận 9
Bà Trần Thị Cẩm Tú - Tổng giám đốc Emximrs nhận định đất nền hiện tại vẫn trong cơn "sóng ngầm" và chỉ tăng giá ở một số nơi ăn theo sự phát triển hạ tầng. Theo đó, thời gian tới, thị trường đất nền sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tăng giá nhưng tăng giá cục bộ, không lan rộng tất cả các khu vực.
Theo bà Tú, các khu vực ven trung tâm Sài Gòn mức độ tăng giá sẽ ổn định vì thực chất thời gian qua giá đất đã lên quá cao, vượt xa giá trị thực. Trong khi đó, đất nền tại các khu vực như Đồng Nai, Bình Dương, Long An sẽ trên đà tăng giá mạnh trong thời gian sắp tới. Bà Tú dự báo, mức tăng có thể đạt từ 30-40% ở một số khu vực tính từ thời điểm này đến đầu quý 4.2018.
Còn ông Phan Công Chánh - chuyên gia bất động sản cá nhân cho rằng sẽ có 2 kịch bản cho thị trường bất động sản đất nền trong quý 3.2018. Một là, giá đất nền tiếp tục tăng khi có những thông tin về cú hích hạ tầng và thay đổi chính sách. Hai là, thị trường phản ứng chậm lại do chính sách tín dụng siết chặt của ngân hàng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, thời gian tới, nhiều chính sách kiểm soát hiện tượng phân lô tràn lan, xử lý những đối tượng tiếp tay cho cơn sốt đất vừa qua hay chính sách hạn chế tín dụng bất động sản sẽ khiến thị trường giảm nhiệt rõ nét.
Từ giờ đến cuối năm, theo ông Châu, thị trường bất động sản sẽ không còn cảnh mua bán ồ ạt, đầu tư bất chấp hoặc giá tăng chóng mặt. "Với những chính sách "mạnh tay" của nhà nước, thời gian tới, thị trường đất nền khu ven chủ yếu hướng vào nhu cầu ở thực", ông Châu khẳng định.
Điều này cũng đồng thời diễn ra ở các khu vực vệ tinh TP.HCM. Điển hình, mới đây, tỉnh Đồng Nai đã cho rà soát lại toàn bộ thị trường, đặc biệt ở những khu vực có hiện tượng giá đất tăng nóng thời gian qua như TP. Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành. Trong khi đó, tỉnh Long An cũng tiến hành thanh kiểm tra tình hình triển khai dự án của một số doanh nghiệp có thế mạnh về đất nền trên địa bàn.